Ông Biden nói Mỹ đang cân nhắc đề xuất từ Australia hủy truy tố Julian Assange, người đang đối mặt nguy cơ bị dẫn độ vì vụ rò rỉ tài liệu mật năm 2010.

"Chúng tôi đang cân nhắc vấn đề đó", Tổng thống Joe Biden nói tại Nhà Trắng ngày 10/4, khi được phóng viên hỏi về việc Australia đề nghị Mỹ hủy truy tố Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks. Ông Biden không nêu thêm chi tiết quá trình đánh giá đề xuất của Australia.

Bình luận của ông Biden gây chú ý, bởi đây được coi là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính phủ Mỹ không còn hứng thú với ý tưởng truy tố Assange, người mang quốc tịch Australia, có thể do lo ngại hệ lụy chính trị trong năm bầu cử tổng thống.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese, người từ lâu đã bày tỏ phản đối việc giam Assange, cho hay chính phủ của ông đã nêu vấn đề này trong các cuộc gặp cấp cao với Mỹ và sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao để Assange sớm được tự do.

"Đây là phát biểu mang tính khích lệ rất lớn của Tổng thống Biden", ông Albanese nói trên truyền hình Australia. "Tôi tin rằng sự việc này cần phải kết thúc và Assange đã trả cái giá rất lớn, như vậy là quá đủ. Việc theo đuổi truy tố Assange không mang lại lợi ích gì, và đó là quan điểm của chính phủ Australia".

Quốc hội Australia hồi tháng hai đã thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ hủy truy tố nhà sáng lập WikiLeaks và tạo điều kiện cho ông trở về quê nhà. Thủ tướng Albanese cũng bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này.

Ông Assange đang bị giam tại Anh, đối mặt phiên tòa về việc dẫn độ sang Mỹ chịu xét xử cho loạt cáo buộc vi phạm luật tình báo của nước này.

Hồi tháng trước, Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin tiết lộ chính quyền Tổng thống Biden đang nghiên cứu phương án để Assange chấp nhận thỏa thuận nhận tội. Nhà sáng lập WikiLeaks có thể nhận tội danh "hành xử không đúng quy định khi giữ tài liệu mật", đổi lại ông được thả tự do sớm hơn nhiều so với loạt cáo buộc hiện nay.

1 Ong Biden My Xem Xet Huy Truy To Nha Sang Lap Wikileaks

Người sáng lập WikiLeaks Jullian Assange tại London vào tháng 4/2019. Ảnh: Reuters

Julian Assange, 52 tuổi, công dân Australia, bị Mỹ truy nã vì đã hỗ trợ cựu chuyên viên phân tích tình báo quân sự Chelsea Manning đánh cắp, phát tán tài liệu mật của quân đội và cơ quan ngoại giao Mỹ vào năm 2010.

Assange bị truy tố với 17 cáo buộc vi phạm luật tình báo và một cáo buộc tin tặc, với tổng mức án có thể lên đến 175 năm tù. Các công tố viên Mỹ cho rằng hành vi tiết lộ thông tin mật của Assange đã đe dọa tính mạng của các đặc vụ và đặc tình Mỹ.

Để tránh bị bắt, Assange đã xin tị nạn trong đại sứ quán Ecuador tại Anh trong 7 năm. Năm 2019, Ecuador cáo buộc Assange vi phạm thỏa thuận tị nạn nên đã cho phép cảnh sát Anh vào đại sứ quán bắt ông. Đến tháng 3, tòa án tại London phán quyết hoãn thi hành dẫn độ Assange cho đến khi Mỹ cam kết nhà hoạt động này không chịu án tử hình.

Cảnh sát Anh bắt ông chủ WikiLeaks

Bộ Tư pháp Mỹ chưa bình luận về phát ngôn của Tổng thống Biden. Trong khi đó, Barry Pollack, luật sư của nhà sáng lập WikiLeaks, bày tỏ lạc quan về tương lai của thân chủ sau bình luận từ Tổng thống Mỹ.

Phần lớn cáo buộc nặng nhất nhắm vào Assange được Bộ Tư pháp Mỹ công bố vào năm 2019, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, những người ủng hộ Assange xem ông là người hùng vì đã phơi bày nhiều sai lầm của chính phủ Mỹ, trong đó có cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq.

Người tiền nhiệm của Trump là Barack Obama có lập trường nhẹ tay hơn với các bên liên quan bê bối WikiLeaks vì lo ngại vi phạm quyền hiến định về tự do báo chí. Ông đã giảm án tù cho Chelsea Manning từ 35 năm còn 7 năm, giúp cựu binh này được tự do vào năm 2017.

Thanh Danh (Theo Reuters, Guardian)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga