Có phải Moscow đã thành công trong việc "lách" các lệnh trừng phạt công nghệ của phương Tây để đảm bảo tự cung nhằm duy trì hoạt động của nền kinh tế Nga và chế tạo vũ khí?

1 Nga Dang Co Gan Nhu Tat Ca Nhung Gi Ho Muon Va Can Nhung Ai Dang Giup Moscow Dac Luc

Các quốc gia tích cực nhất tạo điều kiện cho Nga "lách" các lệnh trừng phạt bao gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Cyprus và UAE. (Nguồn: Logistics Asia).

Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis đã lưu ý, các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đang gây ra suy thoái kinh tế kéo dài tại Nga, nhưng hiệu quả của các biện pháp này còn phụ thuộc nhiều vào quá trình thực thi.

Trong một báo cáo về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt, các chuyên gia kinh tế Nga đánh giá, 10 vòng lệnh trừng phạt do Mỹ và EU phối hợp chặt chẽ nhằm suy yếu nền kinh tế Nga đã ngăn chặn được khả năng tiếp cận trực tiếp của Điện Kremlin đối với công nghệ phương Tây trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, Nga đã thiết lập được các tuyến thay thế tương đối nhanh chóng, với việc nhập khẩu các hàng hóa lưỡng dụng và được kiểm soát, hiện đã vượt mức trước xung đột.

Các quốc gia tích cực nhất để tạo điều kiện cho Nga lách các lệnh trừng phạt bao gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Cyprus và UAE.

Các số liệu cho thấy Nga hầu như đã quay trở lại mức nhập khẩu trước xung đột, với việc các chip và IC tiên tiến được sản xuất tại EU và các quốc gia đồng minh khác được vận chuyển qua các nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, UAE cũng như các nền kinh tế Đông Âu và Trung Á khác. Các chuyến hàng từ Trung Quốc tới Nga cũng tăng lên khi Bắc Kinh ngày càng đóng vai trò đối tác cung cấp quan trọng cho Nga.

Ai đang "giúp đỡ" Nga?

Một số quan chức phương Tây tin rằng, tác động của các biện pháp trừng phạt đã không được như kỳ vọng. Các chuyến hàng từ Trung Quốc đến Nga đã tăng mạnh và Bắc Kinh đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với kinh tế Nga. Trong khi các quốc gia ngoài EU chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt riêng nhằm vào Nga, hầu hết số này đều liên tục phủ nhận việc họ đang giúp đỡ Nga.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của EU nhận định, Nga có thể đang lách các lệnh trừng phạt của EU và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) để mua chất bán dẫn quan trọng và các công nghệ phục vụ chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Báo cáo thương mại do Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) chỉ ra, Nga đang thành công trong việc sử dụng các nhân tố trung gian và trung chuyển thông qua "các quốc gia thân thiện".

Trong khi đó, theo Bloomberg, trong số các đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga đang phá vỡ các lệnh trừng phạt có Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kazakhstan.

Chuyên gia kinh tế Elina Ribakova tại Viện Tài chính quốc tế (IIF) cũng nhìn nhận hiệu quả thật sự của các lệnh trừng phạt rằng: "Bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga đang có gần như tất cả những gì quốc gia này muốn và cần".

EU đã nhắm mục tiêu vào nhiều nguồn thu chính của Nga và đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với gần 1.500 cá nhân, cũng như hạn chế xuất khẩu đối với hàng trăm mặt hàng và công nghệ của Nga. Tuy nhiên, các quan chức EU vẫn lo ngại rằng, họ đang thiếu một cơ chế hiệu quả để thực thi các biện pháp trừng phạt và EU đang tụt hậu so với Mỹ - quốc gia có "truyền thống" hơn trong việc trừng phạt quốc gia khác.

Trong báo cáo, các chuyên gia kinh tế Nga đã khẳng định, các biện pháp trừng phạt đã không ngăn được việc Nga nhập khẩu hàng hóa lưỡng dụng công nghệ cao và được kiểm soát, chẳng hạn như các máy bay không người lái (UAV) hay các bộ phận và bộ vi xử lý hoặc chất bán dẫn.

Các đợt giao hàng UAV từ UAE, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore vẫn tiếp tục đến Nga trong cuối tháng 11 và tháng 12/2022. Nhập khẩu của Nga đối với các bộ vi xử lý/chất bán dẫn đã tăng từ 1,82 tỷ USD năm 2021 lên 2,45 tỷ USD trong năm 2022. Trung Quốc đã trở thành nguồn cung quan trọng nhất của Nga về các bộ vi xử lý các bộ vi mạch tích hợp (IC).

Năm 2022, Trung Quốc, Đức, Hà Lan và Phần Lan dẫn đầu về doanh thu từ xuất khẩu vi mạch sang Nga tính theo USD, trong khi Hong Kong, Estonia, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức dẫn đầu về lượng giao dịch.

Các tuyến huyết mạch… vẫn chảy

Theo số liệu của Liên hợp quốc, kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đã tăng từ 79.000 USD năm 2021 lên 3,2 triệu USD năm 2022. Ankara vốn từ chối ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU nhằm vào Nga, đã trở thành nhà xuất khẩu thiết bị điện tử lớn sang Nga.

Trong khi đó, theo Reuters, giá trị nhập khẩu công nghệ của Nga từ tháng 4-11/2002 đạt 2,6 tỷ USD, trong đó ít nhất 777 triệu USD được sử dụng để mua sản phẩm của các nhà sản xuất phương Tây. Nga đã có được các loại vi mạch do Intel, AMD, Texas Instruments Inc, Analog Devices của Mỹ hay Infineon AG do Đức sản xuất.

Nhìn chung, thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đã tăng vọt khi Ankara thực hiện các bước đi tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán các mặt hàng không nằm trong danh sách bị trừng phạt. Nước này cũng cung cấp cho Nga hàng loạt mặt hàng tiêu dùng đã biến mất khỏi thị trường sau khi khoảng 1.000 thương hiệu phương Tây rút khỏi thị trường Nga. Tuy nhiên, sản phẩm của các thương hiệu này vẫn tới thị trường Nga theo các cơ chế nhập khẩu song song.

Các quốc gia khu vực Baltic đã nổi lên như một tuyến đường quan trọng khác, với việc hai công ty tại Estonia đã tăng ồ ạt các chuyến giao hàng chất bán dẫn đến Nga. Dường như giới doanh nhân có liên hệ với Nga đã lợi dụng cơ chế cư trú điện tử nổi tiếng của Estonia để thành lập các công ty ảo và sử dụng các công ty này để vận chuyển chất bán dẫn có nguồn gốc từ Trung Quốc và một số nơi khác để trung chuyển vào Nga.

Tương tự, hơn 260 công ty Litva vẫn tiếp tục giao dịch với Nga. Bản tin của Đài truyền hình công cộng LRT của Litva dẫn số liệu của Cơ quan Dữ liệu quốc gia Litva (Registru Centras) cho thấy chỉ có hơn một nửa số công ty của nước này đã cắt đứt quan hệ làm ăn với Nga sau xung đột tại Ukraine. Theo Registru Centras, kim ngạch nhập khẩu công nghệ của Nga trong giai đoạn từ tháng 4-11/2022 đã đạt 2,6 tỷ USD, trong đó ít nhất 777 triệu USD được sử dụng để mua sản phẩm của các nhà sản xuất phương Tây.

Các cảng Baltic cũng trở nên nhộn nhịp. Cảng Riga đã ghi nhận lượng hàng hóa container tăng lên mức 460.700 TEU (container 20 Feet) trong năm 2022, là tỷ lệ luân chuyển hàng hóa cao kỷ lục, vượt 16% so với năm trước và đã trung chuyển được 326.000 TEU, là mức trung chuyển hàng năm cao nhất trong lịch sử của cảng này.

Năm 2022 cảng Tallinn đã chứng kiến 18 triệu tấn hàng hóa qua cảng, giảm 21% so với năm 2021 do việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với hàng hóa của Nga và Belarus. Tuy nhiên, sự sụt giảm khối lượng hàng hóa dạng lỏng và dạng khô do các lệnh trừng phạt cũng được bù đắp phần nào nhờ sự tăng trưởng bất thường của các loại hàng hóa khác.

Với việc các công ty giao nhận hàng hóa Trung Quốc-châu Âu đang tìm cách đưa ra cho các doanh nghiệp lựa chọn các tuyến đường tránh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác trong khu vực rất muốn giúp trang bị và xây dựng Hành lang giữa, tên gọi chính thức là Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi (TITR) nối Đông Á với châu Âu qua Kazakhstan, Biển Caspi, Azerbaijan, Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 2022, các công ty vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc vốn phải đối mặt với việc chuyển hàng đến châu Âu qua lãnh thổ Nga hoặc Kazakhstan, đã ngày càng có xu hướng lựa chọn tuyến đường qua Kazakhstan. Khối lượng vận chuyển qua tuyến đường sắt Kazakhstan cũng như qua các cảng Biển Aktau và Caspi đang tăng vọt. Giữa năm 2022, Abai Turikpenbayev, người đứng đầu cảng thương mại Biển Aktau đã từng dự báo khối lượng vận chuyển qua TITR trong năm 2023 sẽ tăng gấp 6 lần, lên tới 3,2 triệu tấn.

Hơn nữa, có một nguồn xung lực mới để phát triển các tuyến đường, vốn đã được thảo luận từ lâu, hướng về phía Tây từ Trung Quốc, bao gồm cả tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan (CKU).

Đồng thời, EBRD cũng sẵn sàng đầu tư hàng tỷ Euro vào việc phát triển các tuyến vận tải hàng hóa giữa châu Âu và châu Á vòng qua Nga, trong bối cảnh cuộc tranh giành quyền kiểm soát các tuyến thương mại xuyên lục địa Á-Âu đang diễn ra.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của EU cho rằng Kazakhstan đã trở thành một quốc gia trung chuyển quan trọng để Nga lách các lệnh trừng phạt của phương Tây và mua các chất bán dẫn tiên tiến cũng như các công nghệ khác cần cho cuộc xung đột tại Ukraine. Năm 2022, Kazakhstan đã xuất khẩu lượng các chất bán dẫn tiên tiến trị giá 3,7 triệu USD sang Nga, vượt xa mức 12.000 USD trước khi cuộc xung đột nổ ra.

Những nỗ lực “chắp vá”?

Khi cuộc chơi đang nhanh chóng trở thành trò chơi "ăn miếng trả miếng", các cường quốc phương Tây đang bắt đầu gây áp lực với những bên "phá hoại" các lệnh trừng phạt. Đức đã thông qua các luật mới mang tính cứng rắn nhằm truy tố các công ty và doanh nhân tích cực lách trừng phạt.

Đồng thời, cả châu Âu và Mỹ đã phát động những nỗ lực lớn về ngoại giao nhằm gây sức ép lên các quốc gia đang tạo điều kiện cho thương mại của Nga, buộc các quốc gia này chấm dứt việc đó, tuy nhiên cho đến nay những nỗ lực này vẫn chưa đạt được nhiều thành công.

Trên thực tế, những nỗ lực nhằm trừng phạt Nga tại châu Âu đã được giảm nhẹ để tránh tổn thương quá nhiều về kinh tế. Việc thực thi tại EU cũng là những nỗ lực mang tính chắp vá, chủ yếu phụ thuộc vào các quốc gia thành viên. Mỹ không gặp phải những vấn đề này vì Washington về cơ bản vẫn tự chủ trong việc nhập các nguyên liệu thô quan trọng và năng lượng.

Cuối cùng, ý chí chính trị đóng vai trò rất quan trọng và các quốc gia thành viên EU có thể phải chịu áp lực khi thực hiện hành động cứng rắn với các công ty nước mình.

Kết quả là, châu Âu có xu hướng đưa ra các ngoại lệ và miễn trừ đối với một số biện pháp trừng phạt quan trọng, như việc vận chuyển hay nhập khẩu phân bón, hoặc nhắm mắt làm ngơ trước một số hệ thống nhập khẩu hàng hóa rõ ràng hơn qua các nước thứ ba đến châu Âu.

Điều này đôi khi đã dẫn đến những cuộc tranh luận gay gắt giữa các quốc gia thành viên về các miễn trừ, cũng như các yêu cầu báo cáo do không có sự thống nhất trong EU về chính sách trừng phạt.

Điều đó đúng như một bộ trưởng EU đã từng nhận xét rằng, với mỗi vòng trừng phạt, "chúng tôi tiến một bước với các biện pháp mới và lùi một bước với các miễn trừ".

CHU VĂN

Nguồn: baoquocte.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga