Nhà lãnh đạo Campuchia nhận định, cho dù "Nga có chiếm toàn bộ lãnh thổ của Ukraine, hay bắt giữ hoặc ám sát Tổng thống Ukraine, thì Nga cũng không thể thắng."

Hãng tin Fresh News (Campuchia) đã đăng tải đoạn phỏng vấn với Thủ tướng Hun Sen hôm 27/2 vừa qua, khi "chiến dịch quân sự" của Nga tại Ukraine bước sang ngày thứ 4.

1 Thu Tuong Hun Sen Binh Luan Ve Tinh Hinh Ukraine Doi Thoai Hoa Binh La Giai Phap Duy Nhat

Trong cuộc phỏng vấn với CEO Fresh News, Thủ tướng Hun Sen đã chia sẻ quan điểm của ông về cuộc xung đột giữa hai nước châu Âu và giải pháp cho cuộc xung đột này.

"Theo quan điểm của cá nhân tôi, Nga không thể lật đổ Ukraine bằng vũ lực quân sự và Ukraine cũng vậy. Giải pháp khả thi duy nhất là đàm phán hòa bình", ông Hun Sen bình luận.

"Liệu người Ukraine có chịu im lặng hay không? Hãy nhìn vào một số quốc gia như Iraq, Syria, Libya. Chiến tranh ở những nước đó đã kết thúc hay chưa?" - ông Hun Sen nói.

Thủ tướng Hun Sen nhắc nhở Moskva: "Nga có thể sẽ 'sa lầy' trong lãnh thổ Ukraine nếu quân Nga ở lại đó trong thời gian dài. Đây cũng chính là bài học của Liên Xô tại Afghanistan trong thập niên 1980, và bài học của Mỹ-NATO tại Afghanistan trong thế kỷ 21."

Do đó, ông Hun Sen nói tiếp: "Nhiệm vụ quan trọng nhất là đàm phán hòa bình vì lợi ích chung của tất cả các bên, nhằm chấm dứt cuộc chiến đẫm máu và tìm lại hòa bình thực sự."

"Như tôi đã nhiều lần khẳng định, tôi không tin rằng chiến tranh là phương tiện để chấm dứt chiến tranh. Tôi tin tưởng vào các cuộc đàm phán. Địa điểm và thời gian không nên là trở ngại cho các cuộc đàm phán. Thời gian trì hoãn đàm phán càng dài, thì những người dân đang phải sơ tán càng chịu nhiều đau đớn", nhà lãnh đạo Campuchia nhấn mạnh.

Ông Hun Sen đã kêu gọi Nga-Ukraine đối thoại và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ông cho biết: "Campuchia đã có được hòa bình trọn vẹn vào năm 1998 nhờ các cuộc đàm phán hòa bình trên nền tảng chính sách đôi bên cùng có lợi. Nhờ đó mà người dân Campuchia được sống trong hòa bình và thịnh vượng. Nếu không có các cuộc hòa đàm, chiến tranh sẽ vẫn còn tiếp diễn ở Campuchia ngày nay."

Ngày 2/3, phát biểu trong buổi lễ khánh thành Quốc lộ 3 Phnom Penh-Kampot, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nhận định rằng cuộc chiến ở Ukraine giờ đã trở thành "cuộc chiến giữa Nga và châu Âu" sau khi một số quốc gia thành viên NATO hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Nhà lãnh đạo Campuchia nhấn mạnh: "Vấn đề hiện tại là các nước châu Âu đã [cho phép công dân đến Ukraine tham gia chiến đấu], hỗ trợ tiêm kích, vũ khí cho Ukraine."

"Trong bối cảnh này, cuộc chiến này không chỉ là xung đột giữa Nga-Ukraine, mà còn là cuộc chiến của Nga với châu Âu, với việc châu Âu viện trợ quân sự và cung cấp máy bay cho Ukraine chính là động cơ bổ sung cho chiến tranh", ông Hun Sen nhận định.

Thủ tướng Hun Sen cũng nhắc lại quan điểm của Campuchia là không khuyến khích sử dụng vũ lực quân sự chống lại bất kỳ bên nào.

"Chúng ta không thể sử dụng chiến tranh để ngăn chặn chiến tranh," ông Hun Sen tái khẳng định. "Campuchia không ủng hộ việc sử dụng lực lượng quân sự hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại bất kỳ bên nào"./.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga