Rất nhiều bạn đọc phản hồi  về chuyện cắt trụi lủi cây xanh giữa lúc nắng nóng, thay vì chỉ cắt tỉa, chăm sóc cây xanh.

1 Cat Trui Lui Cay Xanh Do Thi Nguoi Dan Buc Minh Vo Ke

Hàng cây xanh trên quốc lộ 1 (đoạn thuộc quận Bình Tân, TP.HCM) bị cắt trụi nhánh - Ảnh: HỒNG ĐIỆP

Bài viết "Cắt tỉa chứ sao cưa trụi lủi cây xanh?" trên Tuổi Trẻ Online đã thu hút sự quan tâm, phản hồi của rất nhiều bạn đọc.

Đặc biệt trong thời điểm nắng nóng như hiện nay thì việc cắt trụi lủi nhánh cây xanh, không còn bóng mát đã để lại nhiều sự băn khoăn.

Xót xa cây xanh bị cắt trụi lủi khi trời nắng rát

Đó là tâm trạng chung của phần lớn bạn đọc. "Thấy mà xót, mà tiếc", bạn đọc Bao Pham bày tỏ.

Kể lại câu chuyện mình chứng kiến, bạn đọc Huong Vu viết: "Ở quận... cách đây hơn 2 tuần đã cắt tỉa cành trụi lủi, cưa ngang luôn phần ngọn của cây, chỉ còn trơ thân cây. Tôi chạy ngang đó nhìn thấy mà xót xa. Mọi người có ý kiến khá nhiều trên báo chí nhưng công nhân cứ chặt cây! Họ có được giám sát, hướng dẫn cách cắt tỉa không?".

Bạn đọc Tuan bổ sung: "Trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh (TP.HCM) tôi không hiểu vì sao những cây to bóng mát lại bị chặt ngang gốc, thay bằng cây mới bé xíu. Đứng chờ đèn đỏ nóng rát cả người, đường thì nóng hầm hập, mất cả chục năm mới có cây to bóng mát nhưng chỉ mất 10 phút để chặt bỏ".

Bạn đọc Dương thêm vào: "Mưa bão thì chỉ nên tỉa cành thôi chứ đằng này đi chặt trụi lủi, thậm chí còn đốn hạ ngang gốc cả những cây lâu năm rồi lại trồng cây khác kế bên để làm gì? Thời tiết thì nóng như thiêu đốt".

"Những ngày nắng nóng gay gắt như thế này tại sao đi cắt tỉa cây xanh? Việc cắt tỉa đúng ra chỉ trước những ngày dự báo có gió bão, còn mùa nắng nóng đang kéo dài ai cũng biết thì cắt tỉa cây xanh để làm gì?", bạn đọc Trần Sỹ Thanh thắc mắc.

"Gần nhà tôi cắt trước Tết, đến nay 6 tháng rồi mới ra được tí lá", bạn đọc Long cho biết. Còn bạn đọc Ngominhtri thì lo ngại: "Cứ cắt đi rồi cây sẽ đâm tược và ra nhánh nhưng những tược và nhánh đó sẽ bị gió bẻ gãy".

Bạn đọc có nickname a b c chia sẻ: "Nghe nói TP.HCM diện tích cây xanh/đầu người ít thì hạn chế chặt cây. Mai mốt mất chỗ chứa nước, mất cây xanh (dù là dừa nước)... rồi lại sẽ ngập".

Cắt tỉa cây xanh: cần có giám sát và nghiệm thu 

Bạn đọc Phạm Sanh chia sẻ: "Tất nhiên, do nhu cầu phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đô thị, an toàn cho sinh mạng và bảo vệ tài sản người dân, việc di dời đốn hạ một số cây xanh là chuyện cần thiết bình thường".

Tuy nhiên bạn đọc Phạm Sanh cũng đề xuất: "Nhưng làm sao việc này phải là ít nhất, được khảo sát so sánh tính toán hết sức chuyên nghiệp.

Ngay cả công việc chẩn đoán cắt tỉa chăm sóc cũng phải có "nghề", phải là những kỹ thuật viên cây xanh đô thị chứ không phải là các bác thợ rừng.

Và quan trọng là việc trồng lại trồng mới phải quyết liệt hơn. Các khung pháp lý, tài chính và kỹ thuật phải được thảo luận và cam kết trong cộng đồng, giữa chính quyền và người dân".

Bạn đọc Y mong muốn: "Xen vào những cây trồng mới từ cây to cho nhanh có bóng mát thì nên trồng những cây từ nhỏ để có bộ rễ phát triển vững chắc".

Không ít ý kiến khác cũng đề xuất thêm nhiều giải pháp, thay vì cắt trụi lủi cây xanh. 

Cần có quy trình cắt tỉa chăm sóc cho từng cây. "Cụ thể là số hóa tất cả các cây xanh và đưa ra quy định cắt tỉa cho từng cây/từng mã cây", bạn đọc Trí Dũng đề xuất.

Cũng theo bạn đọc này: "Mỗi cây có một đặc điểm riêng, chỉ cần tỉa cành là đủ. Nếu cây đã mục nát thì cần có kế hoạch thay cây mới ngay. Trường hợp này mới cần cắt tỉa và đốn hạ. Cần có quy trình giám định nghiêm ngặt cây như thế nào là mục nát. Cần có thiết bị đo lường cụ thể và ký duyệt khi quyết định đốn hạ cây xanh".

Đồng ý về cách này, bạn đọc Nguyễn Trần nói thêm: "Cần đưa ra quy trình cắt tỉa cho từng cây, ở từng vị trí, tùy thuộc chủng loại, mức độ ảnh hưởng tới xung quanh, cần đánh giá mức độ tác động tới từng cây. Không được cắt tỉa quá 20% cành lá trong 1 lần cắt tỉa. Cần có người giám sát nghiệm thu".

Bạn đọc minhle đặt vấn đề: "Có một việc tréo ngoe là bên điện kéo dây, bên khác lại trồng cây chính xác giữa đường dây. Sao cơ quan thẩm quyền không chỉ đạo hai lĩnh vực này ngồi lại với nhau? Tại sao không lựa loại cây tầm thấp trồng dưới hàng dây điện?".

Cùng suy nghĩ, bạn đọc Đặng Văn Hòa viết: "Không biết điện lực với bên cây xanh có bao giờ ngồi lại với nhau để bàn vấn đề này không? Cây xanh thì trồng dưới hàng điện, khi lớn tới đường dây điện thì chặt ngọn không thương tiếc, nhìn cây chỉ còn mỗi phần thân, về lâu dài thì cây bị èo uột và chết gây lãng phí và mất thời gian".

Quyết liệt hơn, bạn đọc Trí Dũng ý kiến: "Nên xử phạt bên chỉ đạo việc cắt cây phi lý và giao việc cho bên tư nhân chuyên về chăm sóc cây xanh có uy tín...".

Một số ý kiến bạn đọc cũng chia sẻ với việc cắt cây xanh vì vướng hạ tầng, gây nguy hiểm. Bạn đọc Nui.nguyenngoc viết: "Vỉa hè hẹp có 3,5m, bên dưới thì ống cấp nước, cống thoát nước, cáp quang..., trên thì dây điện trần, lại chọn trồng cây lim xẹt, nó ra ngọn lớn nhanh như Thánh Gióng, không cắt trụi cành thì ai theo tỉa cho nổi, chưa kể tới nguy hiểm an toàn điện!".

Về nguyên nhân, một số bạn đọc cho rằng do chọn loại cây chưa phù hợp trồng ở đô thị. "Sai ngay từ khâu chọn cây ở nước nhiệt đới. Thiếu phân tích xem để tán rộng, cao bao nhiêu không gãy đổ", bạn đọc Khanh nêu ý kiến.

THUỶ TIÊN (TỔNG HỢP)

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga