Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng lưu ý rằng nước này sẽ phải duy trì mục tiêu lâu dài là xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

1 Thay Nguy Co Tu Nga Ukraine Ong Abe Noi Nhat Ban Nen Can Nhac Chia Se Hat Nhan Voi My

Japan Times đưa tin, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 27/2 vừa qua đã nhận định rằng đất nước của ông nên phá bỏ điều cấm kỵ lâu đời về vũ khí hạt nhân và tổ chức một cuộc tranh luận tích cực về vấn đề này - bao gồm cả chương trình "chia sẻ hạt nhân" tương tự như của NATO.

Tuyên bố trên đã được ông Abe đưa ra trên truyền hình Nhật Bản sau chuỗi hành động quân sự của Nga ở Ukraine.

"Nhật Bản là nước ủng hộ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), bao gồm ba nguyên tắc về phi hạt nhân hóa, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không được thảo luận về việc đảm bảo an toàn cho thế giới", cựu Thủ tướng Nhật Bản cho biết.

Ông Abe đã thôi chức thủ tướng vào năm 2020 nhưng vẫn có ảnh hưởng lớn ở chính trường Nhật Bản với tư cách là người đứng đầu phái lớn nhất của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Ông cho rằng nếu Ukraine không đổi số vũ khí hạt nhân mà họ được thừa hưởng sau khi Liên Xô tan rã thì có thể họ đã không bị Nga tấn công.

Nhấn mạnh một điều đã được chính phủ Nhật Bản nhắc đến nhiều lần, đó là "môi trường an ninh ngày càng khắc nghiệt" ở châu Á - bao gồm sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc và chương trình hạt nhân của Triều Tiên - ông Abe nói rằng các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO có thể là cách giúp Nhật Bản ngăn chặn những mối đe dọa này.

Ông Abe bình luận trong chương trình được phát sóng trên đài Fuji Television: "Nhật Bản cũng nên xem xét các lựa chọn khác nhau trong các cuộc thảo luận của mình, bao gồm cả việc chia sẻ hạt nhân."

Chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO cho phép Mỹ giám sát việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở châu Âu và triển khai vũ khí hạt nhân đến các nước đồng minh không sở hữu chúng - các quốc gia này cũng tham gia vào quá trình quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nhật Bản là nơi duy nhất từng bị tấn công hạt nhân vào cuối Thế chiến II. Theo Hiến pháp hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản, nước này dựa vào "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ để ngăn chặn các mối đe dọa.

Ba nguyên tắc phi hạt nhân hóa của Nhật Bản lần đầu tiên được công bố vào năm 1967, kêu gọi nước này không sở hữu, sản xuất hoặc cho phép vũ khí hạt nhân đặt trên lãnh thổ của đất nước.

Các cuộc thăm dò cho thấy công chúng vẫn kiên định phản đối việc Nhật Bản sở hữu kho vũ khí hạt nhân của riêng mình. Nhưng cựu Thủ tướng Abe cho rằng một thỏa thuận chia sẻ vũ khí hạt nhân tương tự như NATO có thể là một lựa chọn hợp lý hơn cho nước này.

Tuy nhiên, ông Abe lưu ý rằng Nhật Bản sẽ phải duy trì mục tiêu lâu dài là xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

"Điều quan trọng là phải hướng tới mục tiêu đó, nhưng về vấn đề bảo vệ cuộc sống của công dân và đất nước Nhật Bản, tôi nghĩ rằng chúng ta nên tiến hành các cuộc thảo luận bằng cách cân nhắc đầy đủ các phương án khác nhau", ông nói./.

Theo Trí Thức Trẻ

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga