Chuyến bay đưa những lính Mỹ cuối cùng rời Afghanistan giữa khung cảnh hoang tàn của sân bay Kabul, trong khi các tay súng Taliban vẫy chào tạm biệt.

Những vận tải cơ Mỹ cất cánh lần cuối từ Afghanistan vào đêm 30/8, trong lúc bầu trời rực sáng bởi pháo hoa và những vệt đạn vạch đường ăn mừng của Taliban, còn sân bay quốc tế Hamid Karzai tràn ngập xác máy bay và khí tài bị phá hủy.

Chó hoang chạy khắp bãi đỗ máy bay. Qua kính đêm, lính Mỹ có thể thấy rõ những tay súng Taliban đang chậm rãi tiến vào sân bay và vẫy chào các máy bay sắp rời đi.

Xếp hàng chờ cất cánh tại sân bay Kabul đêm đó là 5 chiếc vận tải cơ C-17. Phi công những vận tải cơ này phải xuất phát mà không có sự bảo vệ từ hệ thống phòng không C-RAM và không có ai điều phối bay tại trạm kiểm soát không lưu.

1 Phi Cong My Ke Canh Tuong Nhu Tan The Khi Rut Khoi Kabul

Một chiếc C-17 chuẩn bị đón lính Mỹ tại sân bay Kabul tối 30/8. Ảnh: USAF.

"Cảnh tượng giống như ngày tận thế, như trong những bộ phim về xác sống. Tất cả máy bay đã bị phá hủy, cửa mở toang và càng đáp bị hư hỏng. Có một phi cơ cháy rụi. Bạn có thể thấy khoang lái vẫn còn nguyên, trong khi phần còn lại cháy trơ khung", trung tá Braden Coleman, một thành viên tổ lái C-17 rời Kabul đêm 30/8, nhớ lại.

Đây là lần đầu tiên các phi công thuộc Phi đoàn Vận tải Viễn chinh số 816 không quân Mỹ kể về những giờ phút cuối cùng của lực lượng Mỹ tại Afghanistan.

"Tình hình rất căng thẳng, chúng tôi phải căng mắt theo dõi mọi thứ để bảo đảm mình đã sẵn sàng", đại úy Kirby Wedan, phi công điều khiển máy bay mang hô hiệu Moose 81 dẫn đầu biên đội 5 chiếc C-17, cho hay.

Sức ép càng tăng cao khi các máy bay Mỹ đậu ở khu vực từng bị tấn công hay đột nhập. Vào đêm đó, một nhóm dân thường xâm nhập được vào sân bay và tìm cách lên những chiếc C-17, nhưng bị binh sĩ Mỹ canh gác máy bay chặn lại.

Ngay phía sau máy bay của Wedan là chiếc C-17 mang hô hiệu Moose 92, trong đó trung tá Coleman đang kiểm tra quy trình sẵn sàng cất cánh. Khi được yêu cầu lùi máy bay ra xa vị trí đang đỗ một chút, Coleman bước ra ngoài để điều hướng cho tổ lái. "Tôi đeo kính nhìn đêm và có một lính phòng vệ đi kèm để bảo đảm an toàn. Nói thật là lúc đó khá căng thẳng, nhưng tôi không nghĩ về điều ấy trong lúc làm nhiệm vụ. Bạn làm những thứ đã được huấn luyện", trung tá này nhớ lại.

Trong hơn 3 tiếng, các tổ bay kiểm tra hơn 300 mục trong danh sách, bốc xếp 4 trực thăng vũ trang Little Bird và bảo đảm toàn bộ lực lượng Mỹ ở sân bay Kabul đã lên phi cơ.

Tướng Jacqueline Van Ovost, chỉ huy Bộ tư lệnh Không vận Mỹ, theo dõi toàn bộ quá trình qua video tại căn cứ không quân Scott ở bang Illinois. Bà có thể nghe tiếng ra lệnh của trung tá Alex Pelbath, phi công chỉ huy biên đội bay cuối cùng rời Afghanistan.

Từng chiếc C-17 được lệnh đóng cửa khoang hàng. "Xuất phát", Pelbath ra lệnh. Wedan sau đó bắt đầu di chuyển phi cơ ra đường băng. "Thật sự khác biệt. Tôi chưa từng cất cánh từ sân bay nào mà không cần xin phép không lưu như vậy", cô cho hay.

2 Phi Cong My Ke Canh Tuong Nhu Tan The Khi Rut Khoi Kabul

Lính lục quân Mỹ di chuyển lên vận tải cơ C-17 ở sân bay Kabul tối 30/8. Ảnh: US Army.

Biên đội 5 chiếc nhanh chóng rời đường băng, trong lúc tiếng hò reo vang lên từ khoang hàng, phần lớn là lính đặc nhiệm và binh sĩ Sư đoàn dù số 82 lục quân Mỹ. "Có thể thấy rõ sự nhẹ nhõm. Họ đã làm việc rất chăm chỉ, nhiều người không được tắm suốt nhiều tuần. Tất cả đều rất mệt mỏi. Rõ ràng tất cả đều rất vui mừng khi được rời khỏi đó và nhiệm vụ đã hoàn thành", Wedan nói.

Sau khi chiếc C-17 cuối cùng rời không phận Kabul, trung tá Pelbath phát thông điệp "MAF Safe" (lực lượng không vận đã an toàn).

"Làm rất tốt. Tôi tự hào vì tất cả mọi người", tướng Chris Donahue, chỉ huy Sư đoàn dù số 82, quân nhân Mỹ cuối cùng đặt chân lên máy bay rời Afghanistan, gửi thông điệp khi toàn bộ máy bay đã cất cánh.

Các binh sĩ mệt mỏi phải chen chúc trên sàn máy bay và tìm cách nghỉ ngơi, phần lớn đều ngủ say chỉ sau 30 phút. "Mọi người gần như ngồi đè lên nhau. Tôi bước xuống khoang hàng và họ bảo tôi không nên đi vệ sinh, có quá nhiều người nằm trước cửa nhà vệ sinh. Một binh sĩ còn dùng chai nước làm gối, tôi không biết nó có thoải mái không nhưng ít ra anh ta đang say ngủ", Wedan nhớ lại.

Chuyến bay từ Kabul đến Kuwait kéo dài khoảng 4 tiếng. Coleman nói máy bay của ông may mắn khi có nhiều nhà vệ sinh, trong khi chiếc C-17 của Wedan chỉ có một.

"Tôi không thể tự hào hơn khi được làm phi công C-17, để chứng kiến tất cả mọi người phối hợp hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian như vậy, để chuyển 124.000 người rời khỏi đó trong chưa đầy 3 tuần. Có thể thấy lý do thực sự khiến nhiều người trong chúng tôi nhập ngũ", Coleman, người gia nhập không quân Mỹ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, cho hay.

Vũ Anh (Theo AP)

Nguồn: vnexpress.net

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga