Lũ lụt kỷ lục đã nhấn chìm diện tích rộng lớn ở Nga và Kazakhstan. Reuters đã chỉ ra một số lý do khiến lũ lụt năm nay tồi tệ ở 2 quốc gia này.

1 Ly Do Lu Lut Toi Te O Nga Va Kazakhstan Trong Nam Nay

Khu vực ngập lụt ở vùng Orenburg, Nga. Ảnh: Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga

Lũ lụt gây ảnh hưởng nặng nề nhất tại khu vực phía nam dãy núi Ural ở Nga, cách Mátxcơva khoảng 1.200km về phía đông.

Tình trạng khẩn cấp được ban bố với vùng Orenburg và Kurgan của dãy Ural và vùng Tyumen ở phía tây Siberia, nơi có lưu vực hydrocarbon lớn nhất thế giới.

Sông Ural - bắt nguồn từ vùng núi Ural và chảy qua Kazakhstan vào Biển Caspi - ghi nhận vỡ đê ở thành phố Orsk ngày 5.4, làm ngập lụt một phần thành phố thuộc vùng Orenburg.

Một số vùng quanh sông Volga - con sông dài nhất châu Âu - trong tình trạng ngập lụt. Mực nước cũng dâng cao ở sông Tom của vùng Tomsk, Siberia.

Ít nhất 12.000 người ở Nga đã phải sơ tán. Các quan chức tăng cường cung cấp nước đóng chai và việc tiêm phòng viêm gan A đang được tiến hành ở các vùng bị lũ lụt.

2 Ly Do Lu Lut Toi Te O Nga Va Kazakhstan Trong Nam Nay

Nhân viên cứu hộ giúp chuyển 2 con bò ra khỏi khu vực lũ lụt ở vùng Orenburg, Nga. Ảnh: Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga

Tại Kazakhstan, hơn 97.000 người đã được sơ tán. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất chủ yếu giáp biên giới với Nga và có các con sông chảy từ Nga hoặc chảy vào Nga: Atyrau, Aktobe, Akmola, Kostanai, Đông Kazakhstan, Bắc Kazakhstan và các khu vực Pavlodar.

Sông Ural chảy qua trung tâm công nghiệp dầu mỏ lớn Atyrau của Kazakhstan. Tại đây, chính quyền đã đóng cửa trường học và huy động hàng nghìn người gia cố bờ sông và xây đập.

Kazakhstan đã sơ tán một số ngôi làng dọc theo sông Ishim - một nhánh của sông Irtysh. Irtysh cùng với sông chính là Ob, tạo thành hệ thống sông dài thứ 7 trên thế giới.

Giới chức dự báo, lũ lụt ở Ishim và một nhánh khác là Tobol sẽ đạt đỉnh điểm vào ngày 23-25.4.

Mực nước dự kiến đạt đỉnh gần thành phố Patropavlovsk, trung tâm vùng bắc Kazakhstan, trong ngày 11 và 12.4.

Lũ lụt cũng gây ra rủi ro kinh tế. Một số trận lũ lụt đã xảy ra tại các khu vực sản xuất lúa mì trọng điểm của Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.

Nga cũng là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới. Nhà máy lọc dầu Orsk ở Ural đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng về nguồn cung nhiên liệu từ ngày 8.4. Nhà máy lọc dầu Orsk đã đóng cửa để tránh rủi ro sinh thái và đảm bảo an toàn lao động. Năm ngoái nhà máy lọc dầu này đã xử lý 4,5 triệu tấn dầu (90.000 thùng mỗi ngày).

Hơn 8.000 vật nuôi trong các trang trại chết do lũ lụt ở Kazakhstan và Bộ Nông nghiệp nước này đã triển khai một đội đặc biệt để xử lý vật nuôi chết, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Hàng trăm xe tải chở hàng bị mắc kẹt ở Kazakhstan khi giới chức đóng cửa các con đường bị hư hại do lũ lụt.

Lũ lụt mùa xuân là một phần của cuộc sống trên khắp khu vực ở Nga và Trung Á bởi tuyết tan, làm nước dâng cao một số con sông. Tuy nhiên, năm nay, sự kết hợp của nhiều yếu tố dẫn tới lũ lụt nghiêm trọng bất thường.

Các quan chức tình trạng khẩn cấp của Nga cho biết, đất đã bị úng trước mùa đông và sau đó bị đóng băng bên dưới lượng tuyết rơi rất dày và tan rất nhanh khi nhiệt độ mùa xuân tăng nhanh kèm theo mưa lớn.

Maria Shahgedanova - giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Reading, Anh - cho hay, đất ẩm khi bước vào mùa đông, lượng tuyết rơi cao hơn bình thường và nhiệt độ tăng nhanh vào đầu mùa xuân giải thích cho quy mô của lũ lụt.

“Chỉ trong vài ngày, nhiệt độ đã tăng từ 0 lên 17-18 độ C và thậm chí 20 độ C. Và đó là nguyên nhân tuyết tan rất nhanh” - bà chỉ ra.

Biến đổi khí hậu khiến tuyết rơi dày hơn ở phía bắc và phía đông của khu vực các con sông chảy qua, từ đó có khả năng gây ra lũ lụt lớn hơn khi tuyết tan.

Nga là quốc gia có diện tích đất liền lớn nhất thế giới. Rừng phương bắc của Nga có diện tích tương đương với Mỹ và là khu vực có rừng lớn nhất trên Trái đất nên đóng vai trò quan trọng với khí hậu thế giới.

Báo LAO ĐỘNG

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga