Giới quan sát cho rằng các tiêm kích F-16 được trang bị vũ khí hiện đại sẽ giúp Ukraine nhắm vào các trung tâm liên lạc và chỉ huy cũng như các chuỗi hậu cần, hệ thống phòng không và tác chiến điện tử của Nga.

Việc vận chuyển tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine từ Đan Mạch và Hà Lan sẽ thúc đẩy những nỗ lực của Kiev nhằm giành lại các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát, một cựu Thiếu tướng Mỹ cho hay.

1 No Luc Moi Cua Phuong Tay Ho Tro Ukraine Nham Vao Muc Tieu Gia Tri Cao Cua Nga

Tiêm kích F-16. Ảnh: Reuters

Ngày 18/8, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, tiêm kích F-16 sẽ sẵn sàng cung cấp cho Ukraine khi các phi công của nước này được huấn luyện đầy đủ để vận hành chúng. Điều này sẽ giúp các lực lượng của Ukraine "giành được ưu thế hoàn toàn với những khả năng mới".

Đan Mạch và Hà Lan sở hữu các tiêm kích F-16 nhưng bởi vì chúng do Mỹ sản xuất nên việc vận chuyển phải được Washington thông qua. Hà Lan được cho là có 24 tiêm kích F-16 sắp loại biên và được thay thế bằng các chiến đấu cơ tiên tiến hơn. Trong khi đó, Đan Mạch có kế hoạch nâng cấp phi đội với khoảng 30 tiêm kích F-16. Mỹ vẫn do dự cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu này do lo ngại sẽ làm leo thang xung đột.

Vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược lập trường khi thông báo Mỹ sẽ cho phép vận chuyển tiêm kích trên từ các nước phương Tây cũng như tạo điều kiện cho việc huấn luyện phi công.

"Nếu được cung cấp đủ số lượng với nhịp độ kịp thời, các tiêm kích này sẽ giúp Ukraine bảo vệ và giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng", cựu Thiếu tướng Gordon B. "Skip" Davis Jr., hiện là học giả cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu cho hay.

Các chiến đấu cơ phương Tây như F-16 được trang bị radar, hệ thống điện tử hàng không và hệ thống dẫn đường tốt hơn các tiêm kích thời Liên Xô. Chúng cũng được trang bị các tên lửa và bom dẫn đường chính xác có thể bay với vận tốc hơn 2.400km/h. Khả năng nhắm trúng mục tiêu của chúng cũng cho phép Ukraine tấn công các lực lượng của Nga trong mọi điều kiện với mức độ chính xác cao hơn.

Chuyên gia Davis cho rằng chiến đấu cơ phương Tây, hoạt động với vai trò ngăn chặn trên không và hỗ trợ mặt đất, "sẽ cung cấp khả năng tấn công cần thiết để hỗ trợ các chiến dịch phòng thủ và phản công". Chúng có thể nhắm vào các trung tâm liên lạc và chỉ huy của Nga cũng như các chuỗi hậu cần, hệ thống phòng không và tác chiến điện tử.

"Các chiến đấu cơ trong vai trò phòng không có thể đánh bại các tiêm kích MiG của Nga trong khi hệ thống radar và đạn dược có thể phá hủy các UAV và tên lửa hành trình", ông Davis nói.

"Các phương tiện chiến đấu phương Tây, hỏa lực tầm xa và các hệ thống phòng không cùng với các tiêm kích sẽ tạo nên một cuộc phản công thành công để Ukraine giành lại lãnh thổ", chuyên gia này nhận định.

Tướng James Hecker, Chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu cho biết, các tiêm kích F-16 phù hợp với các vũ khí phương Tây hơn nhưng "sẽ không phải là viên đạn bạc và đột nhiên bắn hạ được tất cả" hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Theo ông Hecker, việc huấn luyện cho các phi công trẻ đã bắt đầu nhưng "tất cả cần thời gian" và phải "ít nhất tới năm sau thì mới có thể thấy các tiêm kích F-16 ở Ukraine".

Trước đó, Washington Post đưa tin giới tình báo Mỹ cho rằng cuộc phản công của Ukraine khó có thể giành lại thành phố Melitopol quan trọng ở phía Đông Nam. Điều đó đồng nghĩa rằng Ukraine không đạt được mục tiêu chính là chia cắt hành lang trên đất liền của Nga nối với Bán đảo Crimea.

Kiều Anh

Nguồn: vov.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga