Thông tin trên mạng xã hội lan truyền rất nhanh. Vì vậy, việc kiểm soát tin đồn sai lệch là rất quan trọng để tránh gây ra các cuộc bất ổn và bạo loạn.  

132 1 Bau Cu My La Bai Kiem Tra Cho Cac Mang Xa Hoi

Thông tin trên mạng xã hội lan truyền rất nhanh. Vì vậy, việc kiểm soát tin đồn sai lệch là rất quan trọng để tránh gây ra các cuộc bất ổn và bạo loạn.

Đối với nhiều người, bầu cử Mỹ không chỉ là việc chọn ra vị tổng thống tiếp theo mà còn là bài kiểm tra mức độ xử lý thông tin cẩn thận của các nền tảng trực tuyến.

Chỉ một tin đồn về kết quả bầu cử lan truyền trên mạng xã hội cũng có thể gây ra tình trạng bất ổn nghiêm trọng. Đây sẽ là thử thách không hề đơn giản với các trang mạng xã hội.

Một số nền tảng như Facebook và Twitter đã có động thái nhằm ngăn chặn thông tin sai lệch. Tuy nhiên, phóng viên Joanna Stern của Wall Street Journal vẫn khuyên mọi người nên tạm dừng sử dụng mạng xã hội trong một vài ngày.

"Có vô số cách mà Internet có thể làm cho cuộc bầu cử trở nên tồi tệ và chỉ rất ít phần trăm mọi chuyện diễn ra theo hướng tích cực", theo Joanna.

 

132 2 Bau Cu My La Bai Kiem Tra Cho Cac Mang Xa Hoi

Facebook là một trong số những trang mạng xã hội ra sức ngăn chặn thông tin sai lệch. Ảnh: Bloomberg

Mạng xã hội cần giữ được tính xác thực của thông tin

Mạng xã hội nói chung có đến hàng tỷ tài khoản bao gồm người dùng bình thường và người nổi tiếng. Vì vậy, việc giữ được tính đúng đắn của thông tin là không dễ dàng.

Hai nhiệm vụ quan trọng mà mạng xã hội phải làm được trong giai đoạn bầu cử là: Quản lý những tài khoản có sức ảnh hưởng vi phạm quy tắc và truyền bá thông tin đúng nhanh hơn tin đồn sai lệch.

Hiện tại, cả Twitter, Facebook và Instagram đều cài trên trang của mình các lưu ý rằng kết quả bầu cử vẫn đang được kiểm đếm. YouTube cung cấp bảng kiểm tra xác thực và trích dẫn thông tin từ người có thẩm quyền.

Facebook và Google sẽ tạm cấm những quảng cáo mang tính chính trị sau cuộc bầu cử để ngăn chặn thông tin sai lệch.

Hôm 2/11, Facebook và Twitter dán nhãn một dòng tweet gây hiểu lầm của Tổng thống Trump, chỉ trích quyết định của Tòa án Tối cao về bỏ phiếu qua thư.

Dù đã có những hành động tích cực nhưng nội dung cảnh báo của các trang mạng xã hội vẫn còn chung chung. Chẳng hạn Twitter chỉ lưu ý rằng các chuyên gia “có thể chưa công bố người thắng cuộc", thay vì chỉ ra lỗi cụ thể của tin đồn.

 

132 3 Bau Cu My La Bai Kiem Tra Cho Cac Mang Xa Hoi

Tổng thống Trump thường chia sẻ trên Twitter. Ảnh: CNN

 

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy thông tin sai lệch thường được lan truyền bởi mạng xã hội, chính trị gia và những người có tầm ảnh hưởng.

Ví dụ điển hình như việc Tổng thống Trump thường đăng lại các câu nói ủng hộ thuyết âm mưu trên Twitter của mình.

Trong đêm công bố kết quả, sẽ có nhiều tài khoản đăng các tuyên bố sai lệch hoặc vi phạm quy tắc. Câu hỏi đặt ra là liệu các trang mạng xã hội có thực sự kiểm tra và xóa những thông tin này, bất kể chủ sở hữu của chúng có quyền lực đến đâu.

Người dùng cần chọn lọc thông tin

Mạng xã hội lan truyền thông tin nhanh hơn các báo đài chính thống. Thông tin từ các trang này thường không được kiểm duyệt trước và dễ gây hiểu lầm.

Điều này đòi hỏi người dùng phải thật cẩn thận với những gì mình đang chia sẻ. Hãy xem xét liệu dòng tweet đó có được đăng bởi một tài khoản đáng tin cậy, những hình ảnh hay video có phải là thông tin mới hay được đăng lại từ một nội dung cũ hoặc những bình luận trong bài viết có mâu thuẫn với nhau không.

Thực tế, Facebook và Twitter không phải là cách duy nhất để tương tác trực tuyến. Các nền tảng như Twitch, Zoom, Slack, Discord đều là những trang mà bạn có thể chia sẻ thông tin và suy nghĩ của mình liên quan đến cuộc bầu cử.

Ngoài ra, độc giả có thể tìm đọc các trang báo truyền thống hoặc báo điện tử, nơi cung cấp những nguồn thông tin chất lượng, được kiểm duyệt và chắt lọc cẩn thận.

 

Sang Trần

Nguồn: zingnews.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga