Quan hệ giữa Liên Xô và CHND Trung Hoa không phải lúc nào cũng phát triển thuận lợi. Vào cuối thập niên 1950, giới lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu hục hặc với Liên Xô, chống lại đường lối mới của Khrushchev lựa chọn, đồng thời tuyên bố chủ quyền đối với một phần lãnh thổ Liên Xô.

THÁCH THỨC

1 Mao Trach Dong Tung Muon Doi Lai Nhung Vung Lanh Tho Nao Cua Lien Xo

Sự nguội lạnh trong quan hệ giữa Liên Xô và CHND Trung Hoa bắt đầu vào tháng 2/1956 với bài phát biểu của Nikita Khrushev tại Đại hội XX Đảng CSLX, trong đó chỉ trích tệ sùng bái cá nhân Stalin và lên án sự đàn áp phi lý được thực hiện trong thời gian cầm quyền của ông. Đảng cộng sản Trung Quốc và cá nhân Mao Trạch Đông rất không đồng ý với việc vày.

Phó Chủ tịch đảng Lưu Thiếu Kỳ đã đến Mátxcơva để làm rõ quan điểm của BCH TW ĐCSTQ, lưu ý rằng, theo ý kiến chính thức của Bắc Kinh, ban lãnh đạo Liên Xô “không có sự phân tích toàn diện” trong đánh giá hoạt động của Stalin, và trước khi đưa ra nhận định như vậy, cần phải “tham khảo ý kiến các đảng anh em”.

Tác giả Zhang Deguang, trong cuốn sách “Cái nhìn ngoại giao từ góc độ các giá trị truyền thống của Trung Hoa”, viết rằng đối với Trung Quốc vào thời điểm đó, Stalin là hình mẫu của một nhà cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin, là “nhà lãnh đạo cao nhất của phong trào cộng sản quốc tế”.

Theo Deguang, Bắc Kinh thừa nhận rằng Stalin đã mắc một số sai lầm nghiêm trọng trong sự nghiệp chính trị của mình, nhưng nhấn mạnh rằng những thành tựu của ông còn vượt trội gấp nhiều lần. Những lời chỉ trích Stalin đặc biệt gây đau đớn cho Mao, người coi nhà lãnh đạo Liên Xô là bạn và là người thầy lớn.

Ngược lại, nhà lãnh đạo mới của Liên Xô Khrushev bị coi là một chính trị gia đã từ bỏ chủ nghĩa Stalin, phản bội di chúc của Lenin và dấn thân vào chủ nghĩa xét lại nguy hiểm. Do đó, bất kỳ hành động nào của Matxcơva, chủ yếu trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, đều bị Bắc Kinh chỉ trích gay gắt. Ví dụ, việc triển khai tên lửa của Liên Xô ở Cuba được Trung Quốc gọi là “phiêu lưu”, và khi LX rút tên lửa khỏi Cuba thì gọi là “đầu hàng”. TQ rất lo lắng về sự ấm lên trong mối quan hệ giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, vốn từng là đối thủ của nhau. Người Trung Quốc phẫn nộ khi Khrushchev coi Mỹ không phải là một cường quốc thù địch, mà là một đối tác trong việc giải quyết căng thẳng quốc tế.

Không giống như Matxcova, Bắc Kinh đã không từ bỏ những ý tưởng của Quốc tế Cộng sản, quyết sử dụng những ý tưởng ấy trong cuộc đấu tranh cách mạng có sức ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới.

Vì vậy, tại đại hội đại biểu quốc tế các đảng cộng sản và công nhân ở Mátxcơva vào tháng 11/1957, Mao Trạch Đông đã phát biểu rằng nếu xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân thì chỉ có khoảng một nửa nhân loại còn lại trên hành tinh, nhưng sẽ nhanh chóng tạo ra nền văn minh vượt trội hơn nhiều lần so với thế giới đế quốc và khác biệt ở chủ nghĩa nhân văn và công lý.

Đến năm 1963, lãnh đạo Trung Quốc đã trở nên ngang ngược đến mức trong một bức thư gửi tới Mátxcơva, họ không chỉ công kích đường lối chính trị của Liên Xô mà còn đưa ra một số yêu sách, chẳng hạn phải công nhận CHND Trung Hoa là một lực lượng cộng sản bình đẳng trên thế giới, chuyển giao công nghệ bom khinh khí, cũng như trao trả các “lãnh thổ đã mất” ở bên ngoài Mông Cổ. Tóm lại, “cuộc chiến tư tưởng hệ” giữa Liên Xô và Trung Quốc đã bước vào giai đoạn cao trào.

TÔI YÊU QUÝ BẠN MỘT KHI BẠN GIÚP TÔI

Dựa vào mối quan hệ nồng ấm trước đây giữa hai nước, Bắc Kinh hy vọng rằng những yêu sách tày trời này sẽ được đáp ứng. Sau chiến thắng của cộng sản đảng trước Quốc dân đảng Trung Quốc vào năm 1949, Liên Xô bắt đầu tích cực giúp đỡ các “đàn em” của mình xây dựng một nhà nước XHCN mới.

Vào ngày 4/2/1950, Liên Xô và CHND Trung Hoa đã ký một hiệp định “về quan hệ hữu nghị, liên minh và tương trợ” trong thời hạn 30 năm. Tuy nhiên, sự hỗ trợ lẫn nhau này chủ yếu là từ một phía và thực sự là miễn phí. Do đó, Matxcơva đã chuyển giao quyền kiểm soát tuyến đường sắt Trung Quốc – Trường Xuân cho Bắc Kinh, rút quân khỏi căn cứ hải quân Port Arthur, và chuyển giao cảng Đại Liên cùng toàn bộ tài sản cho Trung Quốc. Ngoài ra, Chính phủ Liên Xô còn cung cấp cho CHND Trung Hoa một khoản vay ưu đãi 300 triệu USD với lãi suất chỉ 1% hàng năm.

Ngay sau đó, Liên Xô tích cực giúp Trung Quốc xây dựng nhà máy và các cơ sở công nghiệp khác, Mátxcơva chuyển giao cho Bắc Kinh giấy phép sản xuất hàng trăm loại thiết bị và vũ khí quân sự; các chuyên gia Trung Quốc được làm quen với các thành tựu công nghệ hạt nhân của Liên Xô; khoảng 25.000 sinh viên Trung Quốc được đào tạo hoàn toàn miễn phí trong các trường đại học Liên Xô.

Có ý kiến cho rằng Mao Trạch Đông, người cực kỳ sùng bái Stalin, thậm chí còn bày tỏ mong muốn sáp nhập Trung Quốc vào Liên Xô với tư cách là một nước cộng hòa của Liên bang Xô viết. Stalin đã trả lời ông mong muốn Trung Quốc tiếp tục là một lực lượng chính trị độc lập trong khu vực. Nếu “người cầm lái vĩ đại” thực sự muốn hòa nhập với Liên Xô, thì có lẽ ông ta đã làm điều đó hoàn toàn không phải như một biểu hiện của lòng biết ơn đối với Stalin. Các nhà sử học không loại trừ khả năng sau khi “lãnh tụ của các dân tộc” qua đời, Mao có thể tuyên bố quyền lãnh đạo tối cao trong quốc gia thống nhất (gồm Liên Xô cũ và Trung Quốc mới sáp nhập vào).

Ở Liên Xô, ngoại trừ Stalin, nhiều người công khai không thích Mao Trạch Đông. Ông ta được coi là một thủ lĩnh nông dân mang nặng chủ nghĩa dân tộc. Mao cũng đáp trả bằng thái độ thực dụng: chúng tôi yêu mến bạn miễn là bạn giúp đỡ chúng tôi (!). Ông ta không tin tưởng vào các lãnh đạo cộng sản cấp cao khác của Trung Quốc, những người có quan điểm thân Matxcơva và quyết tâm hợp tác với Liên Xô, và coi họ là đối thủ tranh giành quyền lực. Cuối cùng, “người cầm lái vĩ đại” đã đối phó với các đối thủ của mình bằng các phương pháp điển hình của chủ nghĩa Stalin: đàn áp và loại bỏ (đặc biệt trong Cách mang Văn hóa).

VẤN ĐỀ ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

Sau bài phát biểu nổi tiếng của Khrushev tại Đại hội 20 ĐCS LX, được coi là xúc phạm tình cảm mà Mao và những người Cộng sản Trung Quốc dành cho sự nghiệp của Lenin, ĐCSTQ đơn phương cắt đứt quan hệ giữa CHND Trung Hoa với Liên Xô. Do đó, vào tháng 10/1958, Bắc Kinh đã bác bỏ đề nghị của Moscow về việc xây dựng một căn cứ tàu ngầm của Liên Xô và một trạm radar theo dõi. Đáp lại, Matxcơva đã triệu hồi các chuyên gia LX từ các công trường xây dựng của nền kinh tế quốc gia Trung Quốc và đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của việc hợp tác với CHND Trung Hoa trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Từ năm 1960, Bắc Kinh bắt đầu thực hiện các hoạt động khiêu khích trên toàn tuyến biên giới Xô-Trung dài hơn 7.000 km. Mao và thuộc hạ ra rả tuyên bố rằng Liên Xô “chiếm quá nhiều diện tíchcủa Trung Hoa cổ đại” và phải trả lại các vùng đất đã chiếm đoạt. Mao nhất quyết sửa đổi các hiệp ước Nga – Trung thế kỷ 17 – 19, trong đó vấn đề phân định lãnh thổ có vẻ như “bất lợi cho Trung Quốc”. Trước hết, Trung Quốc muốn đòi lại cái gọi là “lãnh thổ lịch sử của triều đại nhà Thanh” chẳng hạn đất Ngoại Mãn Châu trước đây (vùng Amur, Primorye, lãnh thổ Khabarovsk), cũng như một số vùng của Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Altai mà ngày trước các vua chúa Trung Hoa gọi là Tây vực.

Tất nhiên, Matxcơva không nhượng bộ Bắc Kinh, vì chú em này, với ý tưởng lãnh đạo cách mạng thế giới, giờ đây đang gây nguy hiểm cho Liên Xô. Không chỉ thế, bản thân Matxcơva cũng có yêu sách đòi lại tỉnh Tân Cương của Trung Quốc, vốn thuộc Đông Turkestan trước đây.

Năm 1966, Trung Quốc dấy lên cuộc “cách mạng văn hóa”, kết quả là Mao Trạch Đông đã hoàn toàn soán ngôi quyền lực ở nước này. Quan hệ giữa 2 Đảng Cộng sản bị cắt đứt hoàn toàn và chính phủ Liên Xô đã khẩn cấp sơ tán gia đình các nhà ngoại giao Liên Xô khỏi Bắc Kinh. Ở Trung Quốc, Liên Xô đã được nâng lên vị thế của một kẻ thù, không phải là kẻ thù trực diện và dễ đoán như Hoa Kỳ, mà là “độc ác và xảo quyệt, núp dưới cái vỏ bọc của chủ nghĩa cộng sản”.

Vào cuối thập niên 1960, xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Liên Xô ngày càng tăng, bắt đầu có tính hệ thống, tính mục đích. Đỉnh điểm là cuộc đụng độ ở hòn đảo nhỏ Damansky trên sông Ussuri, thuộc quyền sở hữu của Liên Xô, dẫn đến cái chết của hơn 800 lính Trung Quốc và 58 lính biên phòng Liên Xô vào tháng 3/1969. Chỉ đến cuối tháng 10 năm 1969, Liên Xô và Trung Quốc mới đồng ý rằng để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, hai bên cần phải ngồi vào bàn đàm phán.

Cuối cùng, các biện pháp ngoại giao đã dập tắt được căng thẳng trong quan hệ Xô-Trung. Hiện tại, theo tuyên bố của cả phía Nga và Trung Quốc, không còn vấn đề lãnh thổ nào chưa được giải quyết giữa hai quốc gia.

PHẠM BÁ THỦY

Theo Russian7

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga