“Tôi bắt đầu học tiếng Nga từ năm 10 tuổi. Thú thực, tuổi đó có lẽ chưa đủ lý trí để chọn học ngoại ngữ gì? Đơn giản có lẽ vì từ bé thích những cuốn họa báo Liên Xô in màu với nhiều hình ảnh rất đẹp về đất nước và con người Liên Xô.

Nhân Ngày tiếng Nga 06/06, tờ Sputnik đã có bài phỏng vấn với bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí. Chúng tôi xin trích dẫn lại một phần bài phỏng vấn dưới đây:

1 Ba Le Thi Thu Hang  Nha Ngoai Giao Gan Bo Voi Tieng Nga Gan 40 Nam

Rồi mê mẩn chàng Ruslan dũng mãnh và nàng Ludmila xinh đẹp trong câu chuyện “Ruslan và Ludmila” dù lúc đó còn chưa biết Pushkin là nhà thơ thiên tài của Nga và thế giới. Thế rồi càng học tôi càng say mê một ngôn ngữ khó nhưng đẹp. Đẹp từ âm thanh phát ra và đẹp cả trong cách biểu đạt. Một ngôn ngữ rất hàn lâm.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi khi học tiếng Nga lại là một kỷ niệm buồn. Đó là năm thứ ba đại học, giữa lúc miệt mài phấn đấu để được chọn đi thực tập sinh ở Liên Xô thì một ngày cuối tháng 12 năm 1991, bản tin buổi tối trên truyền hình Nga bắt đầu với một thông báo đặc biệt: “Chào buổi tối. Đây là chương trình thời sự. Liên Xô không còn tồn tại…” và vài ngày sau lá cờ đỏ búa liềm trên nóc tròn điện Kremli bị hạ xuống.

Giấc mơ tan vỡ, trái tim như bị bóp nghẹt. Liên bang Xô viết không còn nữa, tiếng Nga và những người học tiếng Nga như chúng tôi sẽ đi về đâu… Nhưng chúng tôi không ai bỏ cuộc, chúng tôi đã tiếp tục miệt mài 3 năm nữa, trọn vẹn 5 năm và giành được tấm bằng tốt nghiệp đại học tiếng Nga một cách đầy gian khổ nhưng cũng rất tự hào.

Chúng tôi đã phải cố gắng gấp hai gấp ba các sinh viên tiếng Anh, tiếng Pháp để vừa học tốt tiếng Nga và vừa học thêm tiếng Anh hay ngoại ngữ khác để tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Cuối cùng tấm bằng tốt nghiệp đại học tiếng Nga chính là “chứng chỉ vào đời” của tôi, theo tôi suốt cả sự nghiệp sau này.

Như đã nói ở trên, tôi không có dịp được đi thực tập tiếng Nga như các anh chị thế hệ trước và sau đó tôi hầu như ít khi có cơ hội được dùng tiếng Nga thường xuyên trong công việc.

Yêu nước Nga, yêu tiếng Nga nên tôi quyết định xin đi công tác nhiệm kỳ đầu tiên tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga. Trong suốt gần 4 năm sống và làm việc tại đây, tôi mới thực sự hoàn thiện vốn tiếng Nga được đào tạo suốt 11 năm ở Việt Nam.

Thực sự được sống ở nước Nga, giao tiếp với người Nga bằng tiếng Nga càng thấu cảm tâm hồn Nga, tính cách Nga. Từ đó giúp tôi dễ dàng làm việc với đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao Nga và các đối tác khác, hòa đồng với xã hội sở tại.

Tôi còn tạo được cầu nối giữa các bạn Nga với nhóm cán bộ ngoại giao trẻ ASEAN – những người không thạo tiếng Nga. Nói thạo tiếng Nga cũng giúp tôi tự tin khám phá nước Nga: tôi đã đi tất cả các thành phố “golden ring”, đi hầu hết các lâu đài ở vùng Mát-xcơ-va… và đã đến tận bán đảo Olkhon bên bờ hồ Baikal… Điều ít người nước ngoài làm được lúc bấy giờ.”

Theo Sputnik

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga