Hai luồng quan điểm luôn tồn tại lâu nay ở các bậc phụ huynh về chuyện chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 có cần học chữ trước hay không.

1 Hoc Truoc Chuong Trinh Lop 1 Loi Bat Cap Hai

Góc bé yêu đọc sách trong một trường mầm non ở TP.HCM - Ảnh: M.D.

Với phe "nói có", họ suy nghĩ "chương trình lớp 1 nặng mà lớp thì đông, con mình thì mình lo". Với phe "nói không", họ tin tưởng vào chương trình lớp lá và hướng dẫn của trường mầm non về chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1.

Vậy là ở phe "nói có", sau một ngày học ở trường mầm non, trẻ được cha mẹ đưa đến lớp luyện chữ đến 7-8 giờ tối mới về. Vào đó, trẻ phải ngồi hàng giờ để luyện chữ, làm toán. Điều này thực sự không phù hợp với tâm lý lứa tuổi và gây nên những "cú sốc" mà trẻ có thể phải gánh chịu về sau như sợ đi học, mất tập trung...

Theo văn bản hợp nhất số 01 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Chương trình giáo dục mầm non, mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp 1...

Nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm tính khoa học, tính vừa sức và nguyên tắc đồng tâm phát triển từ dễ đến khó; bảo đảm tính liên thông giữa các độ tuổi, giữa nhà trẻ, mẫu giáo và cấp tiểu học; thống nhất giữa nội dung giáo dục với cuộc sống hiện thực, gắn với cuộc sống và kinh nghiệm của trẻ, chuẩn bị cho trẻ từng bước hòa nhập cuộc sống.

Vì thế, môi trường giáo dục ở bậc mầm non và môi trường giáo dục tiểu học hoàn toàn khác nhau. Ở bậc mầm non, trẻ có hoạt động chủ đạo là vui chơi.

Ở bậc tiểu học, hoạt động chủ đạo là học tập. Trẻ lớp lá đang có tâm lý lứa tuổi của trẻ mầm non, không thể "ngay lập tức" bước vào học chương trình lớp 1 mà cần có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để tránh gây "sốc" cho trẻ.

Theo chương trình, các trường mầm non đang chuẩn bị cho trẻ lớp lá vào lớp 1 với sự phối hợp nhịp nhàng của bốn phía: nhà trường, giáo viên, cha mẹ và trẻ.

Với chữ viết và toán, từ lớp mầm lớp chồi, chương trình mầm non đã có cầu nối để trẻ vào lớp lá đạt kết quả mong đợi để vào lớp 1. 

Trẻ mầm non 5 tuổi sẽ được học đọc, học viết, làm toán, rèn kiến thức và kỹ năng này suốt năm lớp lá theo đúng tâm sinh lý lứa tuổi để chuẩn bị cho việc vào học ở lớp 1.

Điều quan trọng hơn và cũng phải thực hiện trong một quá trình đó là: chuẩn bị những tiền đề cần thiết, tạo cơ hội giúp trẻ sẵn sàng đến trường về mọi phương diện (thể lực, trí tuệ, tình cảm, giao tiếp và ứng xử xã hội, tâm thế...) để trẻ thích nghi với hoạt động học tập và cuộc sống tại môi trường tiểu học.

Với phương pháp và mục tiêu giáo dục ở bậc mầm non, trẻ lớp lá hoàn toàn có thể vào lớp 1 mà không cần học trước chương trình lớp 1.

Đừng vì sự chạy đua kỹ năng, thành tích trong năm đầu tiên của bậc tiểu học mà tạo áp lực lên trẻ, có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự phát triển lâu dài của trẻ.

MỸ DUNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga