Nga phản bác thông tin mua đạn dược từ Triều Tiên để bổ sung kho dự trữ; Cam kết giải quyết "bão giá" của tân Thủ tướng Anh Lizz Truss; Động thái lạ của Mỹ trước giờ thử tên lửa hạt nhân... là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 7-9.

1 Tin The Gioi 7 9 My Bao Cho Nga Chuyen Thu Ten Lua Ong Biden Mo Loi Gap Ong Tap

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) ngồi cùng các tướng lĩnh cấp cao của quân đội Nga, giám sát cuộc tập trận Vostok-2022 ngày 6-9 - Ảnh: REUTERS

* Nga phản bác thông tin mua hàng triệu quả rocket, đạn dược từ Triều Tiên. Theo đánh giá của tình báo Mỹ, Nga có thể đang mua hàng triệu viên đạn, rocket và đạn pháo từ Triều Tiên để bổ sung cho kho dự trữ đang dần cạn kiệt vì chiến sự ở Ukraine.

Việc mua bán hiện vẫn chưa được chốt nhưng theo người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby, điều này cho thấy những khó khăn mà Nga phải đối mặt sau nhiều tháng bị phương Tây trừng phạt kinh tế và công nghệ.

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy các vũ khí của Triều Tiên đã tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine hay Trung Quốc đang ủng hộ và bắt tay với Bình Nhưỡng, ông Kirby lưu ý thêm. Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vassily Nebenzia, đã bác bỏ các thông tin mà ông mô tả là sai lệch.

* Tân Thủ tướng Anh Lizz Truss cam kết khẩn trương giải quyết "bão giá". Trong bài phát biểu đầu tiên bên ngoài dinh thự thủ tướng Anh ngày 6-9 (giờ Anh), bà Truss cho biết nội các mới sẽ thực hiện ba ưu tiên là cắt giảm thuế để thúc đẩy nền kinh tế, kìm giá năng lượng đang tăng và rà soát giá dịch vụ y tế công.

Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh, bà Truss cũng đã có một số cuộc điện đàm với lãnh đạo nước ngoài như Mỹ, Ukraine trong cùng ngày 6-9. Trong đó bà bày tỏ sự ủng hộ với Ukraine và hứa sẽ thăm nước này khi cần thiết.

2 Tin The Gioi 7 9 My Bao Cho Nga Chuyen Thu Ten Lua Ong Biden Mo Loi Gap Ong Tap

Một cuộc phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III - Ảnh: Military.com

* Mỹ có động thái lạ trước màn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ngày 6-9, quân đội Mỹ thông báo sẽ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III không mang đầu đạn vào sáng sớm 7-9 (giờ Mỹ).

Đây là đợt phóng thử thứ hai của Mỹ trong 2 tháng qua trong bối cảnh nước này đang có căng thẳng với cả Nga và Trung Quốc. Quân đội Mỹ xác nhận đã báo cho Nga về kế hoạch thử tên lửa, điều mà Hãng tin Reuters gọi là điều khác lạ.

"Tuyên bố công khai trước vụ phóng là một điều bất thường. Lầu Năm Góc chưa bao giờ nói về các vụ phóng tên lửa cho đến khi sự việc đã xong", Reuters lưu ý.

* Liên Hiệp Quốc thúc giục Nga, Ukraine cùng phi quân sự hóa nhà máy Zaporozhzhia. Ngày 7-9, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi cả Nga và Ukraine cùng ngừng pháo kích vào các vị trí xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhzhia của Ukraine nhưng Nga đang kiểm soát.

Ông thúc giục hai bên đàm phán về chu vi an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất hai bên. "Nga cần rút tất cả binh sĩ và thiết bị ra khỏi vành đai an toàn, Ukraine cũng cần cam kết sẽ không đưa quân đội vào Zaporozhzhia sau khi Nga đi", ông Guterres nêu giải pháp.

* Tiêm tăng cường mỗi năm sẽ ngăn biến thể mới của SARS-CoV-2? Bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho rằng để ngăn virus corona gây COVID-19 (SARS-CoV-2) tiếp tục biến đổi, người dân có thể cần phải tiêm tăng cường mỗi năm như tiêm vắc xin cúm.

Những người cao tuổi và suy giảm miễn dịch có thể cần phải tiêm với tần suất cao hơn người bình thường, theo ông Fauci. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Rochelle Walenksky tính toán nếu tỉ lệ tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19 tương tự tỉ lệ tiêm vắc xin cúm hằng năm, Mỹ có thể tránh được khoảng 100.000 ca nhập viện và 9.000 ca tử vong.

Làm điện mặt trời trong sa mạc

3 Tin The Gioi 7 9 My Bao Cho Nga Chuyen Thu Ten Lua Ong Biden Mo Loi Gap Ong Tap

Ảnh: John Moore/Getty

Trong hình là ngọn tháp của nhà máy điện mặt trời Cerro Dominador nằm trong sa mạc Atacama, một trong những nơi khô nhất trên Trái đất, tại thị trấn Maria Elena, Chile. Chile đặt mục tiêu tới năm 2025 có 20% tổng nhu cầu năng lượng cả nước là năng lượng tái tạo.

* Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn gặp trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. "Nếu ông ấy đến hội nghị G20 ở Bali (Indonesia), tôi chắc chắn sẽ đi gặp ông ấy", Tổng thống Biden trả lời báo chí khi được hỏi về sự kiện dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.

Hai nhà lãnh đạo đã hội đàm trực tuyến hồi cuối tháng 7, ngay trước khi quan hệ leo thang căng thẳng vì chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Chính quyền Biden được cho là đang muốn thúc đẩy một cuộc gặp trực tiếp giữa ông Biden với ông Tập để giảm căng thẳng về Đài Loan, thương mại và một loạt vấn đề khác.

* Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Nhật Bản bị tấn công. Trung tâm sẵn sàng ứng phó sự cố và chiến lược an ninh mạng quốc gia Nhật xác nhận cổng thông tin điện tử e-Gov của chính phủ nước này đã bị tin tặc tấn công ngày 6-9 theo hình thức tấn công từ chối dịch vụ (DDoS).

Bộ Các vấn đề nội vụ và truyền thông cũng cho biết việc truy cập cổng thông tin thuế địa phương eLTAX cũng bị tắc nghẽn. Nhóm tin tặc Killnet đã đăng một thông báo trên nền tảng Telegram tuyên bố thực hiện vụ tấn công này.

* Quan chức Nga chỉ định suýt bỏ mạng vì nổ xe ở Ukraine. Ông Artyom Bardin, người được Nga chỉ định đứng đầu thành phố Berdiansk của UKraine nhưng hiện do Nga kiểm soát, suýt mất mạng trong một vụ nổ xe ngày 6-9.

Thông tin ban đầu nói ông này đã chết vì mất máu nhiều, tuy nhiên giới chức Berdiansk (cũng do Nga chỉ định) sau đó đính chính rằng ông Bardin vẫn đang chiến đấu giành giật sự sống và bị mất một chân.

HIện Ukraine chưa lên tiếng bình luận trước các cáo buộc của giới chức thân Nga ở Berdiansk. Hôm 30-8, một người từng thuộc đảng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhưng sau đó theo Nga để làm quan chức vùng Kherson đã bị bắn chết.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga