Theo giới quân sự, việc Nga sở hữu công nghệ biến băng Bắc Cực thành sân bay dã chiến khiến những nỗ lực cạnh tranh của Mỹ không mang nhiều ý nghĩa.  

Theo giới quân sự, việc Nga sở hữu công nghệ biến băng Bắc Cực thành sân bay dã chiến khiến những nỗ lực cạnh tranh của Mỹ không mang nhiều ý nghĩa.Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Kỹ thuật Quốc gia Moscow (MSTU) mang tên Bauman, Nga có thể làm đường băng cho máy bay ngay trên băng Bắc Cực. Điều này đạt được bằng cách sửa đổi lớp phủ băng bằng các hóa chất đặc biệt, cho phép máy bay hạ cánh trên đường băng đã chuẩn bị sẵn.

Dự án này có được định danh là Sân (Площадка), được MSTU mang tên Bauman cùng với Bộ Quốc phòng Liên bang Nga kết hợp nghiên cứu cho các khu vực đất liền ở Bắc Cực, trong tương lai, sẽ cho phép các máy bay ném bom hạng nặng và máy bay vận tải, ví dụ như Il-76, có thể hạ cánh được lên băng.

 

132 1 No Luc Muon Cua My Khi Nga Co San Bay Bang

Máy bay Il-76 Nga hạ cánh tại Bắc Cực.

Dự án sẽ mang lại cho quân đội Nga một lợi thế đáng kể ở khu vực Bắc Cực - giúp xây dựng các sân bay và căn cứ quân sự mới ở vùng Viễn Bắc - nơi có nhiệt độ rất thấp, định kỳ có băng giá. Dự án sẽ giữ cho đường băng luôn trong tình trạng sẵn sàng tiếp nhận máy bay chuyên chở các nguồn tiếp tế cho căn cứ.

Được biết, hiện ở khu vực này đã có Arctic Trefoil - một căn cứ quân sự của Nga trên đảo Alexandra Land thuộc quần đảo Franz Josef Land. Nhiệm vụ chính của nó là cung cấp khả năng phòng không, nhưng độ dài không đủ của đường băng đã ngăn cản hoạt động đầy đủ của nó.

Trong hai năm qua, chiều dài của đường cất-hạ cánh tại Trefoil đã được nâng lên nhiều lần, hiện nay là 3.500m. Dự án Sân sẽ làm cho quá trình này dễ dàng hơn nhiều và sân bay có thể tiếp nhận các máy bay ném bom chiến lược hạng nặng.

Điều này có nghĩa là căn cứ Trefoil kiểm soát gần như toàn bộ Bắc Cực và tuyến đường biển phía Bắc. Đây là một hướng thương mại đầy hứa hẹn, sẽ ngày càng được sử dụng nhiều hơn.

Với quân sự, căn cứ Trefoil nằm giữa ba lục địa - vị trí then chốt giúp kiểm soát toàn bộ Bắc Bán cầu. Nếu vũ khí có tầm bắn xa được bố trí ở khu vực Bắc Cực, trong thời gian ngắn sẽ có thể bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào thuộc Bắc Bán cầu.

Gần như đồng thời với thông tin Nga có thể biến băng Bắc Cực thành sân bay chiến lược, Mỹ cũng tiết lộ có thể xây dựng một căn cứ quân sự ở phía bắc Alaska nhằm chống lại sự hiện diện quân sự của Nga ở khu vực này.

Theo bản kế hoạch ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2020, Ủy ban quốc phòng thượng viện, Lầu năm góc, Bộ Tổng tham mưu, Cơ quan giám sát hàng hải và tuần duyên Mỹ được trao nhiệm vụ cùng phối hợp để tìm ra một vài địa điểm tiềm năng cho việc xây dựng căn cứ quân sự tại vùng lãnh thổ của Mỹ ở Bắc Cực.

Lí do xây dựng căn cứ này là nhằm để hạn chế hoạt động của Nga ở Bắc Cực bao gồm cả căn cứ phòng không Northern Clover trên bán đảo Franz Joseph Land. Nga nhìn nhận Bắc Cực là một khu vực đầy tiềm năng cho lưu thông hàng hải và có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn trị giá 30.000 tỉ USD.

Những người ủng hộ căn cứ này của Mỹ cho rằng, điều này sẽ buộc Nga phải chi nhiều tiền hơn để chống lại các mối đe dọa mới. Lo lắng của Mỹ là dễ hiểu. Hiện nay khả năng hoạt động của Mỹ ở Bắc Cực bị hạn chế rất lớn.

Trong khi Nga sở hữu một hạm đội tàu phá băng lớn thì Mỹ chỉ có 2 chiếc. Cuộc tập trận Trident Juncture được tổ chức hồi tháng 10/2018 ở biển Na Uy cũng để lộ ra nhiều vấn đề hậu cần lớn đối với hạm đội tàu sân bay của Mỹ nếu phải chiến đấu trong điều kiện lạnh giá và nước đóng băng.

Bryan Clark, nhà phân tích tại Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách có trụ sở tại Mỹ cho rằng, nếu Mỹ muốn lập căn cứ quân sự ở Bắc Cực vào thời điểm này cũng đã là quá muộn.

Cũng theo vị chuyên gia này, Nga và Mỹ có các nhu cầu, khả năng và cách tiếp cận khác nhau đối với Bắc Cực. "Chúng ta không sử dụng Bắc Cực như người Nga làm. Nga có 11.000km đường bờ biển nên rất khó để tuần tra. Họ cũng có tâm lý lãnh thổ dễ bị xâm chiếm nên luôn đổ rất nhiều tiền để phát triển khả năng phá băng và duy trì sự tiếp cận đến những vùng khí hậu lạnh", ông Clark cho hay.

Theo nhà phân tích này, ý tưởng về việc thu lợi từ các tuyến đường biển qua Bắc Cực là tốt nhưng việc xây dựng cả một căn cứ quân sự tại đó sẽ là một thảm họa do chi phí quá cao và lại không thể sử dụng trong phần lớn thời gian của năm.

Bên cạnh đó, nhiều người phản đối quan điểm này, cho rằng, đây là việc làm tốn kém và là sản phẩm của quan niệm Chiến tranh Lạnh. Vì kể cả khi nó được xây dựng, căn cứ này vẫn không thể giúp Mỹ cạnh tranh sòng phẳng với Nga tại khu vực lạnh giá này.

 

Tuấn Vũ

Nguồn: baodatviet.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga