Kế hoạch JCPOA mới sẽ giúp Iran bơm 4 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường thế giới, từ đó khiến giá dầu hạ nhiệt, đây là điều khiến Nga cảm thấy lo lắng.

1 Nga Lo Ngai Vien Canh Iran Bom 4 Trieu Thung Daungay Khi Dat Ke Hoach Jcpoa Moi

Tuần trước, các quan chức Mỹ tiết lộ rằng Tehran đã từ bỏ một số yêu cầu còn tồn tại của mình, khiến việc hồi sinh Kế hoạch JCPOA (Kế hoạch Hành động Toàn diện chung) năm 2015 trở nên khả thi hơn.

Ngoài ra khi Liên minh châu Âu lưu hành "văn bản cuối cùng" của thỏa thuận hạt nhân chung Mỹ - Iran được ký kết ở Vienna, nhiều khả năng triển vọng về chấm dứt khủng hoảng sẽ được cứu vãn.

Một quan Mỹ chức giấu tên tham gia vào các cuộc đàm phán đang diễn ra nói với hãng tin Reuters rằng "Chúng tôi nghĩ rằng cuối cùng họ đã vượt qua trở ngại và tiến tới có thể quay lại thỏa thuận với những điều khoản mà Tổng thống Biden có thể chấp nhận".

Nguồn tin nói thêm rằng: "Nếu chúng ta xích lại gần nhau hơn trong ngày hôm nay, đó là bởi vì Iran đã có bước đi tích cực, khi họ đã thừa nhận về những vấn đề mà nước này nắm giữ ngay từ đầu".

Ngoài những lo ngại về việc Tehran sắp chế tạo được vũ khí hạt nhân, các chuyên gia trong ngành đang phân tích xem việc thỏa thuận JCPOA được hồi sinh sẽ tác động như thế nào đến sản lượng và giá dầu trên toàn cầu.

Khi các lệnh trừng phạt ban đầu được nới lỏng vào năm 2016, sản lượng dầu thô của Iran đã quay trở lại thị trường với tốc độ nhanh hơn nhiều, thậm chí lớn hơn trước khi chịu những biện pháp hạn chế.

Trong biểu đồ do hãng tin Bloomberg đưa ra, sản lượng dầu thô của Iran đã tăng gần 10 lần chỉ sau một năm lệnh trừng phạt được nới lỏng. Các con số chỉ ra rằng một hệ quả song song sẽ phát sinh từ tập hợp những thỏa thuận được gia hạn.

Kể từ khi các lệnh trừng phạt được khôi phục, sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA vào năm 2018, nhiều mỏ dầu của Iran đã bị loại khỏi thương mại toàn cầu.

Mặc dù vậy, Tehran vẫn duy trì các mỏ dầu của mình và cất giữ hàng triệu thùng dầu để dự trữ, chuẩn bị cho thời điểm này. Khi biện pháp hạn chế bị tái áp đặt dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, sản lượng và xuất khẩu dầu của Iran giảm mạnh.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế báo cáo rằng sản lượng dầu thô của Iran giảm từ khoảng 4 triệu thùng/ngày vào năm 2018 xuống một nửa, còn 2 triệu thùng/ngày vào năm 2019.

Sang tới năm 2020, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính xuất khẩu dầu của Iran chỉ ở mức 0,4 triệu thùng/ngày, trong khi năm 2021, hãng tin Reuters cho biết con số vào khoảng 1 triệu thùng/ngày.

Trung Quốc là nước hưởng lợi chính từ việc xuất khẩu dầu của Iran và rõ ràng Bắc Kinh đã tìm ra cách để vượt qua các rào cản do những biện pháp trừng phạt phương Tây áp đặt một cách tốt nhất.

Hãng tin Bloomberg bình luận: “Theo thỏa thuận ban đầu, Mỹ đã từ bỏ các lệnh trừng phạt đối với việc mua dầu của Iran, một thông lệ đã kết thúc sau khi chính quyền Tổng thống Trump rút lui".

"Trước sự đảo ngược đó, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ là một trong những nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu của Iran. Cũng chính những quốc gia này có thể sẽ được hưởng lợi trước tiên từ sự hồi sinh của thỏa thuận JCPOA”.

Theo Bloomberg, “Với ước tính khoảng 100 triệu thùng dầu thô dự trữ trong kho nổi, hơn 50 triệu thùng trên đất liền và 14 - 15 triệu thùng trong kho ngoại quan ở Trung Quốc, sự gia tăng trong xuất khẩu và sản xuất có thể sẽ nhanh bằng, nếu không muốn nói là nhanh hơn giai đoạn 2015 - 2016”.

Các quan chức Iran dường như đồng ý với quan điểm cho rằng sản lượng dầu thô của nước này có thể tăng theo cấp số nhân khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Ông Javad Owji - Bộ trưởng Dầu mỏ Iran đã tuyên bố vào tháng 3 rằng năng lực sản xuất dầu của nước này có thể đạt mức tối đa chỉ vài tuần sau khi thỏa thuận hạt nhân mới được hoàn tất.

Nếu JCPOA được khôi phục và các lệnh trừng phạt một lần nữa được dỡ bỏ đối với Iran, Tehran có khả năng đạt công suất sản xuất dầu thô tối đa 4 triệu thùng/ngày sau khoảng một năm rưỡi.

Tuy nhiên, Iran có thể chuyển sang sử dụng kho dự trữ dầu dồi dào của mình trong thời gian chờ đợi. Giám đốc điều hành của công ty tư vấn năng lượng FGE nói với Bloomberg trong cuộc phỏng vấn rằng:

2 Nga Lo Ngai Vien Canh Iran Bom 4 Trieu Thung Daungay Khi Dat Ke Hoach Jcpoa Moi

“Trong số 100 triệu thùng dầu được lưu trữ, khoảng 40 đến 45 triệu thùng là dầu thô và phần còn lại là dầu ngưng tụ - một loại dầu nhẹ được bơm ra ngoài cùng với khí đốt”.

Khả năng hoàn tất thỏa thuận với Iran có thể trùng với thời điểm ban hành các lệnh trừng phạt nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Nga. Các quốc gia EU nhập khẩu khoảng 75% lượng dầu thô của Nga cho tới khi diễn ra chiến sự Ukraine.

Tuy nhiên vào cuối năm nay, các biện pháp trừng phạt hạn chế xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực, làm giảm đáng kể tỷ lệ phần trăm này. Việc dầu thô Iran quay trở lại thị trường rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới Moskva.

Nguồn: Báo An Ninh Thủ Đô

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga