Chuyên gia cho rằng, Nga đã chỉnh sửa UAV tự sát nghi là Shahed mua từ Iran trước khi triển khai vũ khí này tập kích các mục tiêu tại Ukraine.

1 Chuyen Gia Mo Xe Bo Phan Dac Biet Tren Uav Nga Dung De Tap Kich Ukraine

Một UAV Nga trên bầu trời Ukraine (Ảnh: AFP).

Newsweek đưa tin, tổ chức nghiên cứu về xung đột CAR (Anh) ngày 9/2 đã công bố một báo cáo sau khi đội ngũ chuyên gia của họ phân tích đầu đạn của UAV tự sát mà Nga dùng để tập kích Ukraine.

Trước đó, Kiev và phương Tây cáo buộc Nga mua Shahed-131 và Shahed-136 từ Iran, mang về sơn lại thành Geran-2 để tấn công các mục tiêu năng lượng, quân sự, thông tin liên lạc của Ukraine kể từ đầu tháng 10/2022.

Các vụ không kích ồ ạt của Nga đã gây ra thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng của đối thủ trong thời gian qua. Mặt khác, Nga nhiều lần khẳng định rằng họ chỉ sử dụng vũ khí nội địa trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tuy nhiên, CAR cho rằng, Nga dường như không chỉ sơn lại UAV Shahed, mà còn chỉnh sửa vũ khí này để đảm bảo nó gây ra thiệt hại tối đa cho các mục tiêu mà nó nhằm vào.

"Vào tháng 1, một nhóm điều tra hiện trường của CAR đã ghi nhận thông tin về đầu đạn của UAV Shahed-131. Đây là lần đầu tiên phân tích về các đầu đạn này được công bố rộng rãi. Phân tích của CAR cho thấy rằng đầu đạn đa năng này được thiết kế để đảm bảo gây ra phá hủy tối đa cho các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, đồng thời ảnh hưởng đáng kể tới tốc độ sửa chữa mục tiêu bị hư hại", báo cáo cho biết.

Tổ chức CAR bắt đầu mổ xe UAV tự sát Nga vào tháng trước, sau khi một đầu đạn chưa phát nổ của vũ khí này được tìm thấy ở Odessa vào tháng 10/2022. Báo cáo nói rằng các máy bay không người lái dường như đã được sửa đổi để mang được đầu đạn đa năng và "có thể đã được thiết kế để tấn công các mục tiêu lớn như cơ sở hạ tầng năng lượng".

CAR cho biết, khi phân tích các đầu đạn, họ phát hiện ra tổng thể của vũ khí được hoàn thiện tốt, nhưng có một số chi tiết dường như mới được bổ sung sau. CAR nhận định, đầu đạn mà họ nghiên cứu đã được chỉnh sửa để tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau.

Trả lời Newsweek, Damien Spleeter, phó giám đốc CAR nhấn mạnh lại, nghiên cứu của họ chỉ ra rằng Nga dường như đã nâng cấp đầu đạn của UAV để gây thiệt hại nặng nề nhất có thể cho Ukraine và khiến Kiev sửa chữa khó khăn hơn.

Nga chưa bình luận về báo cáo của CAR.

Cuối năm ngoái, Nga cho hay, các cuộc tập kích tên lửa diện rộng của quân đội nước này nhằm làm suy yếu khả năng của Ukraine trong việc đưa binh sĩ, vũ khí, trang thiết bị quân sự ra tiền tuyến.

Theo giới quan sát, mục tiêu của Moscow là làm gián đoạn mạng lưới hậu cần Ukraine và buộc Ukraine san sẻ bớt nguồn lực để bảo vệ hạ tầng phía sau chiến tuyến, từ đó làm chậm đà phản công của Kiev.

Kiev cho rằng, sau các đợt tập kích diện rộng liên tiếp, kho tên lửa và UAV của Nga đang cạn kiệt. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ nhận định này của Kiev cũng như của phương Tây, tuyên bố Nga chưa sử dụng hết vũ khí cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Theo Newsweek

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga