Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam, tôi muốn viết đôi điều về kỷ niệm với những thầy cô khi học đại học tại Liên Xô, đặc biệt về GS.TSKH Aleksangder Iosiphovich Nhemirovxki.

Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của Đại sứ, GS.TS Vũ Dương Huân - nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao.

Năm 1967, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, cùng nhiều thanh niên khác, tôi được Nhà nước cử sang Liên Xô theo học đại học. Đây là chủ trương vô cùng sáng suốt, nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước nhằm đào tạo nguồn nhân lực xây dựng đất nước sau chiến tranh.

1 Nho Mai Mot Nguoi Thay Lien Xo Uyen Bac

Đại sứ, GS.TS Vũ Dương Huân

Do chưa biết tiếng Nga, chúng tôi đều phải trải qua 1 năm học tiếng tại khoa Dự bị. Lúc đầu, tôi được gửi đến Trường đại học Tổng hợp quốc gia tại TP Minks, thủ đô Cộng hòa Belarus.

Từ không thích học lịch sử…

Học chưa kết kỳ 1, nhóm chúng tôi gồm hơn 10 người sẽ theo học khoa học học xã hội như Văn học và ngôn ngữ Nga, Lịch sử, Luật được chuyển đi TP Voronezh, thủ phủ của tỉnh Voronezh.

Đây là thành phố xanh, rất xinh đẹp nằm trên 2 bờ sông Voronezh, nhánh của sông Đông, cách thủ đô Moscow khoảng 600km về phía nam. Hiện TP có tới 30 trường đại học với hơn 130.000 sinh viên.

Chúng tôi tiếp tục học tiếng Nga tại Trường đại học Tổng hợp quốc gia mang tên Đoàn thanh niên Cộng sản Komsomol. 

Kết thúc năm học tiếng Nga, 6 sinh viên được phân công vào học ngành Lịch sử niên khóa 1968-1973. Lúc đó, việc học ngành nghề gì đều do Nhà nước quyết định. Thực ra, khi đó tôi không thích học lịch sử, mà muốn được học khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật hay nông nghiệp. 

Khoa Lịch sử là một trong các khoa có bề dày, ra đời cùng với năm thành lập trường (1918), ngay từ thời chúng tôi cũng có khá nhiều sinh viên nước ngoài theo học như sinh viên Việt Nam, châu Phi và Đông Âu.

Khi chúng tôi vào năm thứ nhất, đã có 3 sinh viên Việt Nam học trên chúng tôi một khóa và một số sinh viên tốt nghiệp những năm trước, trong đó có ông Lê Xuân Tùng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội.

5 năm học tại khoa Lịch sử, với hơn 30 đầu môn, chúng tôi đã được các thầy cô truyền đạt kiến thức và lẽ sống. Có thầy cô thuộc khoa Sử, song cũng nhiều thầy cô khoa khác tham gia giảng dạy như khoa Triết học, Chủ nghĩa cộng sản khoa học, Kinh tế - chính trị hay Lịch sử các học thuyết chính trị, Bảo tàng, Thư viện…

2 Nho Mai Mot Nguoi Thay Lien Xo Uyen Bac

Tổng lãnh sự Vũ Dương Huân tiếp khách tại thành phố Vlapostok, LB Nga 

Trong các giáo viên của khoa, tôi còn nhớ những bài giảng sâu sắc, hấp dẫn của cô PGS.TS A.N Moskalenco về khảo cổ; thầy PGS.TS A.D Priakhin về lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy và dân tộc học; PGS.TS M. M. Shevchenco về lịch sử nước Nga; thầy GS.TS Kalimov về lịch sử Liên Xô; PGS.TS K. Ph. Smirnov về lịch sử cận đại thế giới…

Đến tấm bằng đỏ Đại học tổng hợp Sử

Một trong những người thầy tôi nhớ và biết ơn nhất là GS.TSKH A. Nhemirovxki - người đã truyền cảm hứng cho tôi tình yêu với bộ môn Lịch sử, sự say mê học tập, nghiên cứu, yêu nghề dạy học và đặc biệt là ý chí vươn lên.

Đó có lẽ là nền tảng cho tôi làm nghề ngoại giao, nghề giáo và nghiên cứu khoa học. Tôi vào ngành Ngoại giao năm 1973 sau khi tốt nghiệp bằng đỏ Đại học tổng hợp Sử, lúc đầu là cán bộ nghiên cứu Vụ Nghiên cứu - Tư liệu, rồi làm cán bộ giảng dạy Học viện Ngoại giao.

Đã 48 năm trôi qua kể từ khi tốt nghiệp đại học, song tôi vẫn còn nhớ GS Nhemirovxki. Ông sinh năm 1925, là Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử cổ đại thế giới và Ngôn ngữ cổ. Ông là nhà khoa học lớn và nổi tiếng về lịch sử cổ đại Hy Lạp, La Mã với 57 đầu sách. GS biết nhiều ngoại ngữ như tiếng Anh, Đức, Pháp, tiếng cổ Hy Lạp, tiếng Latin. Ông còn là nhà thơ, dịch giả nhiều tiểu thuyết lịch sử, chuyện lịch sử.

3 Nho Mai Mot Nguoi Thay Lien Xo Uyen Bac

GS.TSKH A. Nhemirovxki

Ông chính là người sáng lập bộ môn Lịch sử cổ đại thế giới và Ngôn ngữ cổ của nhà trường. GS cũng là người sáng lập trường phái nghiên cứu lịch sử cổ Hy Lạp, La Mã. Ông đã đào tạo rất nhiều cử nhân, tiến sĩ. Đặc biệt, GS là người truyển cảm hứng cho các thế hệ học sinh những năm 1960-1970 ở Liên Xô yêu thích khoa học lịch sử, trong đó có tôi.

Các bài giảng của ông về lịch sử cổ đại thế giới, nhất là cổ Hy Lạp, La Mã, cổ đại Ấn Độ, lịch sử nghệ thuật Hy Lạp, La Mã rất sâu sắc, hấp dẫn, truyền cảm. Rất tiếc, lúc đó tôi mới học năm thứ nhất, trình độ tiếng Nga còn hạn chế, không thể tiếp thu đầy đủ các bài giảng sâu sắc của thầy.

Tiếng Nga là một trong các tiếng nước ngoài rất khó học đối với người Việt Nam. Năm thứ nhất là năm gian khổ, nhất là đối với sinh viên khoa học xã hội. Chúng tôi nghe giảng cùng sinh viên Liên Xô. Đúng như “vịt nghe sấm”, học kỳ đầu tiên năm thứ nhất hầu như không hiểu gì cả. Chúng tôi luôn ngồi bàn đầu, cố gắng đọc trước giáo trình trước khi lên lớp nghe giảng.

Khoa rất quan tâm đến sinh viên nước ngoài, tổ chức dạy thêm tiếng Nga, Đoàn thanh niên còn cử các bạn Liên Xô giúp chúng tôi ghi bài, cho mượn vở mà các bạn ghi đầy đủ và dễ đọc để chúng tôi chép lại. Bộ môn Lịch sử cố đại thế giới do GS Nhemirovxki phụ trách còn phân công cô giáo trẻ V. I Kosloxkai trực tiếp giúp đỡ chúng tôi về chuyên môn. Cô là trợ giảng và trực tiếp dạy chúng tôi môn tiếng Latin, hướng dẫn chúng tôi làm tiểu luận về cổ sử Ấn Độ.

Với cố gắng vượt bậc của cá nhân và sự tận tình giúp đỡ của thầy cô, các bạn Liên Xô, dần dần chúng tôi cũng có tiến bộ. Đến năm thứ ba, chúng tôi có thể nghe và ghi chép đầy đủ bài giảng, tham gia chủ động và tích cực các buổi seminar như các bạn Liên Xô. Thậm chí, chúng tôi còn “bao sân” nhiều buổi seminar do các bạn Liên Xô lười không chuẩn bị. Nhờ trình độ tiếng Nga tốt lên, tôi thường tham dự các buổi thuyết trình của GS Nhemirovxki khi có điều kiện.

Vũ Dương Huân

Nguồn: Báo điện tử VietnamNet

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga