Trong trận chiến bảo vệ Moscow vào mùa đông năm 1941, băng giá đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn cuộc tấn công của Đức Quốc xã.

Phải nói rằng, chủ đề mùa đông từng giúp ngăn chặn những đội quân xâm lược nước Nga đã xuất hiện từ rất lâu trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Lần đầu tiên chủ đề này được chính thức đề cập đến vào đầu thế kỷ XVIII trong cuộc chiến tranh Phương Bắc giữa Nga và Thụy Điển. Mùa đông năm 1708 thực sự rất lạnh (các nhà khí hậu ghi nhận, ở châu Âu hầu như chưa có mùa đông nào lạnh như vậy kể từ thế kỷ XIII), khiến quân đội Thụy Điển buộc phải tạm ngừng tấn công.

1 Thoi Tiet Dong Vai Tro Nhu The Nao Trong Tran Chien Bao Ve Moscow 80 Nam Truoc

Hai tù binh Đức Quốc xã. Ảnh: Anatoly Garanin/RIA Novosti 

Chủ đề này càng trở nên rõ ràng hơn sau chiến dịch thất bại của Napoleon trên đất Nga năm 1812. Các tướng lĩnh của Napoleon biện minh cho thất bại của họ là do tác động khí hậu của nước Nga, nơi được cho là “mồ chôn” quân đội Pháp khi tấn công vào đây. Thật vậy, những trường hợp lạnh thấu xương, thậm chí chết cóng đã xảy ra. Vào cuối cuộc tháo chạy của quân đội Napoleon, khi những tàn binh đến gần khu vực sông Berezina, nhiệt độ băng giá ở đây chạm ngưỡng âm 20 độ C. Trong khi trước đó thời tiết mùa đông khá ôn hòa với nhiệt độ từ âm 3 độ C đến âm 8 độ C. Còn trong năm 1812 thì mùa đông lại đến muộn.

Vậy chuyện gì đã xảy ra vào tháng 11 và tháng 12-1941, khi phát xít Đức tấn công thủ đô Moscow của Liên Xô? Cũng như năm 1812, mùa đông năm 1941 đến muộn. Ngày đầu tiên nhiệt độ được ghi nhận dưới 0 độ C (âm 7 độ C) là ngày 4-11. Sau đó tiết trời trở ấm. Và chỉ trong thời gian từ ngày 11 đến ngày 13-11, nhiệt kế ở khu vực Moscow đo được thời tiết là từ âm 15 độ C đến âm 18 độ C.

Trên thực tế, 3 ngày này có nhiệt độ bất thường đối với thời điểm này trong năm ở khu vực Moscow. Tiếp đó, thời tiết lại trở nên ấm hơn đáng kể. Sau ngày 17-11, trời bắt đầu lạnh hơn, các đầm lầy và sông nhỏ bị đóng băng. Tuy nhiên, điều này lại càng cho phép quân Đức Quốc xã tiến công thuận lợi, bởi khi đó xe tăng và bộ binh của chúng có thể di chuyển trên lớp băng cứng.

2 Thoi Tiet Dong Vai Tro Nhu The Nao Trong Tran Chien Bao Ve Moscow 80 Nam Truoc

 Cuộc phản công của Hồng quân Liên Xô ở ngoại ô Moscow. Ảnh: RIA Novosti

Dĩ nhiên, yếu tố mùa đông đóng một vai trò quan trọng, nhưng không trực tiếp. Rất có thể, những tính toán sai lầm về mặt chiến lược của Bộ Tổng tham mưu Đức và cá nhân Hitler đã ảnh hưởng đến chiến dịch. Chúng hy vọng vào một cuộc tấn công chớp nhoáng, với kế hoạch đánh bại Liên Xô trong 2 hoặc 3 tháng, tức là trước khi mùa đông đến. Vì vậy, lính Đức đã không được chuẩn bị kỹ về quân phục mùa đông, cũng như nhiên liệu và dầu đặc biệt cho phương tiện cơ giới.

Trong khi đó, Hồng quân Liên Xô đã được chuẩn bị tốt hơn cho tình huống này. Thứ nhất, nước này luôn sẵn sàng cho thời tiết mùa đông, bởi đây là điều hiển nhiên trong cuộc sống của họ. Thứ hai, trong cuộc xâm lược bất ngờ, quân Đức đã có những kho hàng tại các khu vực biên giới, nơi cất giữ số lượng lớn quân phục, ngoài vũ khí và đạn dược. Nhưng đây là những quân trang mùa hè, còn trang phục mùa đông thì được cất giữ tận ở nước Đức và không thể lấy được ngay. Trong khi những người lính Hồng quân kịp thời nhận được ủng nỉ, mũ ấm và áo khoác lông cừu, thì quân Đức Quốc xã tự ủ ấm bằng bất cứ thứ gì chúng có, thậm chí còn tước đoạt quần áo ấm của người dân. Bộ phận tiếp tế của Đức đã phản ứng quá chậm, mãi đến cuối trận chiến Moscow họ mới vận chuyển ra mặt trận áo khoác ấm và xe kéo lò sưởi di động.

Tuy nhiên, theo hồi ký của chỉ huy Tập đoàn quân “Trung tâm” của Đức Quốc xã Fyodor von Bock, được ghi lại trong đợt băng giá từ ngày 11 đến 13-11-1941, điều khiến ông ta lo lắng tuyệt nhiên không phải là nhiệt độ không khí giảm mạnh. Ông ta nổi giận là bởi những chuyến tàu vốn để vận chuyển khẩn cấp đạn dược, nhiên liệu và thiết bị cho quân đội, nhưng lại được sử dụng để chở những người Do Thái châu Âu đến các trại tập trung. Không nhận được tiếp tế cần thiết, cuộc tấn công của quân Đức bị ngưng trệ.

Một yếu tố quan trọng khác là vào lúc trận chiến Moscow lên đến cao trào, thì quân Đức đã bị tổn thất đáng kể và suy yếu. Sự thất bại của “chiến tranh chớp nhoáng” cũng ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của quân phát xít, bởi theo cam kết Bộ chỉ huy Đức thì cuộc chiến chống Liên Xô lẽ ra phải kết thúc thắng lợi từ lâu. Như vậy, nếu xét tất cả những yếu tố này, thì nguồn lực tấn công của quân Đức lúc đó đã cạn kiệt. Chính điều này, chứ không phải mùa đông, đã giúp Hồng quân Liên Xô mở cuộc phản công quyết định và đã đánh bật quân Đức ra khỏi Moscow vào tháng 12-1941. Những đợt băng giá thực sự nghiêm trọng mới xuất hiện trong lúc diễn ra phản công, nhưng chúng không cản được bước tiến của quân đội Liên Xô.

Tuy nhiên, Paul Joseph Goebbels (Bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã) và cơ quan tuyên truyền của ông ta đặt trọng tâm chính vào việc lý giải sự thất bại trong các kế hoạch của Đức liên có quan đến khí hậu. Chúng cho rằng, dường như những đợt băng giá nghiêm trọng đã cản trở quân Đức chặn đứng cuộc phản công của Liên Xô. Nhưng ở đây rõ ràng là, băng giá gây cản trở cho cả hai bên, cả kẻ tấn công và bên phòng thủ. Chúng đều tác động như nhau đến binh sĩ, thiết bị và phương tiện của các đội quân chiến đấu.

QUỐC KHÁNH (theo RG.ru)

Nguồn: qdnd.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga