Thời thiếu nữ, trái tim tôi chao nghiêng khi bồng bềnh đi giữa đêm trăng rọi sáng con đường làng ngoằn nghèo, với những hàng cây thân trắng thẳng tắp. Đó là “con đường bạch dương” mà ký ức tôi gắn biển...

Cái ngày chia tay tiếng Nga để chuyển sang tiếng Anh, tôi hồ hởi đón chào “bình minh phương Tây” rọi sáng. Những nẻo đường mới vẫy gọi, ngày càng rẽ hướng tôi xa rời mộng mơ về thảo nguyên bát ngát của Giamilia, về những cánh rừng Taiga xào xạc trong “Con Bim trắng tai đen”, cảnh sắc tuyệt vời vùng nông thôn nước Nga trong “Cây phong non trùm khăn đỏ”, hay vị mặn mòi “Muối của đất” vùng Siberia...

Cho đến ngày hoài niệm tuổi thơ bắt kịp, và cùng tôi rong ruổi đến nước Nga.

Thực tình, tôi vẫn luôn hình dung và gắn bó với mảnh hồn Nga theo cách riêng của mình.

Thời thiếu nữ, trái tim tôi chao nghiêng khi bồng bềnh đi giữa đêm trăng rọi sáng con đường làng ngoằn nghèo, với những hàng cây thân trắng thẳng tắp. Đó là “con đường bạch dương” mà ký ức tôi gắn biển. Sau này, mấy bạn vẫn trêu tôi dám đổi “quốc tịch” của bạch đàn sang “quốc tịch” Nga.

132 1 Khuc Tu Tinh Bach Duong

Song nước Nga ngày nay, đón tôi thật vô tình. Những khuôn mặt hải quan lạnh băng. Hàng tiếng đồng hồ chôn chân, chờ soi hộ chiếu nhập cảnh ở sân bay Sheremetyevo. Không còn tìm được hình bóng của những nụ cười Nga hồn hậu, nước Nga “đã khác xưa rồi, yêu thương cũng đã khác xưa”?

Nhưng thật lạ, vì tôi không lấy thế làm phiền. Tôi lắng nghe mê mải thứ ngôn ngữ từng quen, mà giờ chỉ còn là khách lạ. Đôi mắt tôi no nê ngắm nhìn những cánh rừng bạch dương xanh mướt, trải dọc xa lộ vành đai dẫn vào thủ đô Mátxcơva.

Tôi, một lần nữa, trở lại với thời ấu thơ khi được ngắm và nghe thuyết minh về những khu chung cư tập thể “trần cao 4 mét, rộng trăm mét, nhưng không có nhà vệ sinh và bếp nấu” thời Stalin, xen kẽ giữa những “khu bê tông lắp ghép hộp diêm, đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt, trăm nhà như một” thời Khrushev với chế độ bình quân chủ nghĩa xã hội 6,5m2 nhà/một người dân Xô Viết.

Gì chứ, hình ảnh Vova lái cẩu lắp ghép nhà bao diêm trong cuốn “Rút-xì-ki I-a-giức”, tôi vẫn nhớ. Mà ăn nhiều, ở hết mấy! Nhà tôi 5 người ở căn hộ 14m2 suốt bao năm cũng có sao đâu?

Thành Mátxcova cuối cùng cũng hiện ra, với những mái vòm củ hành đỏ ối của nhà thờ Thánh Vasili, cùng tháp ngôi sao Điện Kremlin lịch sử. Tôi không đến Mátxcova vào mùa thu, nhưng những câu thơ của Olga Beggolz chợt hiện lên nghiền ngẫm trong đầu:

“Mátxcova lại đã thu rồi/ Bao khu vườn như lửa chói ngời/ Vòm lá sẫm ánh vàng lên lặng lẽ...”. Và giữa quảng trường Pushkin nắng ấm, trái tim tôi lại thêm lần nữa đập rạo rực vì nước Nga. Tình yêu đôi khi lạ lùng thế đó! Ai bảo cứ yêu, là được yêu? Và ai bảo không được yêu, sẽ hết yêu?

Tô Phương Thủy

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga