Bất kỳ ai tiếp xúc với ông Phan Đăng Xiêm đều nhận ra "chất Nga” của ông, dù ông đã về Việt Nam được gần 10 năm. Đó là sự thẳng thắn, hào sảng, ấm áp, đôn hậu đặc trưng mà theo như ông nói là được "lây" từ những người bạn Nga. 

Nước Nga đối với ông Phan Đăng Xiêm (sinh năm 1956, hiện đang sống tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội), nguyên Bí thư Chi bộ Trung tâm kinh tế thương mại quốc tế “KT” (1997-2007), nguyên Trưởng ban Thư ký Chi hội người Việt vùng phía đông Moscow (2007-2010) như một phần đời máu thịt, bởi ông đã có hơn 20 năm học tập, làm việc và sinh sống tại đây.

132 1 Hon 20 Nam Voi Nuoc Nga   Mot Phan Doi Mau Thit

Ông Phan Đăng Xiêm và Phó giáo sư Paniuskin tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Oryol, năm 1995. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Từ Oryol...

Vào cuối thập niên 1980, với mong muốn được hiểu biết thực tế về cuộc sống, con người và thiên nhiên nước Nga, chàng trai Phan Đăng Xiêm (quê ở Nam Định), khi đó là cán bộ giảng dạy tiếng Nga của Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, đã làm đơn sẵn sàng đến Nga làm phiên dịch cho các đoàn công nhân hợp tác lao động.

 “Tôi còn nhớ, 14 giờ ngày 4-10-1988, máy bay chở đoàn chúng tôi gồm 5 đội (mỗi đội 50 người), đa số anh em trong đoàn đều là sĩ quan quân đội xuất ngũ, hạ cánh xuống sân bay quốc tế tại Moscow và được những người đại diện cho các nhà máy xây dựng bê tông của Liên hiệp các nhà máy xây dựng Oryol đón và đưa đi ăn uống trước khi lên xe về Oryol”, ông Phan Đăng Xiêm nhớ lại.

Oryol nằm ở phía nam nước Nga, cách Moscow chừng 400km, là thành phố mang tên đại bàng và cũng là một trong những thành phố đầu tiên của Liên bang Xô viết bắn pháo hoa chào mừng chiến thắng phát xít Đức vào ngày 9-5-1945. “Trên đường về Oryol, đoàn xe chở chúng tôi dừng nghỉ ở cạnh rừng bạch dương của thành phố Tula.

Cái cảm giác lần đầu tiên trong đời tôi đặt chân tới rừng bạch dương, được tận mắt nhìn thấy những thân cây bạch dương trắng, cao vút mà khi còn là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), rồi cả khi ra trường, giảng dạy tiếng Nga, cũng mới chỉ thấy qua những trang sách và những bức tranh mùa thu vàng, đến bây giờ khi nhớ lại vẫn xúc động”, ông Phan Đăng Xiêm kể.

Ông Phan Đăng Xiêm cũng nhớ rõ câu nói mà bà Ludmila, phụ trách tòa nhà số 13 ở phố Dzerzhinsky (thành phố Oryol) nói khi đón và phân phòng ở cho từng đội của đoàn năm đó: “Các con trai của ta, vì tình cảm quý trọng, tình hữu nghị giữa hai nước nên lãnh đạo của liên hiệp đã dành cho các con tòa nhà 9 tầng đẹp nhất và tốt nhất. Các con nhớ thực hiện tốt nội quy, tích cực, năng động trong lao động để xứng đáng với sự quan tâm của lãnh đạo liên hiệp”.

Bà Ludmila là người sống nguyên tắc nhưng lại rất gần gũi, chỉ bảo tận tình, chu đáo tới những thành viên của đoàn đúng như một người mẹ. Nhờ đó mà “những đứa con trai người Việt Nam” của bà nhanh chóng thích ứng với cuộc sống ở một môi trường mới. Trong suốt 6 năm (1988-1994), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đơn vị hợp tác xây dựng Oryol cũng như sự hỗ trợ của các nhà máy, xí nghiệp sở tại, tất cả thành viên của đơn vị đã học tập, lao động, tạo mối quan hệ khăng khít với những đồng nghiệp tại nước Nga.

“6 năm không phải là dài nhưng chúng tôi kết được đội ngũ chuyên gia, kỹ sư xây dựng ở Liên hiệp các nhà máy xây dựng Oryol truyền dạy cho những kỹ năng làm việc xuất sắc. Những sản phẩm bê tông do bàn tay, khối óc, sức lao động của công nhân chúng tôi đã được chuyển đi để xây dựng rất nhiều công trình quan trọng ở khắp mọi nơi trên trên đất nước Liên Xô. Đây vừa là minh chứng, vừa là công sức của tất cả anh em đơn vị chúng tôi góp phần vào việc củng cố, duy trì sự phát triển quan hệ hai nước”, ông Phan Đăng Xiêm chia sẻ.

Cuối tháng 10-1994, sau khi cùng đại diện ban lãnh đạo Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng Oryol tiễn những công nhân Việt Nam cuối cùng trở lại Việt Nam, ông Phan Đăng Xiêm tiếp tục hành trình học tập nâng cao kiến thức tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Oryol. Nhờ kinh nghiệm học tập, sinh sống 6 năm tại Nga, ông Phan Đăng Xiêm được chọn là người phụ trách các sinh viên, nghiên cứu sinh nước ngoài của trường.

Gần 3 năm sống, học tập, nghiên cứu nâng cao tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Oryol, Phan Đăng Xiêm được các giảng viên trong khoa tận tình chỉ bảo, hỗ trợ và thắp lên trong ông những suy nghĩ, tình yêu sâu sắc với nước Nga và người dân Nga đôn hậu, thẳng thắn, với thiên nhiên, văn hóa đất nước của những đại danh hào vĩ đại như: Puskin, Lev Tolstoy...

... đến Moscow

Ngày 2-9-1995, Trung tâm Kinh tế thương mại quốc tế “KT” được thành lập. Đây là nơi tập trung phần lớn cộng đồng người Việt tại Nga đến kinh doanh, làm ăn sinh sống trong giai đoạn 1995-2009.

Để động viên, hướng dẫn, vận động bà con không chỉ kinh doanh tốt mà còn phải chú trọng bảo vệ, tăng cường phát triển quan hệ hữu nghị giữa cộng đồng người Việt với người dân và chính quyền sở tại, Chi bộ Trung tâm Kinh tế thương mại quốc tế “KT” ra đời. Vào cuối năm 1997, ông Phan Đăng Xiêm được chuyển từ Đại học Tổng hợp Quốc gia Oryol về Moscow làm Bí thư Chi bộ, sau đó là Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại của KT.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy ngoài nước và Đại sứ quán Việt Nam, Chi bộ KT khi đó đã lãnh đạo cộng đồng làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, trực tiếp thăm hỏi, tặng quà các cựu chiến binh Nga, những gia đình địa phương có hoàn cảnh khó khăn; cùng địa phương và Hội Hữu nghị Nga-Việt tổ chức thành công các sự kiện nhân những ngày lễ lớn của nhân dân Nga. Đáp lại, chính quyền địa phương cùng người dân sở tại tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt làm ăn, sinh sống. Đặc biệt, công an khu vực, công an quận Izmailovo ở vùng phía đông Moscow đã giúp đỡ hết sức tận tình để cộng đồng được yên tâm sinh sống, kinh doanh lâu dài ở địa phương. 

Nhờ những đóng góp cho công tác người Việt tại nước ngoài, tháng 7-2007, ông Phan Đăng Xiêm được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; được Hội Hữu nghị Nga-Việt tại Liên bang Nga tặng Huân chương Hữu nghị (tháng 8-2009) vì đã góp phần củng cố, xây dựng, phát triển quan hệ hữu nghị Nga-Việt trong nhiều năm liền. 

Năm 2010, ông Phan Đăng Xiêm trở về Việt Nam mang theo những tình cảm sâu sắc, những kỷ niệm với nước Nga thân yêu, nơi ông coi như quê hương thứ hai, là một phần máu thịt của mình.

Nguồn: DŨNG KHÔI/ QĐND

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga