Gần 10 năm trước, tôi là một trong 10 sinh viên nhận được học bổng thạc sĩ của Trường Đại học Tổng hợp Liên bang Ural, thành phố Ekaterinburg thuộc tỉnh Sverdlovsk, nơi có dãy núi Ural phân giới hai châu lục Á-Âu.

Nơi đây cũng là xứ sở của cây thanh lương trà (tên tiếng Nga là ryabina)-“nhân vật chính” trong bài hát tiếng Nga nổi tiếng “Cây thanh lương trà vùng Ural” mà nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nhạc vẫn quen thuộc với tên gọi “Cây thùy dương”.

Còn nhớ những ngày đầu đặt chân đến mảnh đất này, mọi thứ đều hết sức lạ lẫm với tôi, từ giao tiếp đến sinh hoạt thường ngày, nhất là việc ăn uống. Tôi không quen ăn đồ Nga nên cứ mỗi tuần lại “nhảy” xe điện lên chợ người Việt cách ký túc xá khoảng 20km mua đồ ăn dự trù cho cả tuần. Món rau, củ khi đó tôi hay mua chỉ là khoai tây, bắp cải và cà chua, đôi khi là mấy củ cà rốt. Không phải là tôi khoái khẩu những món này mà do ở nước Nga, những món rau tôi thích và thường ăn ở nhà lại không có. Thế là suốt mấy tháng mùa đông, quanh đi quẩn lại loại rau, củ tôi ăn chủ yếu là khoai tây và bắp cải. Nhiều khi thèm rau muống, rau mùng tơi và xa xỉ hơn là bát canh cua cà… đến “nao lòng”.

132 1 Nho Mui Ngai Cuu O Nuoc Nga

Rồi những ngày đông qua đi, thấm thoắt tôi sang Nga cũng được 4 tháng. Mùa xuân đến! Mùa xuân ở nước Nga, cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc xanh tốt sau những ngày đông dài đằng đẵng. Vào một chiều xuân, khi đang lững thững đi bộ từ trường về ký túc xá với quãng đường dài khoảng 2km sau một ngày học tập mệt nhọc, tôi chợt liếc mắt nhìn sang bên đường thấy một loài cây rất đỗi quen thuộc mà không nhớ tên, nhưng rồi lại nghĩ: “Ở xứ lạnh này làm gì có loại cây đó”, nên chân tiếp tục bước đi. Khi đó, trong đầu tôi cứ lởn vởn suy nghĩ, hình dung về một loài cây ấy, trong khi cổ họng có cảm giác đăng đắng xen lẫn hăng hăng.

Bước được khoảng mười bước, tôi dừng lại và tiếp tục liếc mắt sang bên đường. Ôi chao, đúng là nó rồi, thật không thể tin được! Đập vào mắt tôi là các lùm cây ngải cứu xanh tươi mơn mởn, chưa hề có bàn tay hái lượm của con người. Không chần chừ, tôi vội lấy chiếc túi ni lông nhỏ để sẵn trong ba lô ra và hái rau nhanh thoăn thoắt với ý nghĩ hôm nay sẽ có món lẩu gà ngải cứu ngon tuyệt mời mấy bạn Việt Nam học khác khoa cùng cảnh ngộ “chán thịt, thèm rau” như tôi. Ý tưởng đó khiến khuôn mặt tôi rạng ngời, miệng tủm tỉm cười, tay bứt những nhánh ngải cứu nhanh hơn.

Đang lúc tôi say sưa với kế hoạch chế biến món ăn mới, bỗng nhiên, một giọng phụ nữ từ sau lưng vang lên nhỏ nhẹ với câu hỏi bằng tiếng Nga: “Anh hái cây đó để làm gì? Cây mọc ven đường bẩn đó, anh vào vườn phía trong kia mà hái”. Tôi giật mình ngoái lại, ngẩng mặt lên, chưa biết trả lời thế nào mà chỉ ậm ừ nhìn người phụ nữ già và cười. Người phụ nữ có khuôn mặt nhân hậu rất Nga nhắc lại câu hỏi với giọng chậm rãi. Chắc bà nghĩ tôi chưa hiểu câu hỏi của bà. Lúc này, tôi thực sự rất băn khoăn, không biết phải trả lời thế nào. Nếu nói hái cây này về ăn thì sợ bà sẽ cười, vì ở đây chắc hẳn mọi người không ăn loại cây này.

Bỗng nhiên, trong đầu tôi chợt nghĩ ra câu nói của mẹ tôi về công dụng của ngải cứu. Từ ngày còn bé, khi giúp mẹ hái ngải cứu mỗi khi làm lẩu gà đãi khách hay nhà có giỗ, mẹ tôi thường bảo ngải cứu có rất nhiều công dụng, là một trong những vị thuốc nam quý, thường sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. “Tôi hái chúng về làm thuốc. Đây là loại cây thuốc quý ở đất nước tôi”, tôi trả lời dứt khoát với vẻ mặt nghiêm túc. Khi ấy, tôi nghĩ rằng sau khi nghe câu trả lời, bà sẽ bỏ đi. Nhưng không! Nét mặt người phụ nữ Nga trở nên nghiêm nghị, giọng nói cũng có vẻ gắt hơn: “Anh định lừa tôi à?”. Tôi thực sự luống cuống, bắt đầu cúi xuống không dám nhìn vào mắt bà nữa. Có vẻ như đoán được sự khó xử của tôi, bà nhẹ nhàng nói: “Khoảng 5 năm trước, tôi ở gần một gia đình người Việt Nam, họ thường mời tôi món ăn Việt và tôi rất thích. Họ còn dạy tôi nấu món rau này (tức ngải cứu). Bây giờ anh theo tôi về nhà tôi, tôi sẽ mời anh ăn món tôi nấu”. Tôi hơi lưỡng lự nhưng rồi cũng đi theo. Trên đường về, tôi và bà nói chuyện rất nhiều. Tôi kể cho bà nghe về bản thân, gia đình cũng như những khó khăn trong những ngày đầu đến nước Nga. Còn bà tâm sự: “Tôi tên là Prosvirnina Irina Sergeevna, Phó giáo sư thuộc Bộ môn Tiếng Nga dành cho người nước ngoài, sống ở ký túc xá trong khu dành cho giảng viên. Sang năm thứ hai có thể anh sẽ học môn của tôi…”.

Về đến căn hộ của Prosvirnina Irina Sergeevna, bà pha trà đen mời tôi và mở tủ lạnh lấy ra hai hộp nhựa nhỏ đựng đồ ăn bên trong. Bà giới thiệu: “Đây là món “thuốc” của anh này, còn đây là món duvantricki (bồ công anh) xào”. Thế rồi, bà chậm rãi xúc trong mỗi hộp một ít rau để trên đĩa và mời tôi ăn. Trước mặt tôi là món ngải cứu do chính tay người phụ nữ Nga nấu. Tôi vừa ăn vừa cảm nhận hương vị của loại rau mà tôi cứ nghĩ chỉ có ở Việt Nam và cũng chỉ người Việt Nam mới ăn. Tôi hỏi bà hái rau này ở đâu và chế biến như thế nào thì bà nói rằng, bà vào tận khu vườn phía trong để hái, chứ không hái ở gần đường đi vì sợ rau không sạch. Sau đó bà mang rau về rửa sạch, xào với dầu và tỏi, nêm gia vị mặn một chút. Mỗi lần bà xào rất nhiều và cho vào tủ lạnh ăn dần. Lần đầu tiên được ăn món ngải cứu ở xứ lạnh, tôi nhận thấy mùi vị khác lạ và rất ngon. Ngải cứu ở Nga không đắng như ở Việt Nam mà rất ngọt, nhưng vẫn giữ được mùi hăng hăng đặc trưng.

132 2 Nho Mui Ngai Cuu O Nuoc Nga

Phó giáo sư Prosvirnina Irina Sergeevna và tác giả chụp ảnh kỷ niệm trước khi tác giả về nước, tháng 6-2015. Ảnh do tác giả cung cấp.

Cũng kể từ đó, tình cảm cô trò giữa chúng tôi ngày càng thân thiết. Tôi thường gặp cô Prosvirnina Irina Sergeevna ở trường, có hôm lại cùng cô đi bộ từ bến xe buýt về ký túc xá. Thỉnh thoảng trên con đường thân quen đó, cô lại nhắc đến câu chuyện về “cây thuốc quý”. Khi tôi bảo vệ luận văn thạc sĩ, chính cô Prosvirnina Irina Sergeevna là người phản biện và đưa ra những đánh giá rất thiết thực, giúp tôi hoàn thành chương trình học với tấm bằng thạc sĩ loại xuất sắc.

Giờ đây, khi đã trở về Việt Nam, cuộc sống của tôi luôn bận rộn bởi những nhu cầu mưu sinh, nhưng tình cảm, sự tri ân của tôi dành cho nước Nga, con người Nga nói chung và bà giáo già nấu món ngải cứu ngày nào nói riêng vẫn nguyên vẹn. Tôi ước một ngày sẽ được trở về thăm trường xưa và người phụ nữ Nga đôn hậu, tốt bụng ngày nào. Tôi biết ở nơi phương xa đó, bà luôn nhớ đến tôi-cậu học trò mà trước đây bà thường nhận xét là láu lỉnh nhưng thông minh, cần cù. Tôi cũng tin rằng, bà vẫn thường nấu món “thuốc quý” cứ mỗi độ xuân đến trên xứ sở bạch dương dấu yêu!!!

Như vẫn quanh đây, thật đấy mà

Nhớ mùi ngải cứu ở nước Nga

Tấm lòng rộng mở, cười thân thiện

Nhớ đến nao lòng: Bà giáo Nga!

NGUYỄN HOÀNG

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga