Du học có lẽ không còn là khái niệm quá mới trong thời hiện đại, nhưng cũng chưa phổ cập đến mức ai cũng có thể đi. Với nhiều người, du học vẫn là một giấc mơ xa vời. Đặc biệt là những người được học bổng toàn phần du học diện nhà nước lại là một câu chuyện khác, không dễ để có được.

Với bản thân tôi lúc nhận được học bổng du học Nga chỉ mới 19 tuổi, cũng chưa hình dung được hết giá trị của cơ hội này, chỉ đơn giản là muốn được đi đến một đất nước khác để xem nơi đó có gì mới, có thể học hỏi được gì, cốt để thỏa mãn tính hiếu kỳ của cái tuổi mười mấy đôi mươi. Nhưng, du học phấn đấu học hành được bằng đỏ (loại xuất sắc) liệu có đủ?

Bằng đỏ là một hình thức công nhận sự toàn diện trong lĩnh vực học tập ở Nga. Học để được bằng đỏ, theo tôi nghĩ, là không hề đơn giản, đặc biệt với khối ngành kỹ thuật. Nhiều bạn đạt bằng đỏ với số điểm tuyệt đối (tất cả các môn học, điểm thực hành, bài khóa, luận văn đều tối đa) là một sự phấn đấu nghiêm túc và nỗ lực hết mình. Điều đó rất đáng được trân trọng, vì hiểu biết kiến thức là một chuyện, nhưng diễn đạt kiến thức cho thầy cô hiểu lại là một chuyện hoàn toàn khác. Rào cản ngôn ngữ luôn là một cái gì đó không dễ vượt qua với các du học sinh. Thầy cô có thể châm chước ở một mức nào đó, nhưng không thể châm chước mãi, một con điểm tuyệt đối yêu cầu sinh viên phải hiểu đủ sâu, diễn đạt đủ tốt, một nụ cười trừ ngại ngùng giỏi lắm chỉ cho phép bạn qua môn nếu thầy cô trong quá trình học biết được bạn hiểu, chỉ là do tiếng kém nên khó diễn đạt ra mà thôi. Nói là khó như vậy, nhưng có lẽ du học mà chỉ được bằng đỏ thôi thì có lẽ chưa phải là thành công. Tại sao?

426 1 Du Hoc Duoc Bang Do Co Phai La Thanh Cong

Hãy tưởng tượng rằng trong tay chúng ta có một cơ hội sang một đất nước khác, một xứ sở hoàn toàn mới với nhiệm vụ chính là học tập, tại sao lại phải chỉ gói gọn trong việc học? Tất nhiên, vì nhiệm vụ chính vẫn là học tập, nên tôi không khuyến khích bạn bỏ việc học sang một bên để đi làm việc khác. Nhưng nếu chúng ta sắp xếp hợp lý, thì hoàn toàn có thể dư ra thời gian để vừa hoàn thành tốt việc học, lại có thể tìm hiểu thêm về đất nước bạn hoặc tham gia các hoạt động xã hội khác. Thực tế thì hầu hết lưu học sinh vào nhóm hoặc là chỉ có học hành, hoặc là chỉ có làm việc khác. Dung hòa được cả hai là rất khó. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ ít thời gian để ngủ nướng, lướt face, xem youtube giải trí hoặc tụ tập với bạn bè. Bạn sẽ phải ra ngoài nhiều hơn, trong khi người khác chơi thì bạn học, trong khi người khác ngủ thì phải thức, trong khi người khác say sưa thì bạn đang cố làm nốt việc. Hi sinh là rất nhiều, nhưng kết quả cũng ngọt ngào không kém.

Bạn sẽ biết thêm một cách sâu sắc văn hóa của một đất nước mới, các địa danh nổi tiếng, những phong tục tập quán. Bạn sẽ được tham gia vào các hoạt động của sinh viên, của cộng đồng và trở nên ngày càng bản lĩnh, không ngại giao tiếp. Bạn sẽ có thêm nhiều bạn bè ở khắp nơi thông qua các hoạt động xã hội, được tiếp xúc với những người có tầm vóc cao hơn bạn, dẫn dắt bạn. Bạn sẽ biết cách làm việc với tập thể, bạn cảm thấy cuộc sống không còn đơn điệu khi ở một đất nước xa lạ, không có thời gian để buồn, để nhớ nhà hay sướt mướt như một đứa trẻ. Những vấp váp trong những lần tham gia hoạt động cộng đồng sẽ biến bạn thành một cái cây trưởng thành, có thể đứng vững trước mọi sóng gió. Thông qua những hoạt động như vậy, rào cản ngôn ngữ càng dần được xóa bỏ, bạn sẽ thấy ở đâu cũng là nhà, luôn sẵn sàng với mọi thứ, nói nôm na là nhạc nào cũng nhảy được.

426 2 Du Hoc Duoc Bang Do Co Phai La Thanh Cong

Những năm đầu tiên, thực sự đã rất khó khăn với tôi. Tiếng chưa thông, đi đâu cũng sợ, muốn nói nhiều thứ mà không ai hiểu được. Theo một bài báo tôi có đọc về “Sốc văn hóa” thì đó là một diễn biến tâm lý bình thường khi ai đó đến một đất nước mới lạ. Tôi cố hòa nhập bằng cách học ngôn ngữ thật nhiều, cố gắng ra ngoài để thực hành tiếng thật nhiều, tham gia tất cả các hoạt động của sinh viên, của trường, của cộng đồng. Thực sự là không còn đủ thời gian để nhớ nhà. Từ việc cảm thấy một nhà tù vô hình, không thể hiểu nổi sao người ta sống được ở đây thì tôi đã trở nên yêu mến đất nước này như quê hương thứ hai vậy, thực sự là rất nhớ, rất quyến luyến khi rời nơi đây. Nếu chỉ biết đến việc học, suốt ngày chỉ có ký túc xá và trường học, luẩn quẩn trong xó phòng thì chắc sẽ luôn bỡ ngỡ, luôn sợ sệt khi phải đi xa, ngại tiếp xúc với người khác và sẽ ít đi tình cảm với mảnh đất gắn bó một thời thanh xuân sôi nổi. Thanh xuân nếu qua đi như vậy thì có lẽ mất đi một phần ý nghĩa. Như lời một người thầy đã từng dạy, nếu đã sống một lần thì phải sống sao để không sống hoài, sống phí.

Phạm Hoàng Trung.

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga