Giữa đại dịch COVID-19 hoành hành ở nhiều nước trên thế giới, người Việt xa xứ vẫn vững lòng vượt qua “bão tố”, vẫn lạc quan và yêu đời, hướng về phía trước.

132 1 Nguoi Viet Van Vung Vang O Phuong Troi Xa

Có thể nói, tinh thần lạc quan là một trong những nét đặc trưng của người Việt. Nét đặc trưng này vẫn thể hiện ở những người con xa xứ dù là làm việc ở châu Âu chân trời xa. Ở Hà Lan, giữa đại dịch COVID-19, dù không thể quay trở về Việt Nam thăm quê hương với nỗi nhớ mong khắc khoải, cô bạn tôi vẫn vui vẻ chia sẻ những kỷ niệm nhắc lại của facebook, mơ về một ngày hội tụ như xưa. Trên facebook của cô bạn tôi tràn ngập những bức ảnh đang trồng rau ăn trên sân thượng căn hộ ở Amsterdam với đủ mọi loại rau ăn như bí ngòi, xà lách, cà tím mọc lên tươi tốt. Không quá lo lắng về dịch bệnh, cô bạn tôi dành thời gian để chăm sóc bé gái 5 tuổi và khu vườn xanh mướt. Chỉ thấy một bầu không khí hạnh phúc với những bữa ăn chay hay món ăn thuần Việt nhà làm với quan niệm sống của đạo Phật về việc vượt qua khó khăn bằng nội lực và tâm an lành.

132 2 Nguoi Viet Van Vung Vang O Phuong Troi Xa

Khu vườn xanh tốt trồng rau cải, bí ngô trên nóc sân thượng của Việt kiều ở Hà Lan.

Trồng vườn cũng là thú vui của gia đình cậu tôi ở Na Uy. Bãi cỏ và khoảng sân sau vườn đã trở thành nơi vui chơi cho cả gia đình, nơi những bông hoa khoe sắc đủ màu, những loại rau gia vị và rau ăn tô điểm thêm cho bữa ăn hàng ngày. Cô cậu tôi vẫn chia sẻ lên facebook những khoảnh khắc vui vẻ như các con tập ghita hay đá bóng, múa bale ở trường. Cả gia đình cùng nhau làm pizza hay nấu phở. Mà phở tươi ở Na Uy thì không có đâu nhé, phải chần phở khô mua ở siêu thị lên, thịt bò Tây hay thịt gà mua ở siêu thị nấu nước dùng để chan phở - cách biến tấu rất ngon và cho vơi nỗi nhớ quê hương. Tất cả như thổi một bầu sinh khí về cuộc sống tươi vui, về triết lý sống lạc quan, yêu đời của người Việt.

Còn một người em của tôi ở Pháp chia sẻ, giữa đại dịch, cộng đồng người Việt tại Pháp vẫn tuân thủ các biện pháp bảo vệ bản thân như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội nhưng vẫn tận hưởng cuộc sống và đi làm, đóng góp cho xã hội. Thời điểm Quốc khánh 2/9 ở châu Âu, người Việt vẫn phải đi làm vì không phải ngày nghỉ. Thời gian này, sinh viên chuẩn bị nhập học, các bố mẹ Việt có con nhỏ tất bật lo chọn trường cho con nhưng chắc chắn trong lòng ai cũng hướng về quê hương.

Sau đợt phong tỏa cách đây vài tháng, hầu hết người Việt đã đi làm trở lại. Trong thời gian phong tỏa, toàn bộ công dân sống tại Pháp, bao gồm cả người Việt dù nghỉ làm ở nhà vẫn được hưởng 85% lương. Do vậy, cuộc sống của Việt kiều vẫn được đảm bảo và không bị đảo lộn.

Khi nhiều nước châu Âu dỡ bỏ phong tỏa, công dân châu Âu được phép đi du lịch trở lại sang nhau, nhiều Việt kiều chia sẻ các bức ảnh đi du lịch sang Paris, Tây Ban Nha... đầy thơ mộng để cho thấy cuộc sống tươi đẹp vẫn tiếp diễn... Tất nhiên là cộng đồng Việt kiều rất có ý thức trong việc phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, đứng cách xa nhau nơi công cộng. Đó cũng là lý do tại sao tỉ lệ người gốc Việt mắc COVID-19 ở châu Âu thấp hơn do ý thức phòng dịch cao hơn.

Còn nhớ thời gian đầu dịch, cộng đồng người Việt ở khắp châu Âu khi đó dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng với tinh thần sẻ chia trong hoạn nạn đã chung tay quyên góp để gửi tới các y bác sĩ, bệnh viện ở Đức, Pháp, Nga, Séc, Ba Lan... những phần quà khẩu trang, nước rửa tay, thuốc men, những suất ăn tình nghĩa chung tay chống dịch.

Những bát phở cung cấp suất ăn trưa miễn phí cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch ở Nga của một nhà hàng Việt kiều ở Nga như sợi dây kết nối tình cảm Nga-Việt và ẩm thực Việt với bạn bè quốc tế. Lại nói đến phở, tôi lại nhớ tới có lần Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria đã tới thăm Hà Nội và thưởng thức món bún bò Nam Bộ tại cửa hàng bán phở gà, bún thang ở con ngõ hẻm Kim Mã Thượng. Sau này, quán phở đó được đặt tên là quán “Bún bò Công chúa”. Một nhà ngoại giao Thụy Điển chia sẻ, Công chúa Victoria thưởng thức món bún phở Việt do lời khen từ người cha, Quốc vương Thụy Điển Carl XVI Gustaf. Nhà vua Thụy Điển sau chuyến thăm chính thức tới Việt Nam và tận mục thưởng thức món phở đã mê món này tới mức ông thường bảo các đầu bếp hoàng gia là trong lễ Noel, nhất định phải có phở. Và phở có lúc đã trở thành món không thể thiếu trong nhà bếp Hoàng gia Thụy Điển dịp lễ Giáng sinh trọng đại của người phương Tây. Người Việt xa xứ, dù giữa đại dịch, đã góp phần thổi hồn đưa ẩm thực Việt và triết lý sống đùm bọc của người Việt ra với thế giới.

Theo Sức khỏe và đời sống

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga