Đối với nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi – nguyên Chủ nhiệm khoa tiếng Nga (ĐH Ngoại ngữ Hà Nội) lần nào trở lại nước Nga cũng như trở lại nhà mình.

Từ thời Liên Xô, sau này là Liên bang Nga, đã và đang có biết bao nhiêu thế hệ người Việt đến học tập, công tác, làm ăn, sinh sống ở xứ sở này. Nhiều người trong số đó thành danh, đóng góp được nhiều cho đất nước; có người vất vả, thăng trầm…

Nhưng dường như, với tất cả, nước Nga luôn là những kỷ niệm sâu lắng trong tâm khảm, trái tim. Với những người ngoài cuộc, có lẽ, khó có thể hiểu được đầy đủ nguồn cơn của sự gắn bó keo sơn đó.

426 Content Vov Nga1 Ixub
Cuộc gặp mặt ấm cúng của thầy và trò, những người yêu nước Nga tại Moscow.

Trong một chiều thu mưa lạnh, ngôi nhà ở ngoại ô Moscow của thầy Nguyễn Việt Hùng (từng là giảng viên trường Đại học Ngoại Ngữ – Hà Nội) trở thành điểm gặp gỡ ấm cúng cho một đoàn khách khoảng 30 người từ Việt Nam và cả ở Nga. Đó là các thầy giáo, cô giáo, học sinh từng dạy và học tiếng Nga; một số người từng công tác, sinh sống tại Nga nay trở lại thăm chốn này; một số hiện đang làm việc tại Nga.
Thành phần đa dạng và tuổi tác rất khác biệt, người cao tuổi nhất đã ngoài 80, người trẻ nhất mới ngoài đôi mươi…, nhưng không có khoảng cách, mà chỉ có sự cởi mở, chan hòa, bởi cùng được gắn kết bằng một tình yêu đặc biệt với tiếng Nga, với nền văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên, môi trường, đất nước, con người Nga…

Được trở lại nước Nga sau nhiều năm xa cách, cô Lưu Thị Sinh, giáo viên trường Đại học Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia, cho biết, cô dạy tiếng Nga từ năm 1973, sang nước Nga năm 1979 học ở Saint Peterburg, năm 1984 học ở Lipetx. Với cô, lúc nào nói về nước Nga đều rất nhớ, rất xúc động. Mặc dù sau này còn dạy cả tiếng Anh, nhưng với cô Sinh, tiếng Nga vẫn luôn giữ một vị trí đặc biệt.

“Thiên nhiên Nga làm cho tôi nhớ lại những năm tháng đã từng học ở đây. Tiếng Nga làm cho tôi cảm thấy yêu thiên nhiên hơn, yêu đất nước hơn và cảm nhận tình cảm giữa hai dân tộc Việt Nam và Nga có cái gì đó gắn bó, gần gũi” – cô Lưu Thị Sinh chia sẻ.

426 Content Vov Nuoc Nga Gari
Cô Lưu Thị Sinh ngồi giữa) và hai học trò cũ hiện đang làm việc tại Nga.

Học tiếng Nga từ năm 1985, sau đó thi vào trường chuyên ngữ, trở thành học trò của cô Sinh, rồi sang Nga học tiếp và ở lại làm việc, anh Vũ Trọng Phước – Chủ tịch Hội người Việt tại thành phố Tula, Chủ tịch HĐQT công ty Navico, cũng có tình cảm với nước Nga như cô giáo cũ của mình.
“Cho đến bây giờ, tôi cảm thấy rất gắn bó với nước Nga. Cũng như cô, tôi được đi các nước khác giàu có, văn minh hơn, nhưng gắn bó về tâm hồn thì với nước Nga là hơn cả. Đi đâu, trở về nước Nga tôi cảm thấy yên tâm, tự tin, vì chúng tôi sống ở đây, có bạn bè người Nga, ảnh hưởng văn hóa, lối sống của Nga….” – anh Phước cho biết.

Là thế hệ người Việt đầu tiên sang Nga để học tiếng Nga từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, đối với nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, nguyên Chủ nhiệm khoa tiếng Nga – trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), lần nào trở lại nước Nga cũng như trở lại nhà mình.

Ông đã viết một bài tham luận về Puskin: “Puskin và Phương Đông”, chứng minh trong tư duy nghệ thuật của Puskin, mạch ngầm phương Đông vẫn có. “Không phải ngẫu nhiên mà thơ Puskin đến Việt Nam sau thơ Đường hàng nghìn năm, sau thơ lãng mạn Pháp hàng 200 năm, nhưng nhiều thế hệ vẫn biết thơ Puskin. Không nơi nào trên thế giới có được như vậy” – ông Vũ Thế Khôi nói.

Nhà giáo ưu tú chia sẻ, ông may mắn được học tiếng Nga từ PGS.TS Sophia Kvachikova – người làm thơ rất giỏi và đọc thơ rất hay. Chính cô đã dạy cho ông đọc thơ Nga từ lúc ông chưa hiểu từ ngữ Nga như thế nào.

426 Content Vov Nga Jykv
Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, nguyên Chủ nhiệm Khoa tiếng Nga (ngồi giữa) và thầy Nguyễn Việt Hùng – từng là giáo viên tiếng Nga -trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là ĐH Hà Nội).

Ông Vũ Thế Khôi không chỉ giảng dạy tiếng Nga, dịch rất nhiều tác phẩm văn học, thơ ca của các nhà thơ Nga sang tiếng Việt, biên soạn sách song ngữ Nga-Việt, mà còn dịch thành công truyện Kiều sang tiếng Nga cách đây 2 năm. Ông muốn người Nga được tiếp cận với kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam. Bởi ông hiểu rõ, giao lưu văn hóa là hình thức gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hai dân tộc.
Còn thầy Nguyễn Việt Hùng (từng là giảng viên trường Đại học Ngoại Ngữ – Hà Nội) hiện đang sống và làm việc tại Nga, từ 15 năm nay, tự nguyện làm cầu nối cho những chuyến thăm nước Nga và Việt Nam của nhiều thầy, cô giáo Việt, Nga. Ông rất khiêm nhường khi nói về việc làm của mình, mặc dù để làm được, đòi hỏi không chỉ tâm mà cả sức.

“Tôi muốn đưa các thầy cô giáo của mình ở Nga sang thăm Việt Nam và đưa các thầy cô giáo Việt Nam đã dạy mình những từ tiếng Nga đầu tiên trở lại thăm Nga. Tôi làm việc này xuất phát từ nguyện vọng cá nhân, thỏa mãn tâm niệm của mình” – ông Nguyễn Việt Hùng nói.

Những tình cảm chân thành, xuất phát từ trong tâm, từ trong trái tim một cách tự nhiên, giản dị nhưng đã và đang gắn kết nhiều thế hệ người Việt với nhau và với nước Nga, giúp người Nga hiểu biết và yêu mến Việt Nam; tiếp tục thúc đẩy hai dân tộc trên bước đường phát triển mới. Sự tin tưởng, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau trong suốt chiều dài lịch sử của hai nước sẽ là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị, truyền thống bền chặt hôm nay và tương lai./.

Anh Tú-Thành Phương/VOV-Moscow

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga