Có lẽ Volga cũng là một trạm tàu như thế, chỉ là nhiều người đã gắn bó với trạm tàu này gần cả tuổi thanh xuân, và đến lúc ra đi chắc sẽ nhớ lắm!

“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”

(Trích “Tiếng hát con tàu” – Chế Lan Viên)

426 1 Chac Toi Se Nho Lam Nuoc Nga Oi Volga Oi

Những câu thơ của tác giả có lẽ không đơn thuần chỉ là những dòng chữ được viết lên một cách bất chợt. Phải đến lúc gần rời xa mảnh đất một thời ta từng gắn bó, cảm xúc mãnh liệt mới òa lên, đôi lúc những điều nhỏ nhặt cũng bỗng nhiên khiến người ta xúc động lạ thường.

Xử sở bạch dương có thể là một nơi khắc nghiệt với nhiều người, bởi rào cản ngôn ngữ, bởi thời tiết thách thức sự chịu đựng của cơ thể, bởi sự cô độc khi rời xa quê hương, có những nỗi niềm thật không dễ chia sẻ. Thậm chí tôi đã từng nghe những câu oán trách, những câu hối hận của không ít người khi lựa chọn con đường không hề dễ dàng này. Nhưng tôi tin rằng, đến một lúc nào đó, họ sẽ bất chợt nhớ đến nước Nga với một tình cảm yêu thương mà chính họ cũng không thể ngờ được. Bởi lẽ những thách thức mà tuổi trẻ của họ từng cho là to lớn thì chả có ý nghĩa gì với sóng gió thực sự của cuộc đời, những hình ảnh về xứ sở bạch dương trong tâm trí họ lúc đó sẽ thật khác, thậm chí nếu có cơ hội bước chân trở lại nơi đây một lần nữa thì rất có thể họ sẽ tự hỏi mình “Tại sao mình có thể từng không yêu mảnh đất này?”.

Với riêng trải nghiệm của bản thân tôi, không phải mọi thứ đều tuyệt vời như người ta vẫn tưởng. Cũng đã có lúc tôi cảm thấy thực sự lạc lõng và có những sự kiện xảy ra ngoài tầm tay, tôi không hiểu được vì sao mình lại ở đây? Tại sao xung quanh tôi toàn người xa lạ? Đôi lúc thèm một góc chợ quê ngày Tết, thèm mâm cơm ấm cúng bên gia đình. Nhưng so với chuỗi năm tháng tôi dành cho nước Nga, tôi dành cho mảnh đất Volga yêu dấu, thì những thời khắc yếu lòng chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Tôi nghĩ rằng đó cũng chính là những phần không thể thiếu của một bức tranh cảm xúc hoàn chỉnh. Bởi lẽ có bản nhạc nào chỉ viết bằng những nốt thăng đâu?

Có thể bạn không tin. Nhưng tôi đã nhớ Volga da diết, cho dù chỉ mấy tháng ở Việt Nam chờ tin về học bổng. Tôi nhớ Volga không phải vì ở Việt Nam tôi không được sống theo ý mình. Mọi thứ đều tốt, mọi thứ đều quen thuộc. Nhưng trong lòng tôi thấy thiếu đi cái gì đó, một thứ lúc đó tôi đã nhầm là có lẽ mình đang mong học bổng chăng? Cho đến khi máy bay đáp xuống Volga, tôi mới thực sự hiểu mình đang mong chờ điều gì. Nhìn mọi thứ xung quanh như này nào, có cái hình như được sửa sang trông tươm tất hơn, có cái vẫn như cũ cả chục năm nay, nó mang đến một cảm xúc vừa quen thuộc, vừa thân thương, có chút vui vui thấy lạ. Cảnh vật mà trong cả gần chục năm qua tôi vẫn đi qua, sao giờ trở nên đẹp đẽ. Tôi may mắn được tham dự một buổi lễ văn hóa ca nhạc ngay ngày hôm sau. Ngồi trong hội trường mà đã hàng trăm lần mình xem biểu diễn nhưng chưa có lần nào tâm trạng bồi hồi, xúc động đến vậy. Những cô cậu sinh viên mặt lạ hoắc, nhưng mang trên mình những nụ cười quen thuộc, những giai điệu vui nhộn, những cảm xúc ùa về, tôi đã cẩn thận thưởng thức từng tiết mục như một người đang cẩn thận xem lại cuốn nhật ký vậy.

Với một người đã ở Volga lâu đến mức bao nhiêu thế hệ sinh viên đàn anh, đến thế hệ sinh viên của mình, rồi các em cứ lần lượt rời khỏi Volga theo chuyến tàu của cuộc đời, riêng có mình vẫn đang ở lại trên một hành trình khác, tôi đã quen gặp mặt rồi chia ly với rất rất nhiều những người cũng mang nặng tình cảm với mảnh đất này. Thỉnh thoảng qua những câu chuyện của tôi mà thế hệ các em biết đến cả những anh chị sang Nga từ thời tôi còn học cấp 1, có những người đã ở đây lúc tôi chưa cả sinh ra. Được quen biết và tiếp xúc với từng ấy người, tôi vẫn nghĩ đó không phải là điều thường gặp, đó là một điều may mắn không phải ai cũng có được. Hầu như những người đó, dù ở đây họ làm gì, từng như thế nào, thì về Việt Nam rồi ai cũng nhớ Volga, nhớ những chiều gió lộng, nhớ những buổi trưa nóng như đổ lửa, nhớ cái lạnh thấu xương, nhớ tiếng lẹt xẹt đi trong tuyết xốp. Cảm xúc đó có thể đến với ai đó sớm hơn, cũng có thể muộn hơn, có người ít, có người nhiều, nhưng kí ức về Volga khi mà người ta hồi tưởng lại, những cái khó chịu sẽ mờ đi, thay vào đó là những điều làm ta vấn vương, những thứ ngọt ngào mà nơi đây mang lại.

Đọc đến đây thì có lẽ bạn cũng đã hiểu được phần nào khi thấy những người sắp rời Volga, sắp xa xứ sở bạch dương trở nên dễ xúc động hơn trước những cảnh vật hàng ngày. Đôi lúc đơn giản là những bước chân đi dọc những con phố, muốn lưu lại nhiều hơn những bức ảnh của các địa điểm quen thuộc, muốn ra ngoài và tiếp xúc nhiều hơn với mọi người, vì những hình ảnh đó họ không còn nhiều thời gian để ghi lại nữa. Biết đâu một khi đã lên chuyến tàu rời khỏi nơi đây theo hành trình mới, họ sẽ không bao giờ có cơ hội quay trở lại? Nhưng đó mới là cuộc đời, cuộc đời là những chuyến đi, rồi ta sẽ gặp gỡ những người mới, đi qua những vùng đất mới, sẽ có những cảm xúc, những câu chuyện mà ta mang theo trong suốt cuộc đời.

Ảnh và bài viết: Phạm Hoàng Trung.

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga