Động thái của Trung Quốc đã lộ rõ bản chất và mục đích muốn độc chiếm Biển Đông, cần phải lên án mạnh mẽ

Trung Quốc thay đổi cách diễn đạt một quy định về hàng hải, gọi vùng nước giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, là "ven bờ" thay vì "xa bờ". Theo nhận định, việc sửa đổi này có thể được thực hiện để tăng cường quản lý các quần đảo bằng luật pháp trong nước của Trung Quốc.

 

132 1 Trung Quoc Muon Gia Tang Kiem Soat Bien Dong Khong Chap Nhan

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP.

Bình luận về vấn đề trên, ông Lê Việt Trường - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, bất cứ sự thay đổi nào của Trung Quốc trên vùng biển đang tranh chấp cũng đều có chủ đích có lợi cho Trung Quốc.

Theo ông Trường, khái niệm "xa bờ" và "ven bờ" có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Cách thay đổi khái niệm này của Trung Quốc có thể thấy Trung Quốc đang cố gắng để đạt được mục tiêu xác định vùng nước giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là khu vực ven bờ. Từ khái niệm ven bờ này Trung Quốc sẽ xác định đường cơ sở bao gồm: nội thủy, lãnh hãi, tiếp giáp lãnh hải, coi như quần đảo này đã nằm trong thềm lục địa của Trung Quốc.

Đây là việc làm sai trái Việt Nam cần phải theo sát, kịp thời lên tiếng phản đối cách thay đổi tên gọi nhưng lại không theo đúng các thuật ngữ đã được quy định tại Công ước về Luật biển năm 1982.

"Động thái của Trung Quốc đã lộ rõ bản chất và mục đích muốn độc chiếm Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và sự chỉ trích mạnh mẽ của các quốc gia trên thế giới đang ngày càng gia tăng", ông Trường nói.

Theo ông Trường, sự tham lam và cách hàng xử của Trung Quốc chưa chắc đã mang lại lợi ích cho quốc gia này.

"Một hành động sai trái sẽ thường được giải thích bằng nhiều lý do. Tuy nhiên, với hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế thì chắc chắn sẽ bị lên án.

Hiện rất nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận diện rõ bản chất xảo trá trong các cách gọi cũng như cách giải thích về việc làm sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ví dụ, Mỹ và Australia tuyên bố những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là bất hợp pháp, không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Malaysia đã gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc chỉ trích Trung Quốc vì Bắc Kinh nói Kuala Lumpur không có quyền thiết lập thềm lục địa mở rộng trên vùng biển phía bắc quốc gia Đông Nam Á này.

Cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ bóc trần bản chất xảo trá của Trung Quốc. Việc này có thể sẽ khiến Trung Quốc bị các nước quay lưng và nguy cơ Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn là được", ông Trường nói thêm.

Lam Lam

Nguồn: baodatviet.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga