Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 31/3, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thứ 4 trong ngành sản xuất ô tô Việt Nam là Honda công bố tạm dừng hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô xe máy kể từ ngày 1-15/4/2020.

Công nghiệp ô tô Việt Nam đã thất bại từ lâu, doanh nghiệp

Theo công bố của Honda Việt Nam, việc hoạt động trở lại của ba nhà máy sản xuất xe máy và một nhà máy lắp ráp ô tô của doanh nghiệp này phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và chỉ thị của Chính phủ.

Trước đó, ba doanh nghiệp FDI khác là Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam và Hyundai Thành Công cũng dừng hoạt động sản xuất các nhà máy tại Vĩnh Phúc, Hải Dương và Ninh Bình.

Nếu như Ford đóng dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam từ ngày 26/3 thì Toyota và Hyundai Thành Công cũng dừng hoạt động lắp ô tô từ ngày 30/3.

Theo các doanh nghiệp này, thời gian sản xuất trở lại sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, nhu cầu thị trường, tình hình chuỗi cung ứng, tồn kho của các đại lý và quy định của Chính phủ.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư ô tô Việt Nam cho biết, không riêng ngành ô tô mà ngành nào cũng chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Rất nhiều nhà máy, xí nghiệp phải tạm ngưng sản xuất, công nhân không có việc làm, không được trả lương hoặc có chăng là chút lương cơ bản để duy trì sinh hoạt.

132 1 O To Viet Ngam Don Covid 19 Bat Kha Khang

Dịch bệnh khiến các nhà máy ô tô ở Việt Nam phải tạm dừng lắp ráp

"Đây là trường hợp bất khả kháng và là tình trạng chung mà cả thế giới phải chịu, không riêng gì Việt Nam và cũng không riêng gì ngành ô tô. Có phục hồi được sản xuất hay không tùy thuộc vào việc có dập được dịch bệnh hay không", ông Ninh nói.

Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng cách giảm gánh nặng tài chính của doanh nghiệp đối với ngân sách như giãn, giảm thuế, theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh là cần thiết vì doanh nghiệp có vượt qua được dịch bệnh thì mới phục hồi được. Dù vậy, ông lưu ý cần cân nhắc hỗ trợ ai, đối tượng nào đáng hỗ trợ, khả năng hỗ trợ đến đâu, phải nhìn vào thực tế, cái chúng ta có trong tay để làm sao cho đúng và trúng.

Như ngành ô tô, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất ô tô ở Việt Nam, như: giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp; giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô; giãn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 3 tới 9/2020 cho doanh nghiệp theo dự thảo do Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng.

VAMA cũng đề xuất giãn nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp cho các quý trong năm 2020 đến kỳ quyết toán năm 31/3/2021; giãn thời gian nộp thuế tại khâu nhập khẩu trong năm 2020.

Bên cạnh đó, VAMA cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu và ban hành gói kích cầu chung phát triển kinh tế, gia hạn các gói vay thương mại để các doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và trả nợ.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh thẳng thắn bày tỏ quan điểm, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã thất bại từ lâu và bao nhiêu năm nay, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp FDI.

"Họ sản xuất được bao nhiêu hay chỉ nhập nguyên liệu về lắp ráp, có nơi nhập sẵn về bán lấy tiền ngay? Đó không phải là nhà sản xuất mà là nhà thương mại, buôn qua bán lại để kiếm lời, không tạo ra cơ sở vật chất để tự làm được chiếc ô tô hoàn chỉnh.

Đại diện cho doanh nghiệp ô tô thì đương nhiên hiệp hội phải bảo vệ quyền lợi cho thành viên của họ, vốn chủ yếu gồm các doanh nghiệp FDI. Nhưng tiền Nhà nước không phải là vô tận, chỉ nên hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra cơ sở vật chất mà thôi", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nhận xét.

Ông cũng nhắc lại quan điểm ngành công nghiệp nặng, trong đó có công nghiệp ô tô, phải biết tự lực cánh sinh để khi gặp những tình huống như bị ép hay bất khả kháng như hiện nay thì có thể tự làm.

Còn doanh nghiệp ô tô ở Việt Nam mua linh kiện, thiết bị của các nước, đó có thể đều là những thứ tiên tiến nhất, mang về lắp ráp rồi dán mác Việt Nam, có được một chiếc ô tô không thua một ai nhưng khi gặp tình huống như hiện nay thì chịu chết.

"Nếu chỉ thấy cái lợi trước mắt, thích ăn xổi, đi mua cho khỏe, để khỏi đầu tư cơ bản, khỏi phải đào tạo... thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mãi không lớn lên được.

Bây giờ, khi dịch bệnh lây lan phức tạp, nếu Nhà nước hỗ trợ người lao động bằng tiền thuế người dân đóng góp thì nên làm và đáng khen ngợi, còn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu lấy lợi cho họ, họ ngưng sản xuất, hỗ trợ họ thì cuối cùng chúng ta còn gì? Cân nhắc hỗ trợ ai, hỗ trợ đến đâu là vì thế", vị chuyên gia tiếp tục chia sẻ.

Thành Luân

 

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga