Nhắc tới dịch giả Thúy Toàn, có lẽ ít ai trong giới dịch thuật nước nhà và những người yêu mến văn học Nga Xô viết và văn học Nga đương đại (gọi tắt là văn học Nga) không thể không nhắc đến những tác phẩm dịch nổi tiếng của ông như: Tôi yêu em, Gửi K của Puskin, LevTolstoi để đưa vào Việt Nam.

Đã nhiều thập kỷ trôi qua, kể từ lúc được tiếp cận với nền văn học Nga, ông đã để lại nhiều dấu ấn và tình cảm đặc biệt cho nền văn học Nga.

Để rồi như cái duyên “định mệnh” đã gắn cuộc đời ông với nền văn học Nga và được xem là người “bắc cầu” nối nền văn học Nga đến với bạn đọc Việt Nam. Ông say mê nghiên cứu, dịch thuật và đến nay đã cho ra mắt bạn đọc hơn 10 tập thơ dịch cùng nhiều tập văn xuôi, tiểu thuyết nước Nga có giá trị.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 93 năm Cách mạng tháng Mười Nga (ngày 7-11-1917 đến 7-11-2010), dịch giả Hoàng Thúy Toàn đã vinh dự là một trong số 12 người trực tiếp được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trao tặng Huân chương Hữu nghị, Huân chương cao quý của nước Nga tại Điện Kremli.

426 Content 3912 Anh
Dịch giả Thúy Toàn được đánh giá là người góp công tiên phong chuyển ngữ thơ Nga sang tiếng Việt, có nhiều đóng góp to lớn trong hoạt động văn học dịch nhiều năm qua. ẢNH TƯ LIỆU

Sau khi hòa bình lập lại (năm 1954), có thể nói văn học Nga Xô viết được định hướng là một trong những nền văn học chủ đạo mà chúng ta cần chú trọng tiếp thu. Khi đó, các Nhà xuất bản (NXB) như: Hội nhà văn, Văn hóa (thuộc Viện Văn học), Thanh niên, Lao động, Phụ nữ, Kim Đồng… tập trung vào xuất bản các tác phẩm cổ điển của Liên Xô và Trung Quốc.

Trong kế hoạch xuất bản của NXB Văn hóa (năm 1957), có trên 200 đầu sách nước ngoài thì có 1/10 (tức 20 đầu) là sách văn học Nga cổ điển.

Thời kỳ đó, có một đội ngũ đông đảo những nhà văn vừa viết văn, vừa tham gia dịch thuật như: Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyễn Thành Long, Huy Phương, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ… và đã có những nhà văn biết tiếng Nga như Hoàng Xuân Nhị đã tích cực đưa nền văn học Nga vào và phát triển nó ở Việt Nam- đây là lớp dịch giả đầu tiên.

Trong số nhà văn – dịch giả lớp đầu tiên ấy, người được coi là có công “khai phá” và đưa văn học Nga phát triển ở Việt Nam, trước hết phải kể đến các nhà văn: Vũ Ngọc Phan, Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Trung Thông, Tố Hữu… những “người thầy” đã thổi một luồng sinh khí mới bắt đầu truyền bá văn học Nga cho bạn đọc Việt Nam.

Ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã giới thiệu các tác giả nổi tiếng như: LevTolstoi với Anna-Kha lệ ninh, rồi trong kháng chiến chống Mỹ là nhiều truyện ngắn của Boris Polevoi. Lớp nhà văn – dịch giả trên thông qua tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc đã giới thiệu những tác phẩm nổi tiếng của các tác gia lớn của nền văn học Nga như: Maiakovsky, Gorki, Tolstoi, Chekhov…

Đặc biệt, bài thơ Đợi anh về của K. Ximonov do Tố Hữu dịch năm 1949 vẫn còn nguyên giá trị đến bây giờ. Tiếp theo là lớp dịch giả đầu tiên được đào tạo tiếng Nga một cách bài bản bước vào làng dịch như: Nguyễn Mạnh Cầm, một trong 50 người được đào tạo khóa tiếng Nga (1950-1951) tại Bắc Kinh đã dịch tác phẩm Số phận con người của M. Sholokhov. Những anh Trần Khuyến, Cầm Tiêu… là những người được đào tạo tiếng Nga khóa (1954-1956) ở Matxcơva bắt tay vào dịch thành công bộ tiểu thuyết Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường ĐH của tôi của M. Gorki.

Cùng lớp với các anh ấy, Thúy Toàn bắt đầu dịch thơ Nga, năm 1959 khi đang học ĐH Sư phạm ở Nga, ông dịch xong tập thơ trữ tình của Puskin gửi về NXB Văn hóa trong nước để xuất bản. Ngoài ra, những bản dịch của thế hệ các dịch giả đầu tiên cho đến nay vẫn được bạn đọc mến mộ như tác phẩm: Chiến tranh và hòa bình, Những linh hồn chết, Một anh hùng thời đại…

Từ đó đến nay, hơn nửa thế kỷ ông gắn bó với nền văn học Nga và truyền bá văn học Nga vào Việt Nam. Ông trân trọng và nâng niu những tác phẩm mà mình đã được tiếp cận rồi bắt tay vào dịch thuật, coi công việc dịch thuật văn học Nga là một nghề mà ông đã gắn bó và theo đuổi từ bấy giờ.

Ông tâm sự: “Tôi chỉ là một trong những người có cái “may mắn” do lúc bấy giờ (vào những năm 1950-1960) còn ít người đi sâu nghiên cứu và dịch mảng thơ Nga. Mặt khác, do yêu mến và say mê văn học Nga từ hồi còn nhỏ, sau đó lại được đào tạo ở Liên Xô (cũ) nên tôi đã có điều kiện để tiếp thu nền văn học Nga vô cùng đồ sộ.

Cho đến năm 1962, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười Nga, lần đầu tiên tôi được đứng tên trong sách, được tham gia tuyển chọn, dịch nghĩa cho nhiều nhà thơ và tham gia dịch một số bài trong tập thơ Liên Xô”.

Đến năm 1966, bản dịch thơ trữ tình của Puskin do ông gửi từ Matxcơva về NXB Văn hóa vào năm 1960 mới được thực hiện, trong đó: Tôi yêu em, Gửi K được nhiều người yêu mến – nhất là các bạn trẻ, trong giới học sinh – sinh viên lúc bấy giờ, nhiều người đã thuộc lòng những bài thơ trên và không ít người đã dành thời gian để chép tặng người yêu…

Ông kể: Tuổi trẻ tôi đã được “gặp” một thiên tài qua thơ và “nói hộ” tất cả những tình cảm trẻ trung, sôi nổi, cháy bỏng của một người thanh niên mới lớn – đang chập chững bước vào đời. Nhờ vậy, tôi đã tìm thấy trong thơ Puskin tình yêu quê hương, đất nước, những điều mà ông ao ước, khát khao…

Cái “may” của ông là gặp được những điều như thế! Chính vì vậy, ông đã mê, hiểu thơ Puskin đến từng câu – từng chữ. Khi dịch, ông có một quan niệm rõ ràng: Dịch là đem cái đẹp cho người khác đọc.

Bất luận đó là một bài thơ ngắn, một mẩu chuyện của trẻ em hay là những tập thơ – tập trường ca – một vở kịch lớn, ông không bao giờ phân biệt. Miễn là ông thấy hay, thấy có ích là ông bắt tay vào dịch. Lúc dịch ông cứ dịch chứ không nghĩ đến để in trên báo hay in thành tuyển tập của riêng cá nhân.

Kể từ bài thơ đầu tiên ông dịch và in trên tờ báo Văn nghệ (từ năm 1957), cho đến nay, ông đã theo đuổi và dành trọn tình cảm của mình cho công việc dịch thuật văn học Nga và quảng bá tại Việt Nam…

Bản Sa / Theo Pháp luật & Xã hội

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga