Hành vi sai phạm của các bị can xảy ra trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa ra thông báo về việc khởi tố vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao; khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với 4 bị can.

1 Khoi To Cuc Truong Pho Cuc Truong Cuc Lanh Su Ve Toi Nhan Hoi Lo

Ngày 27/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra ộ Công an khởi tố vụ án “Nhận hối lộ” để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa Công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao; ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam cùng về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự và Lệnh khám xét đối với:

1. Họ tên: Nguyễn Thị Hương Lan, sinh năm 1974, tại Hà Nội; nghề nghiệp: Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao;

2. Họ tên: Đỗ Hoàng Tùng, sinh năm 1980, tại Hà Nội; nghề nghiệp: Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao;

3. Họ tên: Lê Tuấn Anh, sinh năm 1982, tại Hưng Yên; nghề nghiệp: Chánh Văn phòng, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao;

4. Họ tên: Lưu Tuấn Dũng, sinh năm 1987 tại Hà Nội; nghề nghiệp: Phó phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 4 bị can theo lý lịch và tội danh đã viện dẫn nêu trên.

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý nghiêm trước pháp luật. Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an thông báo để các cá nhân, đơn vị có liên quan biết, chủ động liên hệ làm việc.

Ngày 28-1, trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.

Các bị can bị điều tra về tội nhận hối lộ.

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan an ninh điều tra đã tống đạt các quyết định và lệnh nêu trên, đồng thời thực hiện khám xét nơi làm việc của các bị can.

Trung tướng Xô cho biết cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của các bị can.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao cung cấp, đầu tháng 12-2021, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các cơ quan chức năng trong và ngoài nước đã tổ chức hơn 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.

Tuy nhiên thời gian vừa rồi có nhiều ý kiến phàn nàn giá vé các chuyến bay nhân đạo đưa công dân về nước cao so với bình thường. Trả lời về việc này, các hãng bay khẳng định không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, giá vé cao là do phát sinh nhiều chi phí khác.

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ngày 20-1, báo chí cũng đặt câu hỏi việc công dân về nước theo các chuyến bay giải cứu phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn và nghi vấn có trục lợi từ các chuyến bay giải cứu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo công dân không liên hệ với những cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào.

“Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.

Nguồn: Baochinhphu

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga