Tuần báo Pháp Express có một bài phỏng vấn phó giáo sư sử học đại học Sorbonne Françoise Thom. Bà nói về việc dường như tổng thống Putin ngày càng táo bạo trong hồ sơ thôn tính Ukraina

1 Vladimir Putin Dang Co Toan Tinh Gi Ve Ukraina

Trong một văn bản được công bố vào tháng 7, Vladimir Putin tuyên bố chứng thực "sự hợp nhất về lịch sử của người Nga và người Ukraina". Đây có phải là sự thật không ?

Muscovy - khu vực lịch sử của Nga - là một mảnh vỡ của một tổng thể lâu đời hơn, đó là Công quốc Kiev, được gọi là Rus. Nhà nước Kiev Rus’ (ngày nay là Ukraina và Belarus) xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ 9 và chuyển sang Cơ đốc giáo vào năm 988. Vào thời kỳ đỉnh cao, vào thế kỷ 11, Kiev Rus’ là một phần của hệ thống chính trị của châu Âu, mặc dù chưa giờ thuộc Đế chế La Mã. Năm 1240 Batu, cháu trai của Thành Cát Tư Hãn, chinh phục Kiev và thành lập Hãn Quốc Kim Trướng, khu vực châu Âu thuộc Đế chế Mông Cổ.

Nó trải dài từ dãy núi Ural và biển Caspi đến cửa sông Danube. Đã có hai Nhà nước nổi lên sau khi Hãn Quốc Kim Trướng tan rã vào năm 1430.

Nhà nước đầu tiên là Rus phương Tây - Nhà nước Kiev trước đây - đã bị chinh phục bởi người Litva vào thế kỷ 13-14. Năm 1386, Litva thống nhất với Ba Lan bằng một thỏa thuận lập triều đại và chuyển sang Công giáo. Thứ hai là công quốc Matxcơva ở phía đông bắc, đã lên nắm quyền vào cuối thế kỷ 15, dựa vào người Tatar. Vào thế kỷ 17, công quốc này đã kéo Ukraina ra khỏi quỹ đạo Ba Lan-Litva.

Nếu chúng ta đặt bản thân ở góc nhìn lịch sử giống Vladimir Putin, thì đáng ra Ukraina phải yêu cầu Nga quay về với "đất mẹ" Kiev Rus’. Ngược lại, Putin tin rằng Ukraina không phải là một quốc gia, mà là một dự án nhân tạo được nuôi dưỡng bởi kẻ thù của Nga là Ba Lan, Áo, Hungary và bây giờ là NATO.

Tổng thống Putin muốn gì ở Ukraina ?

Putin muốn đảm nhận vai trò “người hợp nhất những vùng đất Nga” để đi vào lịch sử. Có thể khẳng định rằng, tổng thống Putin tin vào những tuyên truyền của bản thân và không nhận ra rằng, chính sách của ông đã khiến Ukraina trở nên "chống Nga", như ông nói. Điều quan trọng đối với ông là thành lập một chính phủ ở Kiev mà ông ta kiểm soát và tạo ra một Nhà nước mới bao gồm Nga ở vị trí thống trị, còn Belarus và Ukraina sẽ là những tỉnh "có chủ quyền hạn chế", giống như dưới thời Brezhnev.

Tổng thống Putin có thực sự sợ NATO mở rộng ?

Tuyên truyền của điện Kremlin muốn chúng ta tin rằng NATO sẽ là "mối đe dọa" đối với Nga – một NATO đã im lìm cho đến năm 2014 và chỉ thức dậy sau khi Nga sáp nhập Crimea. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Nga coi NATO như hổ giấy, phương Tây là kẻ yếu và họ cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để đẩy lùi phương Tây ở khắp nơi trên thế giới.

2 Vladimir Putin Dang Co Toan Tinh Gi Ve Ukraina

Điều Nga thực sự lo ngại là sự lây lan của tự do. Họ cảm thấy rằng bất cứ điều gì họ không kiểm soát được có thể gây bất lợi cho họ và muốn các quốc gia láng giềng được cai trị bởi những kẻ đê tiện tham nhũng bị người dân khinh bỉ, vì những người này có thể kiểm soát được.

Tối hậu thư được đưa ra vào ngày 17 tháng 12 với phương Tây nhằm mục đích “rút ruột” NATO sao cho các quốc gia ở Trung và Đông Âu, do không có lá chắn của NATO, sẽ dễ bị Nga bắt chẹt và như vậy, sẽ phải thích nghi chấp nhận Matxcơva.

Chúng ta có cảm giác dường như tổng thống Putin càng ngày càng táo bạo ?

Nếu chúng ta quan sát những hành động của ông ta trong hai mươi năm qua, chúng ta có thể thấy rằng ông ta đang có xu hướng ngày càng chấp nhận nhiều rủi ro hơn, thậm chí tới mức gợi ý một cuộc tấn công hạt nhân năm 2018.

Có nhiều yếu tố có thể giải thích sự leo thang này : thành công của ông ta trong việc diệt trừ mọi phe đối lập ở Nga, sự gia tăng khinh miệt đối với các nhà lãnh đạo phương Tây mà ông ta cho là họ yếu kém, sự cô lập ngày càng gia tăng của ông bên trong một nhóm nhỏ các cựu nhân viên KGB, những người có cái nhìn theo thuyết âm mưu và hoang tưởng về thế giới giống như ông.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng mỗi lần tổng thống Putin gặp phải sự phản kháng quyết liệt, ông ta thường lùi bước.

Điển hình là với trường hợp của Recep Tayyip Erdogan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, người đã cho Nga ăn quả đắng, nhưng ông Putin không có biện pháp nào mạnh hơn ngoài việc tẩy chay cà chua Thổ hoặc hạn chế luồng khách du lịch.

Putin muốn kiểm soát các "quốc gia bằng hữu" như Belarus hay Kazakhstan bằng cách hỗ trợ họ, làm người ta nhớ lại kiểu gây sức ép của Liên Xô đối với các nước “vệ tinh” trước đây ?

Sự can thiệp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC) tại Kazakhstan cho thấy vai trò thực sự được giao cho tổ chức này theo tinh thần của các nhà lãnh đạo điện Kremlin. Vấn đề không phải là bảo đảm an ninh của các nước thành viên, mà là của các chế độ độc tài thời hậu Xô Viết. Không có sự can thiệp từ bên ngoài vào Kazakhstan, do đó, về nguyên tắc, tổ chức này không cần phải can thiệp.

Trên thực tế, OTSC đóng vai trò của một lực lượng cảnh sát bảo đảm cho các nhà độc tài nắm quyền bền vững lâu dài và không phải hứng chịu trừng phạt nào. Đổi lại, Matxcơva buộc họ phải có khuynh hướng thân Nga, cấp cho các nhà tài phiệt đầu sỏ thân cận với Kremlin những lĩnh vực mầu mỡ nhất của nền kinh tế và trục xuất các tổ chức phi chính phủ phương Tây. Chúng ta nhận thấy kịch bản tương tự ở châu Phi, nơi điện Kremlin, cùng với những lực lượng đánh thuê, tìm cách bảo vệ những kẻ độc tài mà ngai vàng đang bị lung lay.

Mối quan hệ của Nga với Trung Quốc sẽ tăng cường ?

Mối quan hệ Nga - Trung đã bị hai ông « trùm sò» khai thác như công cụ để gây sức ép với phương Tây. Trên thực tế, nỗi ám ảnh chống phương Tây của Putin khiến ông chấp nhận mối quan hệ chư hầu với Trung Quốc. Nga bán dầu thô cho Trung Quốc với giá thấp, thấp hơn rất nhiều so với giá bán cho châu Âu. Putin càng bất hòa với phương Tây, thì ông ta càng phụ thuộc vào Trung Quốc.

Khác với châu Âu, Trung Quốc sẽ không dễ dàng để cho Putin « tung hoành » tại Trung Á cũng như ở các nơi khác. Trung Quốc là nước hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách đối ngoại điên rồ của Putin.

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga