Sau nhiều tuần cảnh báo, phương Tây ngày 22/2 áp những lệnh trừng phạt đầu tiên với Nga, nhưng hiện tại, tác động của các biện pháp này còn hạn chế.

Nhắm mục tiêu vào ngành tài chính Nga, các biện pháp trừng phạt "phù hợp với chiến lược áp dụng các biện pháp từ từ nhằm không gây ảnh hưởng tới lĩnh vực năng lượng", Olivier Dorgans, luật sư chuyên về các biện pháp trừng phạt kinh tế tại công ty luật toàn cầu Ashurst, nhận xét.

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã nhắm vào lĩnh vực tài chính Nga trong loạt trừng phạt đầu tiên của mình.

1 Trung Phat Cua Phuong Tay Co Lam Kho Putin

Người biểu tình ủng hộ các lệnh trừng phạt chống lại Nga đứng bên ngoài Bộ Ngoại giao Ukraine ở Kiev ngày 21/2. Ảnh: AFP.

Anh hôm qua tuyên bố trừng phạt 5 ngân hàng Nga, trong đó có ngân hàng Rossiya và ngân hàng quân đội Promsvyazbank (PSB). EU sắp công bố danh sách các tổ chức Nga bị đóng băng tài sản.

Mỹ trong khi đó tuyên bố các biện pháp trừng phạt trong đợt đầu tiên sẽ áp dụng lên ngân hàng Vnesheconombank (VEB) và Promsvyazbank, ngân hàng thường thực hiện các giao dịch quốc phòng. Mỹ cũng áp trừng phạt lên nợ chính phủ của Nga, đồng nghĩa chính phủ Nga không thể tiếp cận nguồn tài chính phương Tây.

Song theo Dorgans, rất nhiều nguồn vốn của Nga đã được hồi hương như một biện pháp phòng ngừa các lệnh trừng phạt. Việc đóng băng tài sản của một số cá nhân và nhà tài phiệt cũng sẽ chỉ có tác động không đáng kể đến nền kinh tế Nga.

Dù vậy, các cường quốc phương Tây vẫn đặt hy vọng vào việc bỏ đói hệ thống tài chính Nga, ngăn họ tiếp cận thị trường vốn để huy động tiền hoặc tái cấp vốn cho các khoản nợ của mình. Động thái trên được cho là sẽ gây áp lực lên giá trị đồng rouble, qua đó làm giảm sức mua hàng hóa nhập khẩu của người Nga.

Các ngân hàng phương Tây lâu nay tiếp xúc hạn chế với những tổ chức tài chính Nga, theo một quan chức cấp cao Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tuy nhiên, một số ngân hàng phương Tây vẫn có hoạt động tại Nga, như UniCredit của Italy, Raiffeisen của Áo hay Societe Generale của Pháp thông qua chi nhánh Rosbank.

Dù có vẻ mạnh tay, Washington vẫn kiềm chế sử dụng các biện pháp trừng phạt có khả năng gây tổn hại khác, như loại trừ Nga khỏi SWIFT, hệ thống giao dịch ngân hàng quốc tế, sẽ khiến hầu hết các giao dịch tài chính với nước này không thực hiện được. Mỹ cũng không áp đặt những biện pháp kiểm soát xuất khẩu có thể khiến các công ty Nga không thể tiếp cận với phần mềm máy tính cùng những thiết bị công nghệ cao quan trọng khác.

Và ngoài động thái chủ yếu mang tính biểu tượng là đường ống khí đốt Nord Stream 2 với Nga, vốn vẫn chưa đi vào hoạt động, phương Tây đến nay vẫn cẩn trọng khi nhắm tới lĩnh vực năng lượng.

"Các biện pháp trừng phạt vẫn chưa thực sự gây đau đớn, nó là một bước đi có tính toán chặt chẽ nhằm bảo vệ cả các lợi ích kinh tế của châu Âu", Dorgans đánh giá.

Andrew Lohsen, chuyên gia về Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định các bước đi mới nhất này dường như không tương xứng với những gì Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đe dọa giáng lên Nga. Chúng khó có thể khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin "chùn bước".

Các biện pháp trừng phạt hiện nay "không thể khiến Nga thay đổi hướng đi", Lohsen bình luận.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết họ đang cân nhắc những biện pháp trừng phạt khác.

Trừng phạt lĩnh vực năng lượng Nga sẽ mang đến rủi ro nhất định với EU vì EU nhập khẩu 40% khí đốt từ Nga. Điều này tạo ra đòn bẩy lợi thế cho Moskva. Châu Âu có thể tồn tại mà không cần nhập khẩu năng lượng từ Nga trong vài tháng tới, nhưng về lâu dài, nó tiềm ẩn nguy cơ gây gián đoạn kinh tế nghiêm trọng.

Hiện tại, những quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn như Mỹ và Qatar khó có khả năng tăng mạnh các chuyến hàng đến châu Âu. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng Ukraine thực tế đã gây xáo trộn đối với giá cả hàng hóa.

"Nga đóng một vai trò quan trọng trong thị trường hàng hóa toàn cầu, chiếm khoảng 10% thị trường dầu thế giới", Fitch Ratings cho biết trong một lưu ý gần đây

Giá dầu thô gần chạm mốc 100 USD / thùng ngày 22/2, mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2014, và giá khí đốt tự nhiên cũng tăng.

Nga cũng là nhà xuất khẩu lớn palladium, niken và nhôm. Những kim loại này cũng đang trên đà tăng giá kỷ lục.

Bên cạnh đó, Nga còn là nhà xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu thế giới, và cùng với Ukraine, họ chiếm 1/4 tổng lượng xuất khẩu ngũ cốc thiết yếu toàn cầu.

Xu hướng tăng giá những mặt hàng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, đánh vào sức mua của họ trong bối cảnh lạm phát đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.

Việc Nga công nhận các khu vực ly khai của Ukraine sẽ làm gia tăng bất ổn kinh tế châu Âu, giới chuyên gia đánh giá.

Theo Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Capital Economics, trụ sở ở London, Anh, thiệt hại phần lớn sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột vũ trang, nhưng trong hầu hết các trường hợp, tác động kinh tế đối với những quốc gia ngoài Nga và Ukraine có thể hạn chế.

Trong EU, Đức là quốc gia có quan hệ kinh tế mạnh nhất với Nga, nhưng chỉ 2% kim ngạch xuất khẩu của nước này có đích đến là Nga.

Shearing lưu ý tình hình kinh tế Ukraine hiện "cực kỳ mong manh", đồng thời cảnh báo Kiev nhiều khả năng sẽ cần thêm hỗ trợ tài chính từ bên ngoài trong những tháng tới.

Vũ Hoàng (Theo AFP)

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga