Shoigu đã có cái gì đó trong tay để đáp trả các tráng sỹ Thổ trong cuộc đua máy bay không người lái.

Xin được tiếp tục chủ đề máy bay không người lái, cụ thể hơn là về các máy bay không người lái Nga- Thổ qua bài viết với tiêu đề và phụ đề trên của chuyên gia quân sự Nga Vladimir Tuchkov. Bài đăng trên Svobodnaai Pressa” và một số báo Nga khác ngày 2/4/2021 mới đây.

132 1 Orion Nga Khoa Chet Bayraktar Tho Nhi Ky

Máy bay không người lái “Orion” Nga (Ảnh: Nickel nitride / wikimedia.org)

Tại trường bắn “Morskoy” trên bán đảo Crimea vừa mới xảy ra một sự kiện giật gân khiến trang tin mạng Thổ Nhĩ Kỳ Haber7 đã phải có phản ứng ngay lập tức.

Sự kiện đó là: máy bay không người lái (UAV) hạng trung “Orion” của Nga đã bắn trúng máy bay huấn luyện - chiến đấu Aero L-39 Albatros do Tiệp Khắc sản xuất trong những năm 70 nhưng đã loại biên (để làm mục tiêu).

Nếu như chiếc Albatross nói trên bị bắn hạ khi đang bay, thì tin đó chắc chắn phải là tin nóng nhất và được đăng trên trang nhất của tất cả các báo rồi. Bởi vì UAV trinh sát- tấn công Nga "Orion" mới chỉ có khả năng tiến hành các đòn tấn công vào những mục tiêu mặt đất.

Và tại Crimea, UAV Nga nói trên đã phá hủy một chiếc máy bay đang đỗ trên mặt đất. Trong cơ số vũ khí của UAV “Orion” Nga không có các loại đạn (tên lửa) lớp “không đối không”.

Tính giật gân của thông tin trên, theo quan điểm của người Thổ Nhĩ Kỳ, nằm ở chỗ loại đạn mới (bom) mà UAV “Orion” Nga đã sử dụng để phá hủy Albatross chính là bản sao của bom bay MAM-L do công ty ROKETSAN Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế- chế tạo.

Bom MAM-L này nặng 22 kg, đầu tác chiến có khối lượng 10 kg. Có thể bay xa tới 8 km, tùy thuộc vào tốc độ phương tiện mang và độ cao khi cắt bom.

Các phóng viên Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ đã nhận thấy rõ điều này trên một đoạn phóng sự truyền hình được quay cho kênh truyền hình Nga Russia-24.

Họ càng thêm tin vào giả thuyết của mình vì người Nga đã không cung cấp bất cứ thông tin chi tiết nào về loại đạn mà Nga đã sử dụng trong những cuộc thử nghiệm ở Crimea nói trên. Chỉ cung cấp mỗi một thông tin là loại đạn này có đầu tác chiến nổ phân mảnh.

Tuy nhiên, hoàn toàn không thể hiểu nổi tại sao quả bom trên lại không thể là kiểu bom hàng không có điều khiển KAB-20 do Nga sản xuất với những tính năng tương tự như “quả bom của người Thổ "?

Kiểu bom KAB-20 này được thiết kế- chế tạo tại Tập đoàn “Vũ khí tên lửa chiến thuật” (KRET- viết tắt tiếng Nga) và đã có trong cơ số vũ khí của “Orion” kể từ năm 2018 tới nay. Bom Nga cũng có hệ thống dẫn đường như “người Thổ” – dẫn đường vệ tinh, bật đầu tự dẫn laser khi tiếp cận mục tiêu.

Cách đây không lâu, vào tháng 1/2021, “Orion” đã tiến hành các đòn không kích chính xác nhằm vào trận địa của lực lượng chiến binh thân Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria bằng những quả bom này và các loại đạn khác trong cơ số đạn của nó.

Các cuộc không kích được thực hiện vào ban đêm nhằm vào các xe bồn chở nhiên liệu- hàng buôn lậu từ vùng Tarhin Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Những quả bom trên đã ném trúng mục tiêu với độ chính xác cực cao nên không gây thương vong nào cho dân thường. Kết qủa là- nạn cướp bóc dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ tại Syria đã được đặt dấu chấm hết.

Và còn bây giờ, các “Orion” Nga sau khi đi “công tác Syria” về, lại bắt đầu quá trình luyện tập tại trường bắn trên bán đảo Crimea.

Việc báo Thổ Nhĩ Kỳ giật tít gây chú ý về “bản sao” Nga của bom hàng không Thổ Nhĩ Kỳ" – đó là chuyện rất dễ hiểu.

Đây chắc chắn là một phần của chương trình quảng cáo rầm rộ tung hô chiếc máy bay không người lái “Bayraktar” của Thổ Nhĩ Kỳ- để thổi nó lên thành một con voi biết bay.

Và để khẳng định rằng rằng đã có ai đó đang ăn cắp một cái gì đó của Thổ Nhĩ Kỳ, đang sao chép một cái gì đó của Thổ Nhĩ Kỳ để làm cho các UAV của mình có được những tính năng kỹ- chiến thuật tương tự như các tính năng tương tự của UAV Thổ.

Cần phải thừa nhận rằng, chuyện “bơm vá” này cũng là bình thường, nếu như không muốn nói là tầm thường.

132 2 Orion Nga Khoa Chet Bayraktar Tho Nhi Ky

Máy bay không người lái “Bayraktar” Thổ Nhĩ Kỳ

Và đây, chúng ta sẽ lấy các ví dụ cụ thể để chứng minh rằng nếu xét về mảng trang bị vũ khí, “Bayraktar” Thổ cần phải cắp sách theo học “Orion” Nga, chứ hoàn toàn không phải là ngược lại.

Cơ số vũ khí của “Orion” như sau:

• KAB-20 - bom hàng không có hiệu chỉnh (điều khiển) đầu đạn nổ phân mảnh, dẫn đường bằng vệ tinh hoặc laser. Trọng lượng - 21 kg, trọng lượng đầu tác chiến- 9 kg;

• UPAB-50 - bom bay có điều khiển mang đầu tác chiến của tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MLRS) "Grad". Trọng lượng - 50 kg, trọng lượng đầu đạn - 37 kg;

• KAB-50 - bom hàng không có hiệu chỉnh mang đầu đạn MLRS "Grad". Dẫn dường : vệ tinh / laser / truyền hình / hình ảnh nhiệt. Trọng lượng - 46 kg, trọng lượng đầu đạn - 37 kg;

• FAB-50 - bom hàng không rơi tự do. Trọng lượng - 50 kg, trọng lượng đầu đạn – không có số liệu:

• Kh-50 - tên lửa dẫn đường có điều khiển mang đầu tác chiến bộc phá- nổ mảnh có khả năng xuyên phá cao. Dẫn dường: quán tính / vệ tinh / các đầu tự dẫn khác nhau. Trọng lượng - 50 kg, trọng lượng đầu tác chiến - 10 - 20 kg (tùy thuộc vào kiều đầu tự dẫn).

Đạn nặng 20 kg được thiết kế để tiêu diệt sinh lực và phá hủy phương tiện kỹ thuật bọc thép hạng nhẹ, còn loại đạn 50 kg, ngoài những khả năng đó, còn có khả năng phá hủy cả các phương tiện bọc thép khác, kể cả xe tăng.

Và nếu như người Thổ muốn tìm một mối quan hệ nào đấy trong thiết kế giữa chiếc máy bay không người lái Nga với một máy bay không người lái khác nào đó của nước ngoài, thì họ không nên tìm kiếm trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, mà nên tìm ở Mỹ.

Vì về mặt ý tưởng thiết kế, “Orion” Nga có nhiều nét tương đồng với “đối tác” Mỹ của mình là MQ-1 “Predator”.

Tất nhiên, UAV của Nga không phải là bản sao của UAV Mỹ; nó có rất nhiều điểm riêng, mang tính chất nguyên bản độc đáo. Nhưng phần thân của hai UAV Nga- Mỹ nói trên rất giống nhau, vâng, và các tính năng kỹ- chiến thuật nữa- cũng có nhiều nét chung.

132 3 Orion Nga Khoa Chet Bayraktar Tho Nhi Ky

Máy bay không người lái MQ-1 “Predator” Mỹ

"Orion" thuộc lớp máy bay không người lái trinh sát- tấn công tầm trung, có thời gian bay trên không khá dài, đến 24 giờ. Trọng lượng cất cánh của nó- đúng một tấn. Độ cao bay tối đa- 7.500 m, cự ly cách trạm điều khiển mặt đất tối đa là 250 km, nếu sử dụng UAV truyền phát – thì tới 300 km.

Công tác thiết kế “Orion” trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu – thiết kế mang tên "Inokhodets" đã được một công ty tại St.Petersburg là "Kronshtadt" triển khai thực hiện từ năm 2011.

Vì mối quan hệ với Hoa Kỳ vào thời kỳ đó chưa bị đổ vỡ , nên những mẫu đầu tiên được trang bị động cơ piston Rotax 914 công suất 115 mã lực của Mỹ- Rotax 914 cũng chính là động cơ lắp cho UAV “Predator” Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Nga buộc phải triển khai thực hiện chính sách thay thế hàng nhập khẩu (vì bị cấm vận) . Công ty “Agat” và Viện Chế tạo Động cơ Máy bay Trung ương Nga đã chế tạo được một động cơ tương tự như động cơ Rotax 914 Mỹ - đó là động cơ APD-110/120 công suất 120 sức ngựa.

Ở phần đuôi UAV có một cánh quạt đẩy hai cánh đường kính 1,9 m, UAV cất và hạ cánh theo kiểu máy bay. Bộ phận hạ cánh ở phần mũi UAV có thể thu vào. Ngoài ra, còn có một chiếc nạng đuôi có thể thu vào ở phía sau có chức năng bảo vệ cánh quạt khi UAV hạ cánh.

Để dẫn đường và phát hiện mục tiêu, có cả hệ thống định vị quang học làm việc trên cả quang phổ nhìn thấy và hồng ngoại, và cả radar. Ngoài ra, những tổ hợp này có thể được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ trinh sát. Thành phần của trang thiết bị có thể thay đổi, tùy thuộc vào từng nhiệm vụ cụ thể của UAV.

Vào mùa hè năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga đã tiếp nhận và đưa “Orion” vào trang bị, đồng thời ký thêm một hợp đồng với “Kronstadt” để mua những chiếc UAV này. Nói cho chính xác thì số lượng UAV cần mua và giá trị hợp đồng không được tiết lộ.

Dĩ nhiên, “Orion”- chắc chắn đó là một UAV tốt và hiệu quả. Cùng “một hạng cân” với "Bayraktar" Thổ Nhĩ Kỳ. "Bayraktar" thậm chí còn “mỏng” hơn “Orion” một chút.

Chính vì vậy, vào thời điểm hiện tại, khi người Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu “bơm thổi” cho chiếc UAV của mình, chắc chắn cũng cần phải có vài lời đề cập đến “Orion”, kiểu như đưa ra các tuyên bố rằng đây là hai kiểu máy bay không người lái tốt nhất trên thế giới.

Nhưng sự thật của cuộc sống lại nằm chính ở chỗ hai chiếc UAV này chậm hơn khoảng 15 năm so với các thiết kế của Mỹ. Tại Mỹ, UAV “Predator” đã bị loại biên và đã được thay thế bằng MQ-9 “Reaper” mới được khai thác chưa đầy 13 năm.

Chiếc UAV Mỹ này có tải trọng hữu ích vượt quá một tấn rưỡi, trần bay tới 15 km, tốc độ tối đa – tới 400 km / h. Và không chỉ có thế, rất không lâu nữa chiếc máy bay không người lái Mỹ này sẽ được trang bị các tên lửa lớp “không đối không”.

Và nói chung, ở nước Nga cũng vậy, Nga sắp đưa vào trang bị máy bay không người lái trinh sát- tấn công hạng nặng “Okhotnhik” (“Thợ săn”) , và “Thợ săn” Nga này có những ưu thế rất đáng kể trước "Reaper" Mỹ.

Trong lớp UAV (trinh sát- tấn công hạng nặng) này, người Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn không có gì để nói.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga