Trước đó, cuộc khủng hoảng tại Ukraine từng làm lộ ra "gót chân Achilles" của Nga.

1 Nga Ukraine Chien Tranh Trung Quoc Ngoi Choi Xoi Nuoc Cung Huong Loi Vi Sao The

NetEase dẫn lời giới quan sát nhận định, một cuộc xung đột công khai giữa Kiev và Moscow khó lòng xảy ra. Bất chấp những tuyên bố "quá khích" của truyền thông phương Tây, Nga sẽ không phát động tấn công Ukraine, bởi họ thấy không cần thiết phải dấn thân vào một cuộc đối đầu với các nước châu Âu.

Tuy nhiên, khả năng xảy ra xung đột, dù nhỏ, vẫn tồn tại, vì Kiev có khả năng khiêu khích chống lại Moscow với sự hậu thuẫn từ phương Tây. Trong trường hợp đó, quan hệ Nga-Trung sẽ thay đổi.

"Nếu nổ ra chiến tranh, phương Tây sẽ gây áp lực lớn lên Nga và Moscow sẽ phải tìm cách nào đó để có thể chống chọi được. Trong bối cảnh ấy, Moscow sẽ coi quan hệ Nga-Trung là một công cụ quan trọng để đột phá vòng kiềm tỏa của phương Tây" – Các tác giả của bài viết trên Net Ease nêu quan điểm.

Trang này tin rằng Trung Quốc sẽ không can thiệp trong trường hợp xảy ra đụng độ giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, nếu kịch bản như vậy xảy ra thì Bắc Kinh có thể trở thành trung gian hòa giải trong cuộc đối thoại giữa Moscow với các nước phương Tây.

2 Nga Ukraine Chien Tranh Trung Quoc Ngoi Choi Xoi Nuoc Cung Huong Loi Vi Sao The

Cuộc đối đầu giữa Nga với Ukraine (hay mở rộng ra là với phương Tây) mang lại nhiều lợi ích cho Bắc Kinh. Nguồn ảnh: Transnational Topic

Trước đó, theo Trung tâm Carnegie Moscow, sau khi đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây do sáp nhập Crimea (năm 2014), Nga đã phần nào tái định hướng nền kinh tế của mình về phía Trung Quốc.

Khi thực hiện xoay trục, họ đã tìm cách phá vỡ sự cô lập về ngoại giao, đảm bảo thị trường cho các nguồn năng lượng trong nước, đồng thời tiếp cận nhiều hơn với nguồn tín dụng và công nghệ từ Trung Quốc.

Vào thời điểm cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra năm 2014, không ai trong Điện Kremlin mong đợi một cuộc đối đầu kéo dài. Thế nhưng, ngay sau khi phương Tây đề cập đến các biện pháp trừng phạt lần đầu tiên, chính phủ Nga đã tổ chức một loạt các phiên họp để phân tích những kịch bản khác nhau có thể gây tổn hại đến nền kinh tế Nga.

Kết luận rất rõ ràng: "Gót chân Achilles" của Nga là sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường phương Tây trong lĩnh vực xuất khẩu hydrocacbon và công nghệ.

Các trường hợp từng hứng chịu sự trừng phạt của phương Tây trong lịch sử, từ Triều Tiên đến Iran, đã cho thấy rằng: Để chịu được áp lực của phương Tây, Nga cần có một đối tác mạnh mẽ bên ngoài, và ứng viên duy nhất phù hợp là Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất không có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Về phần mình, Trung Quốc không ủng hộ các hành động của Nga ở Ukraine, nhưng cũng không trực tiếp chỉ trích chúng. Họ hoan nghênh chính sách "hướng Đông" của Moscow.

Sự rạn nứt giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine được đánh giá là một điều gì đó sẽ giúp Trung Quốc nhận được thái độ dễ chịu hơn từ Nga khi họ đưa ra các yêu cầu thương mại, đồng thời đảm bảo Moscow sẽ sẵn sàng từ bỏ tham vọng hội nhập sâu rộng với phương Tây – kịch bản ác mộng đối với các chiến lược gia Trung Quốc.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine, giới lãnh đạo Nga đã có cái nhìn mới mẻ về những vấn đề đã ngăn cản sự hợp tác với Bắc Kinh trong nhiều năm. Quá trình này dẫn tới việc họ quyết định loại bỏ 3 rào cản quan trọng.

Đầu tiên, Moscow thấy rằng họ đã quá dè chừng trong việc bán vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc.

Thứ hai, Moscow đã xem xét lại sự tham gia của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên lớn.

Thứ ba, Điện Kremlin còn đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc ở Trung Á – khu vực vốn cho đến nay vẫn được xác định là có tính cạnh tranh lớn và ít cơ hội hợp tác.

Vào năm 2016, giới chuyên gia thậm chí đã nhận định rằng, nếu xu hướng này tiếp tục, Moscow có thể sẽ bị cuốn vào vòng tay của Bắc Kinh. Sự phụ thuộc phi đối xứng đang xuất hiện, với những tác động toàn cầu.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga