Viện Gamaleya phát triển vaccine COVID-19 Nga đã liên tục bị tấn công mạng nhiều tháng qua.

Việc phát triển thành công vaccine COVID-19 không chỉ là câu chuyện mang ý nghĩa sống còn của bệnh nhân mà còn là cuộc chạy đua để giành lợi thế trên đấu trường quốc tế. Do đó, việc xảy ra các cuộc đấu trí trong cộng đồng tình báo là điều dễ hiểu và khả năng các cuộc tấn công mạng cũng là không dễ tránh khỏi.

 

132 1 Nga To Nguoc Ve Tin Tac Nham Vao Vaccine Covid 19

Nga tố ngược âm mưu tấn công mạng lấy ý tưởng phát triển vaccine của Nga. Ảnh minh họa.

Mới đây ông Alexander Gintsburg, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya, nói trên kênh Rossiya-1 rằng họ đã từng hứng chịu các cuộc tấn công mạng vài tháng trước nhằm vào máy tính của các nhà phát triển vaccine Sputnik V.

"Tin tặc đã thực hiện một số vụ tấn công, nhưng tôi không phải là chuyên gia công nghệ thông tin để đánh giá một cách chuyên nghiệp về mục tiêu của chúng có liên quan đến vaccine Sputnik V hay không" - Viện trưởng Gintsburg nói.

Ông Gintsburg nói ông không có đủ dữ liệu để nhận định mục tiêu của các đợt tấn công mạng này, nhưng ông khẳng định máy tính của các chuyên gia phát triển vaccine COVID-19 ở viện đã bị đột nhập.

Ông cũng chỉ ra rằng các cuộc tấn công mạng đã được tiến hành vài tháng trước vào thời điểm vắc xin đang được phát triển.

Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya là một trong các đơn vị chịu trách nhiệm phát triển vaccine COVID-19 mang tên Sputnik V, được Nga đăng ký ngày 11/8.

Đây dường như là lần đầu các nhà phát triển vaccine COVID-19 công bố về việc họ bị tấn công mạng. Các cáo buộc tấn công mạng nhằm vào phát triển vaccine đã được công bố bởi truyền thông phương Tây, nhằm vào các tổ chức ở Nga hoặc Trung Quốc.

Hồi đầu tháng 9, tờ New York Times đánh giá rằng, cuộc chiến tình báo liên quan tới vaccine COVID-19 đang trở nên căng thẳng hơn khi Trung Quốc và Nga tăng cường nỗ lực nắm bắt thông tin về vaccine của Mỹ.

Tin tặc của tình báo Trung Quốc muốn đánh cắp dữ liệu vaccine Covid-19. Vì vậy, họ nhắm vào thứ họ tin là mục tiêu dễ dàng. Thay vì chỉ nhắm vào các công ty dược phẩm, họ đã do thám Đại học Bắc Carolina (UNC) và các trường khác đang thực hiện những nghiên cứu tiên tiến.

Họ không phải là những gián điệp duy nhất. Cục Tình báo Nước ngoài của Nga (SVR) cũng nhắm vào các mạng lưới nghiên cứu vaccine ở Mỹ, Canada và Anh. Các hoạt động này được cơ quan gián điệp Anh phát hiện đầu tiên.

Hồi tháng 7, cơ quan tình báo của Anh, Mỹ và Canada đã công bố hoạt động của Nga. Nga chủ yếu tập trung vào việc thu thập thông tin về nghiên cứu của Đại học Oxford và đối tác của họ - công ty dược phẩm AstraZeneca.

Những tin tặc Nga bị phát hiện thuộc một nhóm được gọi là Cozy Bear - nhóm các tin tặc liên kết với SVR.

Các quan chức an ninh nội địa đã cảnh báo công ty dược phẩm và đại học về những cuộc tấn công. Họ cũng giúp các tổ chức này xem lại hệ thống an ninh. Các quan chức nhận thấy tin tặc nhằm vào các lỗ hổng đã biết nhưng chưa được vá chứ không phải những lỗ hổng chưa xác định.

Chưa công ty hoặc đại học nào công bố bất kỳ vụ trộm dữ liệu nào từ những nỗ lực gián điệp đã được xác định. Theo một quan chức chính phủ Mỹ, một số nỗ lực gián điệp đã thành công trong việc xâm nhập nhập vào mạng máy tính. Giới chức tình báo cho biết tin tặc của Trung Quốc và Nga kiểm tra điểm yếu của hệ thống mỗi ngày.

Theo tờ báo, Iran cũng quyết liệt gia tăng nỗ lực thu thập thông tin về vaccine. Và Mỹ đã tăng cường khả năng phòng thủ cùng nỗ lực theo dõi hoạt động gián điệp của đối thủ.

Bất chấp các nỗ lực chạy đua phát triển vaccine cũng như cáo buộc các hoạt động đánh cắp sở hữu trí tuệ về phát triển vaccine COVID-19, cho đến nay mới có Nga công bố về vaccine đầu tiên trên thế giới chống lại nguy cơ bị virus corona tấn công. 

Hải Lâm

Nguồn: baodatviet.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga