Thịt và sản phẩm từ sữa của châu Âu sẽ không được vào Nga, ít nhất là cho đến ngày 31/12/2020.

132 1 Nga Dap Tra Eu Gia Han Lenh Trung Phat Dau Don

Nga không mua bơ sữa phương Tây, EU chịu đòn đau vì trừng phạt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24/6 ký sắc lệnh gia hạn lệnh cấm nhập khẩu nhiều loại lương thực từ phương Tây, trong đó có thịt và sản phẩm từ sữa. Lệnh cấm có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020. Đây được coi là biện pháp đáp trả phản ứng của các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thống nhất kéo dài biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga thêm 6 tháng.

Lệnh cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng lương thực từ EU, Mỹ và một số quốc gia khác được Nga áp đặt từ tháng 8/2014, nhằm đáp trả các biện pháp tương tự mà EU áp đặt lên Nga liên quan tới sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột ở miền đông Ukraine.

Các lệnh cấm vận đã tác động đến nền kinh tế Nga, khiến giá thực phẩm tăng cao nhưng cũng giúp Moscow đẩy mạnh sản xuất trong nước. Tổng thống Putin trong chương trình trả lời nhân dân "Đường dây trực tiếp" đã khẳng định, Nga đang thu được lợi ích từ áp lực kinh tế phương Tây bằng cách loại bỏ hàng nhập khẩu và thay thế chúng bằng sản phẩm nội địa, ngay cả trong những lĩnh vực mà nước này chưa có kinh nghiệm.

Ông cho biết, các lệnh cấm từ EU đã mang lại thiệt hại cho nước Nga khoảng 50 tỷ USD. Nhưng tự bản thân phương Tây cũng chịu thiệt hại từ lệnh cấm của chính nó và của đòn đáp trả từ Nga. Ngay cả các quốc gia phương Tây cũng thừa nhận thiệt hại của các lệnh trừng phạt và đáp trả trừng phạt khiến các nước trong khối EU thiệt hại lên tới hơn 200 tỷ USD.

Tổng thống Nga nói: "Những nước thực hiện cấm vận tự đánh mất thị trường nước ta. Đúng là chúng ta không thu được cho ngân sách những khoản tiền nhất định. Nhưng chúng ta cũng được hưởng lợi những gì đó. Chúng ta sản xuất thay thế nhập khẩu. Chúng ta đã bắt đầu phát triển những lĩnh vực mà trước đây chúng ta không có.

Chẳng hạn, chế tạo động cơ tàu biển. Chỉ trong mấy năm chúng ta đã tổ chức được hoạt động này. Một số ngành khác cũng có bước phát triển. Chế tạo máy vận tải, máy năng lượng chẳng hạn. Đó là chưa kể đến nông nghiệp. Hoàn cảnh thực tế đã có tác dụng động viên, tập hợp chúng ta."

Lệnh cấm của Chính phủ Nga có liên quan tới các quốc gia áp lệnh cấm nhập khẩu nông sản, nguyên liệu và thực phẩm bao gồm: Mỹ, các nước EU, Canada, Áo, Na Uy, Ukraine, Albania, Montenegro, Iceland và Liechtenstein.

Dù động thái mới nhất của Moscow chỉ cho thấy phản ứng đáp trả tương đương với việc gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga từ phương Tây nhưng nó cũng cho thấy vị thế thực sự của Nga trong bối cảnh thế giới rối ren như hiện nay.

EU đang đứng trước các áp lực thuế quan của Mỹ nhằm vào các ngành kinh tế chủ lực cho xuất khẩu như sắt, thép và ô tô. Trong khi đó, họ cũng chịu áp lực từ Mỹ lên ngành công nghệ viễn thông, không chấp thuận cho nhà thầu Trung Quốc tham gia phát triển hạ tầng mạng di động thế hệ thứ 5 (5G), bởi lo ngại các nguy cơ an ninh.

Như vậy, EU đang dần bị khép vào thế cô độc. Từ các sản phẩm nông nghiệp bị Nga đáp trả trừng phạt, đến các sản phẩm công nghiệp chịu sức ép thuế quan của Mỹ, tới lĩnh vực công nghệ cao cũng có thể bị trì hoãn tới vài năm vì sức ép từ cả Bắc Kinh và Washington .

Trong tình hình này, khi Nga đã ổn định sản xuất thay thế các lĩnh vực bị phương Tây trừng phạt thì Nga rõ ràng là đang ở cửa trên so với EU. Lúc này, thật khó để Nga xem xét tới việc ngừng áp đặt các biện pháp trừng phạt đáp trả lên EU nếu chưa thấy những tín hiệu tích cực từ Brussels.

 

Nguồn: baodatviet.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga