Nga và Iran đang thực hiện kế hoạch lâu dài là trở thành những bên tham gia cốt lõi trong một tổ chức toàn cầu của các nhà cung cấp khí đốt, tương tự mô hình OPEC dành cho các nhà xuất khẩu dầu.

1 Iran Va Nga Tinh Thanh Lap To Chuc Khi Dot Toan Cau Tuong Tu Mo Hinh Opec

 Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi trong chuyến thăm Tehran. Ảnh: AP.

Theo trang oilprice.com ngày 23/8, điều đó được thể hiện qua biên bản ghi nhớ trị giá 40 tỷ USD được ký kết vào tháng trước giữa tập đoàn Nga Gazprom và Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC).

Với nền tảng là Diễn đàn các nước xuất khẩu vùng Vịnh (GECF) hiện tại, tổ chức “OPEC khí đốt” này sẽ giúp các bên điều phối tỷ lệ trữ lượng khí đốt của thế giới và kiểm soát giá khí đốt trong những năm tới.

Nga và Iran lần lượt chiếm vị trí số một và số hai về trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Nga có trữ lượng gần 48.000 tỷ mét khối và Iran có trữ lượng gần 34.000 tỷ mét khối. Nhờ đó, hai quốc gia này có điều kiện lý tưởng để hiện thực hóa kế hoạch “OPEC khí đốt”.

Liên minh Nga - Iran muốn kiểm soát càng nhiều càng tốt hai yếu tố quan trọng trong chuỗi cung cấp toàn cầu: khí đốt được vận chuyển trên đất liền thông qua đường ống và khí đốt được vận chuyển bằng đường biển dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Sau lễ ký kết của Gazprom và NIOC tại Tehran, ông Hamid Hosseini, Chủ tịch Liên minh các nhà xuất khẩu dầu, khí đốt và hóa dầu Iran tuyên bố: “Giờ đây, Nga đã nhận ra rằng tình hình tiêu thụ khí đốt trên thế giới sẽ tăng lên và xu hướng tiêu thụ LNG cũng tăng lên. Do đó, riêng Nga thì không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của thế giới và không còn chỗ để Nga và Iran cạnh tranh về khí đốt. Người chiến thắng trong xung đột giữa Nga và Ukraine là Mỹ và nước này sẽ chiếm thị trường châu Âu. Vì vậy nếu Iran và Nga có thể giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ trên thị trường dầu khí và các sản phẩm từ dầu bằng cách hợp tác với nhau, điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia”.

Biên bản ghi nhớ giữa Gazprom và NIOC có bốn yếu tố chính hướng tới việc xây dựng “OPEC khí đốt”. Một yếu tố là Gazprom đã cam kết hỗ trợ toàn diện cho NIOC trong phát triển các mỏ khí đốt Kish và North Pars trị giá 10 tỷ USD với mục tiêu là hai mỏ sản xuất hơn 10 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày.

Yếu tố thứ hai là Gazprom cũng sẽ hỗ trợ toàn diện một dự án trị giá 15 tỷ USD nhằm tăng cường mỏ khí đốt South Pars siêu lớn trên lãnh hải giữa Iran và Qatar.

Yếu tố thứ ba là Gazprom sẽ hỗ trợ toàn diện để hoàn thành các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và xây dựng các đường ống xuất khẩu khí đốt.

Yếu tố thứ tư là Nga sẽ xem xét tất cả các cơ hội để khuyến khích các nước sản xuất khí đốt lớn khác ở Trung Đông tham gia “OPEC khí đốt”.

Theo một nguồn tin cấp cao phối hợp với Bộ Dầu mỏ Iran, khí đốt được nhiều người coi là sản phẩm tối ưu trong quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Vì vậy, kiểm soát càng nhiều khí đốt toàn cầu sẽ là chìa khóa để kiểm soát nguồn điện sản xuất từ khí đốt trong vòng 10 đến 20 năm tới, tương tự như việc Nga có vai trò quan trọng ở châu Âu khi cung cấp khí đốt cho châu lục này.

Để xây dựng “OPEC khí đốt”, liên minh Nga – Iran sẽ tập trung thu hút sự ủng hộ công khai hoặc bí mật từ các nhà sản xuất lớn khác ở Trung Đông, những nước chưa quyết định nghiêng về trục Nga – Iran - Trung Quốc hay trục Mỹ - châu Âu - Nhật Bản.

Với trữ lượng khí đốt lớn thứ ba thế giới (24.000 tỷ mét khối khí) và là nhà cung cấp LNG hàng đầu, Qatar từ lâu đã được Nga và Iran coi là ứng cử viên hàng đầu cho tổ chức kiểu “OPEC khí đốt”. Nhất là khi Qatar có chung nguồn cung cấp khí đốt với Iran ở khu vực rộng 9.700 km2 chứa ít nhất 51.000 tỷ mét khối khí và 50 tỷ thùng khí ngưng tụ tự nhiên. Iran độc quyền đối với 3.700 km2 khu vực này ở mỏ South Pars (chứa khoảng 14.000 tỷ mét khối khí), còn mỏ North Field của Qatar rộng 6.000 km2 còn lại và có 37.000 tỷ mét khối khí.

Qatar và Iran đã ký thỏa thuận hợp tác mới vào năm 2017 về khu vực khai thác khí đốt chung nói trên. Kể từ đó, Qatar đã công khai cố gắng tránh xa cả hai khối quyền lực địa chính trị lớn nói trên.

Một mặt, Nga và Iran mong muốn quan hệ Qatar - Iran tốt đẹp. Mặt khác, Nga và Iran cũng nhận thấy Qatar có một điểm dễ bị tổn thương và dễ bị khai thác trong quá trình hình thành “OPEC khí đốt”. Đó là Qatar có quan hệ xấu với Saudi Arabia.

Cùng với nhau, Nga, Iran và Qatar chiếm gần 60% trữ lượng khí đốt của thế giới và họ là ba quốc gia đóng vai trò quan trọng trong thành lập GECF. Đây là tổ chức có 11 thành viên kiểm soát hơn 71% trữ lượng khí đốt toàn cầu, 53% đường ống dẫn khí đốt và 57% LNG xuất khẩu.

Các thành viên GECF đã có các tuyên bố về kế hoạch tăng cường chiều sâu hợp tác để có thể có vai trò mạnh mẽ trên thị trường khí đốt như OPEC đã từng có.

Từ tháng 10/2008, các nhân vật cấp cao của Nga, Iran và Qatar đã gặp nhau tại Tehran để thảo luận về hợp tác ba bên và khả năng hình thành nhóm kiểu như OPEC. Lý do quan trọng khiến ý tưởng này chưa được thực hiện đầy đủ là do Qatar không sẵn sàng liên kết chặt chẽ với liên minh Nga – Iran. Điều đó có nghĩa là Nga và Iran vẫn chưa thể kiểm soát nguồn cung khí đốt - LNG.

Thùy Dương

Nguồn: baotintuc.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga