Nga và Ukraine vừa tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực biên giới, vừa cáo buộc nhau có “hành vi khiêu khích”. Liệu một cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine sẽ nổ ra?

Trong tuần đầu tiên của tháng Tư, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin Nga bắt đầu tăng cường sự hiện diện quân sự, cả trên cạn lẫn dưới biển, tại khu vực biên giới với Ukraine.

Không những vậy, những hình ảnh và video ghi lại cảnh những chiếc xe tăng nằm bên lề đường, pháo hạng nặng được vận chuyển bằng tàu hỏa xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.

132 1 Goc Re Cang Thang Nga Ukraine Va Nhung Cau Chuyen Sau Do

Nga-Ukraine có đang trên bờ khủng hoảng quan hệ song phương? (Nguồn: Shutterstock)

Lệnh ngừng bắn mới nhất, đạt được hồi tháng 7/2020, vốn giúp tình hình ở miền đông Ukraine lắng dịu trong nhiều tháng qua, nay đứng trước nguy cơ sụp đổ, tương tự hàng loạt thỏa thuận ngừng bắn trước đó. Và nguy cơ về một cuộc xung đột nóng tiềm tàng đang ngày càng trở nên rõ hơn.

Các cuộc khẩu chiến giữa quan chức Nga và Ukraine như đổ thêm dầu vào lửa. Thư ký Hội đồng An ninh liên bang Nga Nikolai Patrushev gọi căng thẳng leo thang hiện tại ở Donbass là “hậu quả của các vấn đề nội bộ nghiêm trọng ở Ukraine”. Quan chức này của Nga cáo buộc chính quyền Kiev đang cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận trong nước bằng tình hình Donbass.

Ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, lập tức đáp trả bằng một cáo buộc tương tự. Để tạo sức ép với Moscow, Kiev công khai kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đẩy nhanh tiến trình kết nạp nước này – một động thái chắc chắn sẽ khiến Nga nổi giận. Bởi nếu Ukraine gia nhập NATO, một loạt hệ thống vũ khí của NATO sẽ được triển khai đến sát sườn nước Nga.

Tất cả những động thái mới nhất của Nga và Ukraine đều nhắm tới một mục tiêu duy nhất, chính là vùng Donbass, nằm ở phía đông bắc Ukraine, nơi tiếng súng chưa bao giờ thực sự chấm dứt kể từ năm 2014 đến nay. Đây cũng là khu vực duy nhất vẫn xảy ra xung đột tại châu Âu.

132 2 Goc Re Cang Thang Nga Ukraine Va Nhung Cau Chuyen Sau Do

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hiện đang có mặt tại tiền tuyến ở Donbass. (Nguồn: CNN)

Chuyện gì đang xảy ra ở Donbass?

Có thể nói, tình hình Donbass tiếp tục chưa tìm được hướng giải quyết hòa bình, khi giao tranh liên tục xảy ra trong thời gian qua giữa lực lượng ly khai thân Nga, gồm Donetsk và Lugansk và quân đội Ukraine. Đây vốn là hai tỉnh thuộc vùng Donbass giáp Nga, nhưng đã đơn phương tuyên bố ly khai và thành lập Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Luhansk.

Cuộc giao tranh giữa hai bên đã nổ ra ở miền Đông Ukraine bùng nổ vào năm 2014, cùng năm Nga sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc lật đổ chính phủ của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. Hơn 14.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột và các nỗ lực đàm phán bị bế tắc.

Tình hình ở Donbass trở nên phức tạp hơn vào cuối tháng Hai khi tiếng súng đã nổ và thương vong cũng tiếp tục xuất hiện. Các vụ xả súng được ghi nhận trong khu vực hầu như mỗi ngày, bao gồm cả việc sử dụng súng cối và súng phóng lựu đạn. Các bên đã đổ lỗi cho nhau về sự leo thang căng thẳng. Tính đến ngày 12/4, đã có 27 binh sĩ Ukraine thiệt mạng ở miền Đông trong năm nay. Để so sánh, có 50 binh sĩ Ukraine thiệt mạng tại đây trong cả năm 2020.

Thời gian qua, có thông tin cho thấy, Ukraine tiếp tục điều lực lượng, vũ khí mới tới đường giới tuyến ở Donbass. Ukraine cũng đã thông báo kế hoạch tập trận chung với các nước thành viên NATO trên lãnh thổ nước này. Năm 2021, Ukraine có kế hoạch tiến hành 7 cuộc tập trận chung như vậy. Trong khi đó, một số nước NATO đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine và ở Biển Đen gần biên giới Nga.

Trước tình hình đó, Moscow cũng không hề kém cạnh và đã liên tục triển khai lực lượng đến biên giới. Tờ The Moscow Times dẫn báo cáo phân tích quốc phòng của Anh cho rằng có dấu hiệu cho thấy Nga đã điều động các hệ thống tên lửa đạn đạo cùng hàng chục đơn vị xe tăng, bệ phóng tên lửa và các loại pháo… đến khu vực biên giới hai nước. Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận đã điều động tàu chiến và lực lượng hải quân từ biển Caspi tới Biển Đen tham gia các cuộc tập trận.

Ngày 10/4, tờ Washington Post dẫn lời giới chức quốc phòng Ukraine ước tính, hiện có khoảng 85.000 binh sĩ quân đội Nga đã được triển khai tới Bán đảo Crimea và các khu vực biên giới cách Ukraine chỉ từ 10 đến 40km. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2014, Moscow có sự hiện diện quân sự lớn như vậy tại khu vực này.

Theo thống kê mới nhất của nhóm giám sát đặc biệt thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), tính đến ngày 3/4 đã có 594 vụ vi phạm ngừng bắn ở vùng Donetsk và 427 vụ ở Luhansk.

Gốc rễ căng thẳng Nga-Ukraine

Căng thẳng bùng lên ở Donbass lập tức khơi lại bất đồng giữa Ukraine và Nga, vốn tạm lắng dịu trong nửa năm qua. Đầu tháng Tư, Quốc hội Ukraine thông qua một nghị quyết mới nói rõ, lệnh ngừng bắn ở Donbass đã đã sụp đổ, đồng thời chỉ đích danh Nga chịu trách nhiệm về làn sóng bạo lực mới ở Donbass.

Bất hòa giữa Nga và Ukraine xuất hiện sau khi Kiev bắt đầu tiếp cận với Liên minh châu Âu (EU). Năm 2013, cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych tuyên bố đình chỉ Hiệp định Liên minh với EU, để ngăn nước này đến gần hơn với phương Tây. Động thái này đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong lịch sử Ukraine.

Hàng nghìn người đã tập trung tại Quảng trường Độc lập tại thủ đô trong nhiều tháng để phản đối quyết định của ông Yanukovic. Các cuộc biểu tình đôi lúc trở thành đụng độ giữa những người đối lập quan điểm về việc ủng hộ Nga.

Ông Yanukovich đã phải chạy sang Nga khi các cuộc biểu tình vượt quá tầm kiểm soát. Ukraine bị chia cắt về mặt địa lý giữa châu Âu và Nga, nên người dân Ukraine cũng bị chia thành hai cực, thân Nga và thân phương Tây.

Căng thẳng sau đó lan sang Crimea và Donbass. Năm 2014, Quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea đã quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý và cho phép sáp nhập Crimea với Nga, bất chấp sự phản đối của Ukraine. Sau đó, lực lượng ly khai thân Nga cũng tuyên bố quyền kiểm soát miền đông Ukraine, bao gồm cả khu vực Donbass.

Các nhóm ly khai thân Nga đã tấn công quân đội ủng hộ chính phủ ở các khu vực Donetsk và Luhansk vào tháng 2/2014. Phe ly khai đã tuyên bố chủ quyền với hai quốc gia được gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 11/5/2014.

Tiếp đó, xung đột đã nổ ra tại Donbass và vẫn tiếp tục cho đến nay. Chính quyền Ukraine và các nước phương Tây cho rằng Nga hỗ trợ quân nổi dậy ở đây và có trách nhiệm trong các cuộc giao tranh làm chết khoảng 13.000 người tính từ năm 2014.

May mắn thay, Hội nghị Thượng đỉnh bốn bên theo định dạng Normandy (hay còn gọi là Bộ tứ Normandy) bao gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine đã được tổ chức liên tục nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Trong hai năm 2015-2016, Bộ tứ Normandy đã đi đến thỏa thuận về ranh giới và việc rút vũ khí.

Sau đó diễn ra cuộc gặp tại Thủ đô Belorussia, nơi ký kết Thỏa thuận Minsk.

Cuộc gặp gần đây nhất diễn ra ngày 9/12/2019. Tại hội nghị này, các bên đã thông qua tuyên bố chung, khẳng định trung thành với thỏa thuận Minsk.

Tuy rằng cuộc họp của Bộ tứ Normandy không làm giảm bớt các cuộc đụng độ, nhưng Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) sau đó đã đưa ra quyết định ngừng bắn toàn diện bắt đầu từ ngày 27/7/2020, và được duy trì cho đến đầu năm nay.

Những diễn biến mới nhất cho thấy, xung đột ở Ukraine tiềm ẩn phức tạp. Tuy vậy, theo giới quan sát, một cuộc xung đột “nóng” giữa hai bên khó có thể xảy ra, do Ukraine không muốn tiếp tục mất mát về người và của, còn Nga cũng ngại sức ép của phương Tây.

Tuy nhiên, Nga vẫn sẽ tiếp tục phản đối các mục tiêu chiến lược dài hạn của Ukraine được ghi rõ trong Hiến pháp nước này, nổi bật là kế hoạch trở thành thành viên của EU và NATO.

Tổng hợp

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga