Binh sĩ Ukraine dùng drone có khả năng nhận dạng mục tiêu tự động để tập kích xe tăng Nga, ngay cả khi tín hiệu điều khiển bị mất.

Video do Serhii Sternenko, người gây quỹ chế tạo máy bay không người lái cỡ nhỏ (drone) cho quân đội Ukraine, công bố ngày 20/3 cho thấy một drone có khả năng nhắm mục tiêu tự động mà không cần người vận hành can thiệp.

Chiếc drone này có khả năng nhận dạng xe tăng Nga từ xa và tiếp tục lao vào mục tiêu kể cả khi mất kết nối với người điều khiển. Một drone trinh sát theo dõi vụ tập kích, sau khi chiếc drone tự sát lao vào mục tiêu khoảng 10 giây, vụ nổ thứ cấp xảy ra bên trong xe tăng và làm phương tiện bốc cháy dữ dội.

Đây không phải lần đầu drone với công nghệ nhận dạng mục tiêu được các bên tham gia chiến sự Nga - Ukraine sử dụng. Sternenko đang huy động vốn để chế tạo hàng nghìn drone tương tự, cho thấy bước chuyển từ chế tạo nguyên mẫu sang sản xuất loạt.

Phương án chống drone chủ yếu của các bên hiện nay là gây nhiễu tần số vô tuyến nhằm ngắt kết nối giữa phương tiện và người vận hành, ngăn nó nhận tín hiệu điều khiển hoặc lao trượt mục tiêu. Các bên đang đua nhau phát triển hệ thống gây nhiễu và chống nhiễu cho drone.

Ngoài việc bị gây nhiễu, drone tự sát thường mất liên lạc khi cách mục tiêu vài mét, khi chúng bay thấp hơn tầm phủ sóng. Việc phát triển drone tự nhận dạng mục tiêu sẽ khắc phục những vấn đề này, do chúng không phụ thuộc vào kết nối với người vận hành nên không thể bị gây nhiễu.

Hệ thống mà Sternenko phát triển dường như mang tính bán tự động, trong đó khâu xác định và đánh dấu mục tiêu sẽ do người vận hành quyết định. Theo biên tập viên David Hambling của Forbes, chỉ còn một bước ngắn nữa là công nghệ nhận dạng của Sternenko sẽ hoàn toàn tự động như mẫu drone hạng nặng Saker, có khả năng tự phát hiện, định vị, xác định và chọn ra mục tiêu có giá trị cao nhất.

Theo Sternenko, drone tự động nhận dạng mục tiêu sẽ có giá 1.000 USD mỗi chiếc, đắt hơn đáng kể các mẫu thường dùng với giá khoảng 400 USD. Tuy nhiên, chúng vẫn rẻ hơn nhiều so với vũ khí chống tăng dẫn đường như tên lửa FGM-148 Javelin với giá mỗi phát bắn là 200.000 USD.

Nga gần đây cũng thử nghiệm các mẫu drone với khả năng nhận dạng mục tiêu như mẫu drone Ovod hoặc máy bay không người lái (UAV) Lancet, do công ty ZALA thuộc tập đoàn Kalashnikov sản xuất. ZALA dường như đã rút lại hệ thống tự động nhận dạng mục tiêu trên Lancet, song đang chuẩn bị bản nâng cấp mới.

1 Drone Ukraine Tu Nhan Dang Xe Tang Nga De Tung Don Tap Kich  UAV Lancet Nga nhận dạng mục tiêu tự động

Máy bay không người lái Lancet Nga tập kích phương tiện chiến đấu của Ukraine trong video công bố ngày 28/2. Video: Rybar

"Cả hai bên đều đang đầu tư rất nhiều vào năng lực này và cố gắng giành lợi thế của người tiên phong", chuyên gia drone Samuel Bendett nhận định. Theo Bendett, các video như của Sternenko chưa cho thấy công nghệ nhận dạng mục tiêu của drone hiệu quả ra sao.

Zak Kallenborn, chuyên gia thuộc Chương trình Công nghệ Chiến lược của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận định dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhận dạng mục tiêu là điều hợp lý, song mức độ tin cậy với những UAV như Lancet vẫn là câu hỏi lớn.

"Hệ thống như vậy đã được thử nghiệm rộng rãi ra sao? Con người có giám sát và đưa ra đánh giá trước khi drone bắt đầu tự động tấn công mục tiêu hay không?", Kallenborn đặt câu hỏi.

Nguyễn Tiến (Theo Forbes, AFP, Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga