Cường kích Su-25 Nga trúng tên lửa phòng không Ukraine và hư hỏng nặng, nhưng trở về căn cứ an toàn nhờ máy bay đồng đội che chắn.

1 Cuong Kich Nga Ve Can Cu Du Trung Ten Lua Ukraine

"Trong lúc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, cường kích Su-25 trong biên đội hai chiếc bị trúng tên lửa phòng không vác vai do lính Ukraine khai hỏa", Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết hôm nay, kèm theo video phi cơ tại bãi đỗ sau khi trở về hạ cánh an toàn.

Video cho thấy động cơ bên phải chiếc Su-25 bị hỏng nặng, phần đuôi và cánh lái cũng xuất hiện nhiều lỗ thủng do mảnh văng của tên lửa gây ra.

2 Cuong Kich Nga Ve Can Cu Du Trung Ten Lua Ukraine  Cường kích Nga về căn cứ dù trúng tên lửa Ukraine

Chiếc Su-25 hạ cánh an toàn sau khi trúng tên lửa vác vai hôm 14/3. Video: Zvezda.

Quân đội Nga cho biết sau khi trúng tên lửa, phi công chiếc Su-25 quyết định tắt động cơ bị hư hại và không phóng ghế thoát hiểm. Trung tá Denis Litvinov, phi công chỉ huy biên đội, nhận định chiếc Su-25 sẽ bị rơi nếu đối phương bắn bồi nên quyết định cơ động vào vị trí yểm trợ, lấy phi cơ của chính mình che chắn cho đồng đội.

"Trung tá Litvinov phát hiện tên lửa thứ hai được phóng lên và tung mồi bẫy nhiệt, khiến quả đạn bay về hướng khác. Khi về căn cứ, chiếc Su-25 trúng đạn bị hỏng hệ thống điều khiển, phi công đã hạ cánh theo hướng dẫn của chỉ huy biên đội đang yểm trợ phía sau. Máy bay tiếp đất an toàn và không có sự cố nào xảy ra", thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn.

Quân đội Nga đánh giá cao sự bình tĩnh và hành động khéo léo của trung tá Litvinov. "Anh đã cứu mạng đồng đội và máy bay, cả hai phi công sẽ được trao phần thưởng cấp quốc gia", Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Cường kích Su-25 được hãng Sukhoi thiết kế, chế tạo và đưa vào biên chế không quân Liên Xô năm 1981. Cho tới nay, các phiên bản nâng cấp của Su-25 vẫn là cường kích đóng vai trò quan trọng của không quân Nga với gần 200 chiếc trong biên chế.

Để chống lại hỏa lực phòng không đối phương, buồng lái Su-25 được chế tạo từ vật liệu titan với độ dày 10-24 mm, chống được các loại đạn bộ binh cỡ 12,7 mm hoặc đạn pháo phòng không cỡ nòng 30 mm. Những bộ phận quan trọng cũng được bọc giáp titan, giúp nâng cao khả năng sống sót của phi cơ trên chiến trường.

3 Cuong Kich Nga Ve Can Cu Du Trung Ten Lua Ukraine

Hướng tiến quân của Nga tại Ukraine. Đồ họa: AP.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã bước sang ngày thứ 19. Lực lượng Nga cùng dân quân ly khai hiện kiểm soát thành phố Kherson và một số thành phố nhỏ ở miền nam, đông nam Ukraine, bao vây Mariupol, Kharkov và đang nỗ lực tăng áp lực với các mục tiêu lớn hơn.

Bộ Quốc phòng Anh hôm 12/3 cho biết bộ binh Nga đang cách trung tâm Kiev khoảng 25 km, có thể bao vây thủ đô của Ukraine trong vài ngày tới.

Nga vài ngày qua đã mở rộng quy mô không kích sang phía tây Ukraine, sau hơn hai tuần chỉ tập trung công kích các mục tiêu ở miền bắc, miền nam và miền đông. Nhiều nước phương Tây cấp tập chuyển vũ khí hiện đại, với hàng nghìn tên lửa chống tăng và phòng không, cho Ukraine, chủ yếu qua cửa ngõ ở phía tây nước này.

Vũ Anh (Theo Ria Novosti)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga