Không chỉ Việt Nam, cổ phiếu ngành ngân hàng trên toàn cầu đều chịu phải áp lực bán mạnh...  

1 Co Phieu Ngan Hang Giam Do Ngan Hang Nha Nuoc Yeu Cau Bao Cao Tinh Hinh Giao Dich Voi Thi Truong Nga

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn hỏa tốc gửi các ngân hàng thương mại liên quan đến tình hình quan hệ với Nga trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo đó, cơ quan này cho rằng, trong bối cảnh Hoa Kỳ và EU tăng cường các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đối mặt một số tác động tiêu cực, nhất là các tổ chức hiện đang có liên quan hoặc hợp tác trực tiếp với tổ chức tài chính quốc tịch Nga.

Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát hoạt động thanh toán của các doanh nghiệp Việt nam và các đối tác Nga thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Để có cơ sở báo cáo lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề nghị một số ngân hàng báo cáo về tình hình hợp tác giữa ngân hàng với thị trường Nga, liên quan đến quan hệ đại lý, doanh số thanh toán, chuyển tiền, các dự án hợp tác, khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, báo cáo về các tác động của lệnh trừng phạt Nga đối với việc xử lý giao dịch cho khách hàng, đặc biệt về tình hình công nợ hai chiều. Bên cạnh đó, đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thanh toán chuyển tiền với thị trường Nga trong thời gian tới.

Hôm qua (2/3), nhiều nhà đầu tư cho rằng, văn bản trên là một trong những nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng lao dốc. Cụ thể, trong 27 cổ phiếu ngân hàng, chỉ 2 mã giữ được sắc xanh là SSB và KLB với mức tăng lần lượt 2,4% và 0,4%, còn lại đều chìm vào sắc đỏ.

Tuy nhiên, giới chuyên môn nhìn nhận, văn bản trên chủ yếu mang tính chất hành chính và không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường chứng khoán. 

Còn diễn biến cổ phiếu ngân hàng Việt Nam rớt mạnh có thể do cổ phiếu ngân hàng tại nhiều thị trường khác cũng giảm mạnh gần đây. Ngày 1/3, cổ phiếu ngân hàng trên thị trường châu Âu mất 6,8% khi các nhà giao dịch giảm đáng kể kỳ vọng vào việc ECB sẽ thắt chặt tiền tệ. Trên thị trường Mỹ, cổ phiếu nhóm ngân hàng giảm 3,8%.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhìn nhận, căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến giá cả hàng hóa trên thị trường toàn cầu tăng cao, qua đó làm gia tăng áp lực lạm phát. 

''Với bối cảnh chênh lệch huy động - tín dụng ngày càng thu hẹp và áp lực lạm phát tăng khiến các ngân hàng thương mại Việt Nam buộc phải tăng lãi suất huy động để giữ mức lãi suất thực dương. Trong khi chưa chắc đã có thể tăng lãi suất cho vay vì nhiều nguyên nhân. Do đó, nhà đầu tư đang tỏ ra hoài nghi về tỷ suất lời của các ngân hàng", ông Tuấn cho biết.

Về góc độ kỹ thuật, theo chuyên gia Đào Phúc Tường, chỉ số P/B (so sánh giá với giá trị sổ sách) của ngành ngân hàng đang khoảng 2,4 lần, nằm trên hai lần độ lệch chuẩn trung bình 10 năm. Nếu giả định tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20-25%/năm và từ nay đến cuối năm 2022 giá cổ phiếu không tăng thì P/B mới giảm xuống còn 1,8-2 lần.

Hiểu đơn giản, mất khoảng một năm cổ phiếu ngân hàng không đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư thì P/B mới quay lại mức trung bình nhiều năm. Điều này cho thấy, nền định giá của cổ phiếu ngân hàng đang ở mức rất cao so với quá khứ.

Trong thời gian tới, ông Tường cho rằng, kỳ đại hội cổ đông tới đây sẽ là điểm bản lề để thu hút sự chú ý của dòng tiền trên thị trường đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng.

"Đợt vừa rồi cổ phiếu ngân hàng tăng lên cũng một phần là đã có những tin tức rò rỉ từ kế hoạch lợi nhuận, từ kế hoạch mua bán sáp nhập... Các thứ bắt đầu rò rỉ ra khiến cổ phiếu ngân hàng có những phản ứng khá là tích cực", ông Tường chia sẻ.

Vũ Phong

Nguồn: vneconomy.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga