Quân đội Israel thừa nhận lá chắn Vòm Sắt gặp sự cố và bắn trượt rocket dân quân Palestine, khiến một người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

"Đã có sự cố kỹ thuật với hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt), đạn đánh chặn được phóng lên nhưng không đánh trúng mục tiêu. Chúng tôi đang điều tra sự việc", phát ngôn viên quân đội Israel Daniel Hagari cho biết hôm 12/5, đề cập vụ rocket phóng từ Dải Gaza rơi trúng nhà dân tại thành phố Rehovot của Israel trước đó một ngày, khiến một người thiệt mạng và ít nhất 5 người bị thương.

Quả rocket đánh trúng căn hộ trên tầng 3 của chung cư tại Rehovot, tạo ra lỗ thủng lớn. Phát ngôn viên Hagari khẳng định sự cố này mang tính đơn lẻ và các khẩu đội Vòm Sắt đã bắn hạ 91% mục tiêu kể từ khi xung đột bùng phát đầu tháng 5.

1 Vom Sat Israel De Lot Rocket Cua Dan Quan Palestine

Hệ thống Vòm Sắt của Israel đánh chặn rocket phóng từ Dải Gaza đêm 11/5. Ảnh: AFP

Đây là sự cố thứ hai xảy ra với tổ hợp phòng không tầm ngắn Vòm Sắt của Israel trong một tuần qua. Hệ thống này từng gặp trục trặc và không thể kích hoạt khi dân quân Palestine phóng rocket từ Dải Gaza hồi tuần trước, khiến nhiều quả đạn rơi xuống khu vực đông dân cư tại Israel. Một rocket đánh trúng công trường ở thành phố Sderot và khiến ba người nước ngoài bị thương.

Hồi tháng 5/2021, một khẩu đội Vòm Sắt tại thành phố cảng Ashkelon gặp lỗi kỹ thuật khi đối phó đợt tấn công ồ ạt bằng rocket, khiến nhiều quả đạn lọt qua lưới phòng không và làm hai người chết, hàng chục người bị thương.

Một tổ hợp Vòm sắt hoàn chỉnh gồm 3-4 bệ phóng, mỗi bệ trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir, cùng với đó là radar cảnh giới và dẫn bắn, hệ thống điều khiển và quản lý tác chiến. Mỗi quả đạn Tamir có giá khoảng 40.000-100.000 USD. Phần lớn hoạt động của Vòm Sắt được tự động hóa để rút ngắn thời gian phản ứng và giảm yêu cầu về nhân lực vận hành.

Vòm Sắt được Israel triển khai lần đầu năm 2011, giới chức Israel và Mỹ nhận định mỗi khẩu đội có khả năng đánh chặn 85% mục tiêu. Con số này tăng lên 90% trong xung đột tại Dải Gaza sau đó một năm. Dù vậy, quân đội Israel cũng thừa nhận không đủ khả năng đánh chặn mọi quả rocket phóng từ Dải Gaza.

Phong trào Hamas hồi năm 2019 tuyên bố tìm ra cách vô hiệu hóa Vòm Sắt bằng chiến thuật phóng lượng lớn rocket vào một mục tiêu duy nhất. Tướng Yaakov Amidror, cựu cục trưởng Cục Nghiên cứu Tình báo Quân đội Israel, khi đó thừa nhận lá chắn này đã thất bại trước loạt "mưa rocket" của Hamas khi chỉ hạ được 240 trong tổng số 690 quả đạn.

Khả năng tác chiến của Vòm Sắt dường như cũng bị hạn chế với rocket bắn trực xạ hoặc với góc thấp từ Dải Gaza, khi thời gian phản ứng quá ngắn và chúng không thể bám bắt mục tiêu bị địa hình che khuất.

Ngoài mối đe dọa từ chiến thuật của dân quân Palestine, các hệ thống Vòm Sắt cũng gặp giới hạn về năng lực hậu cần khi phải chống chịu những đợt tập kích quy mô lớn trong thời gian ngắn. Hiện chưa rõ Israel triển khai bao nhiêu khẩu đội Vòm Sắt, nhưng nước này từng tiết lộ kế hoạch biên chế tổng cộng 15 hệ thống hoàn chỉnh.

2 Vom Sat Israel De Lot Rocket Cua Dan Quan Palestine

Vị trí Dải Gaza. Đồ họa: Việt Chung

Vũ Anh (Theo Times of Israel)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga