Với tổng số tiền hơn 66 tỷ USD, Ukraine trở thành nước nhận viện trợ nhiều nhất của Mỹ từ sau Thế chiến II.

Theo thống kê được Washington Post công bố sau khi phân tích dữ liệu của Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ, kể từ khi chiến sự với Nga bùng phát hồi tháng 2/2022, Ukraine đã nhận tổng cộng 66,2 tỷ USD viện trợ từ Mỹ.

Trong số đó, 43,1 tỷ USD là viện trợ quân sự trực tiếp, 20,5 tỷ USD viện trợ kinh tế và 2,6 tỷ USD viện trợ nhân đạo. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của Mỹ cho một đồng minh hoặc đối tác kể từ sau Thế chiến II.

Trong khoản viện trợ quân sự trực tiếp, Mỹ đã chuyển cho Ukraine số vũ khí, trang bị quân sự trị giá 23,5 tỷ USD, hỗ trợ an ninh trị giá 18 tỷ USD. Ngoài ra, nước này còn cung cấp khoản trợ cấp trị giá 1,5 tỷ USD để mua vũ khí do phương Tây sản xuất.

Dù viện trợ quân sự cho Ukraine tương đối nhỏ so với ngân sách quốc phòng hơn 1.700 tỷ USD của Mỹ, đây vẫn là con số ấn tượng so với hỗ trợ tài chính mà nước này cung cấp cho các đồng minh khác. Trong năm 2022-2023, Mỹ chuyển 8,6 tỷ USD cho Israel, 3,3 tỷ USD cho Ai Cập và 2,9 tỷ USD cho Jordan.

1 Ukraine Nhan Hon 66 Ty Usd Vien Tro Cua My

Binh sĩ Ukraine nhận tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger tại sân bay gần Kiev tháng 2/2022. Ảnh: Reuters

"Đây là những con số rất lớn", Michael O'Hanlon, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Brookings có trụ sở tại Mỹ, nhận định và so sánh tổng viện trợ cho Ukraine của Mỹ với kế hoạch Marshall của Mỹ.

Kế hoạch Marshall là sáng kiến nhằm cung cấp viện trợ cho Tây Âu sau Thế chiến II trong ba năm, có trị giá khoảng 150 tỷ USD sau khi quy đổi theo thời giá hiện hành.

Mỹ đang là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine nói chung và về quân sự nói riêng. Liên minh châu Âu (EU) đứng thứ hai với tổng viện trợ 35,9 tỷ USD, kế đến là Anh và Đức với số tiền lần lượt là 11,7 và 11,6 tỷ USD. Về viện trợ quân sự, Đức xếp thứ hai sau Mỹ, kế đến là Anh và EU.

Tính theo tỷ trọng GDP, các quốc gia hỗ trợ tài chính lớn nhất cho Ukraine là Estonia, Latvia và Litva với tỷ lệ 1,26%, 1,09% và 0,95%. Mỹ xếp ở vị trí thứ 12 trong danh sách này với khoản hỗ trợ chiếm 0,33% GDP.

Chuyên gia O'Hanlon nhận định với số tiền hỗ trợ chiếm một phần nhỏ như vậy trong GDP, Mỹ có thể tiếp tục viện trợ "vô thời hạn" cho Ukraine, nhưng điều này có thể bị cản trở bởi các yếu tố chính trị trong nước, đặc biệt là khi Mỹ chuẩn bị bầu cử tổng thống.

Nga nhiều lần tuyên bố vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD mà phương Tây cung cấp cho Ukraine không thay đổi cục diện chiến sự. Điện Kremlin cho rằng động thái cung cấp vũ khí của phương Tây "chỉ khiến người dân Ukraine thêm đau khổ", trong khi Kiev khẳng định những vũ khí này là cần thiết để đẩy lùi Nga.

Nguyễn Tiến (Theo WP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga