Giới chức quốc phòng Nhật Bản ngày 24/3 cho biết tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) do Triều Tiên phóng đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.  

“Những phân tích hiện tại của chúng tôi cho thấy tên lửa đạn đạo bay 71 phút và vào khoảng 15h44 đã rơi vào khu vực bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ở biển Nhật Bản, ở vị trí cách bán đảo Oshima của Hokkaido khoảng 150 km về phía đông”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Makoto Oniki cho biết, theo AFP.

"Do tên lửa đạn đạo lần này bay ở độ cao hơn 6.000 km, cao hơn nhiều so với ICBM Hwasong-15 được phóng vào tháng 11/2017, đây được cho là ICBM mới", ông nói thêm.

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae In nói rằng Triều Tiên đã phóng một ICBM, đánh dấu lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng một vũ khí uy lực như vậy kể từ năm 2017.

Ông Moon nói trong một tuyên bố rằng động thái này của Triều Tiên "vi phạm quy định đình chỉ các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã cam kết với cộng đồng quốc tế".

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết thêm việc vụ phóng tên lửa cũng vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Trước đó, tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên đã bắn vật thể không xác định về phía đông.

1 Trieu Tien Bat Ngo Phong Icbm

Bản tin của Hàn Quốc về vụ thử tên lửa của Triều Tiên, tại một nhà ga ở Seoul, ngày 5/3. Ảnh: AFP.

Lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp đối với các tàu thuyền về một "tên lửa đạn đạo tiềm năng có thể được phóng từ Triều Tiên".

Đây là đợt phóng vũ khí thứ 12 của Triều Tiên trong năm nay.

Trước đó, ngày 20/3, giới chức Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa. Tuần trước, Bình Nhưỡng cũng bị nghi ngờ thử nghiệm thất bại Hwasong 17, một hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới chưa từng được phóng trước đây.

Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng bất thường của Triều Tiên trong hoạt động thử nghiệm vũ khí đang nhấn mạnh mục tiêu kép của nước này là cải tiến vũ khí và gây áp lực lên Washington, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân đang đóng băng.

Bình Nhưỡng đã ký kết lệnh cấm thử nghiệm tên lửa xuyên lục địa và vũ khí hạt nhân kể từ cuộc đàm phán giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump vào năm 2018.

Các cuộc đàm phán sau đó đã sụp đổ và quan hệ ngoại giao giữa hai nước suy yếu kể từ đó, dù chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực kêu gọi các cuộc đàm phán mới.

Bình Nhưỡng kể từ tháng 1 đã tiến hành hàng loạt vụ thử vũ khí, bao gồm tên lửa đạn đạo siêu vượt âm và tên lửa tầm trung - vốn nằm trong danh sách bị cấm.

Hồng Ngọc

Nguồn: Zingnews.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga