Ankara triệu Đại sứ Đan Mạch sau khi một người biểu tình đốt kinh Koran để phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ chưa chấp thuận Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO.

"Đại sứ Đan Mạch tại Ankara Danny Annan được triệu tập đến Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Copenhagen để xảy ra hành động công kích kinh Koran ngày 27/1", các nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. "Thổ Nhĩ Kỳ lên án hành động khiêu khích, gây thù hận rõ ràng này và thái độ của Đan Mạch là không thể chấp nhận được".

Động thái diễn ra sau khi nhà hoạt động bài Hồi giáo Rasmus Paludan, mang quốc tịch Thụy Điển và Đan Mạch, ngày 27/1 đốt một bản sao kinh Koran gần một nhà thờ Hồi giáo ở Copenhagen, rồi làm tương tự trước đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố.

Kinh Koran là văn bản tôn giáo quan trọng nhất của Hồi giáo. Hầu hết người Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi.

Tờ Aftonbladet của Thụy Điển đưa tin Paludan dự định biểu tình bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Copenhagen vào thứ Sáu hàng tuần cho đến khi Ankara chấp thuận Stockholm gia nhập NATO.

1 Tho Nhi Ky Trieu Dai Su Dan Mach Ve Bieu Tinh Dot Kinh Koran

Đại sứ Đan Mạch tại Thổ Nhĩ Kỳ Danny Annan. Ảnh: Anadolu Agency.

Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen xác nhận thông tin Đại sứ Annan được Ankara triệu tập. Ông cho biết Copenhagen "có quan hệ tốt với Ankara và sự việc không tạo ra thay đổi nào".

"Công việc của chúng tôi là giải thích cho Thổ Nhĩ Kỳ về các điều kiện trong nền dân chủ mở tại Đan Mạch và hiểu rằng có sự khác biệt giữa quan điểm của Đan Mạch, với tư cách quốc gia, và các cá nhân", ông Rasmussen nói.

Trước đó, cảnh sát Thụy Điển cũng cho phép Paludan tổ chức một cuộc biểu tình ở Stockholm ngày 21/1 và ông đã đốt một bản sao kinh Koran trước đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đáp trả bằng cách hủy chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson và dừng đàm phán với Stockholm, Helsinki về gia nhập NATO.

Đại sứ Mỹ và Pháp tại Ankara cảnh báo công dân về nguy cơ xảy ra các vụ tấn công trả đũa ở Thổ Nhĩ Kỳ.

2 Tho Nhi Ky Trieu Dai Su Dan Mach Ve Bieu Tinh Dot Kinh Koran

Nhà hoạt động cực hữu Rasmus Paludan cầm loa phát biểu trước một nhà thờ Hồi giáo ở Noerrebro, Copenhagen, Đan Mạch, ngày 27/1. Ảnh: Reuters

Thụy Điển và Phần Lan hồi tháng 5/2022 kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự và nộp đơn xin gia nhập NATO. Để trở thành thành viên của khối, hai nước phải được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên NATO phê chuẩn đơn xin gia nhập.

Thổ Nhĩ Kỳ đang phản đối, do hai nước Bắc Âu chưa đáp ứng các yêu cầu của họ, chủ yếu liên quan đến lực lượng dân quân người Kurd mà Ankara cho là "khủng bố" và chịu trách nhiệm cho âm mưu đảo chính năm 2016. Trong khi đó, Hungary dự kiến duyệt Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 2.

Như Tâm (Theo AFP, Reuters, Anadolu Agency)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga