Ngày 10/7, vượt “rào cản” của Thổ Nhĩ Kỳ, các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch đối phó với các cuộc xung đột có khả năng xảy ra ở lãnh thổ NATO.

1 Nato Dat Thoa Thuan Ve Ke Hoach Phong Thu Nham Bao Ve Lien Minh Truoc Bat Ky Dong Thai Nao Tu Nga

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Tổng thống Lithuuania Gitanas Nausea tại một cuộc họp báo vào ngày 10/7, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius, Lithuania. (Nguồn: AFP).

Theo một số nguồn tin, bản kế hoạch phòng thủ dày hơn 4.000 trang trình bày cụ thể cách bảo vệ những địa điểm trọng yếu trong lãnh thổ NATO thông qua việc răn đe, cùng một số hướng dẫn phòng thủ trong trường hợp khẩn cấp.

Kế hoạch trên cũng chỉ cách lựa chọn quân sự cần triển khai, bao gồm các lực lượng trên bộ, trên không, trên biển, cũng như các lực lượng bảo vệ an ninh mạng và lực lượng không gian.

Trong nhiều năm qua, NATO không cần đến các kế hoạch phòng thủ quy mô lớn, do liên minh đã thực hiện các cuộc xung đột quy mô nhỏ hơn ở Afghanistan và Iraq, và nước Nga hậu Xô Viết không còn là mối đe dọa hiện hữu.

Vậy nhưng cuộc xung đột lớn hiện nay ở Ukraine, ngay gần biên giới của NATO khiến liên minh này phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản, trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột với Moscow.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn cản việc phê chuẩn kế hoạch do cách diễn đạt về vị trí địa lý.

Thoả thuận đạt được một ngày trước khi các nhà lãnh đạo NATO tiến hành Hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Lithuania. Trong bản kế hoạch này, NATO sẽ hướng dẫn cách thức nâng cấp lực lượng và giải quyết vấn đề hậu cần cho các nước thành viên.

Theo giới chức NATO, để thực hiện đầy đủ các kế hoạch trên, liên minh sẽ phải mất đến vài năm, cho dù NATO có khả năng tiến hành ngay lập tức nếu cần. Dự kiến các nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO sẽ xác nhận lại vào ngày 11/7, trước khi công bố thông tin chính thức.

Lãnh đạo các nước thành viên NATO tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius từ ngày 11-12/7, trong đó dự kiến thảo luận về tư cách thành viên của Thụy Điển và mối quan hệ tương lai của liên minh với Ukraine.

Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ xoay quanh hậu quả từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Theo đó, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ phê duyệt các kế hoạch toàn diện đầu tiên của NATO kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhằm bảo vệ liên minh trước bất kỳ động thái nào từ Moscow.

HẠNH LÊ

Nguồn: baoquocte.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga