Trang Quan điểm Á-Âu cho rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như vẫn nghĩ về thời đại chỉ có một siêu cường duy nhất.

Thái độ kẻ cả

Trong một bài viết phân tích về chính sách của nước Mỹ, trang Quan điểm Á-Âu nhận định, Washington nắm quyền bá chủ đối xử với phần còn lại của thế giới như các chư hầu sẵn sàng phục tùng Mỹ hoặc như kẻ thù không đội trời chung. Bất kỳ quốc gia nào đe dọa vị thế kinh tế hoặc có khả năng cản trở đường hướng chính sách đối ngoại của Mỹ đều bị coi là kẻ thù và phải đối mặt với các cuộc tấn công của chính phủ và các tập đoàn truyền thông.

Theo bài viết, tình trạng này vẫn không thay đổi và chính quyền của ông Biden chỉ càng làm cho tình hình vốn đã tồi tệ trở nên tệ hại hơn. Điển hình là việc Tổng thống Mỹ đã đồng tình khi trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình George Stephanopoulos rằng liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có phải là "kẻ giết người" hay không.

132 1 My Tu Cuong Dieu Suc Manh
Tổng thống đương nhiệm Mỹ Joe Biden

Việc ông Biden nhắc lại vụ Russiagate (cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ) cũng được bài viết dẫn làm bằng chứng cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ “chưa bao giờ được biết đến là một người tài trí”. Đáp trả động thái của Mỹ, Nga đã ngay lập tức triệu đại sứ của mình về Moscow.

Trong khi đó, mối quan hệ Mỹ-Trung bị làm “rối tung” khi Ngoại trưởng Mỹ có những lời lẽ “xúc phạm” những người đồng cấp Trung Quốc trong cuộc đối thoại cấp cao ở Anchorage (bang Alaska). Thái độ của quan chức Mỹ bị đánh giá là “nghiệp dư và kiêu ngạo”.

Tờ Quan điểm Á-Âu dẫn lời ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói: "Tôi nghĩ chúng ta đã nghĩ quá tốt về Mỹ. Chúng ta nghĩ rằng phía Mỹ sẽ tuân theo các nghi thức ngoại giao cần thiết".

Cuộc đối thoại Mỹ-Trung ở Alaska đã “thất bại” bởi ngay sau đó Trung Quốc đã bắt đầu triển khai sáng kiến riêng với các quốc gia đối tác. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã được chào đón nồng nhiệt trong chuyến công du tới Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sau đó đã khởi hành đến Iran và hai nước công bố mối quan hệ đối tác kéo dài 25 năm, trị giá 400 tỷ USD. Trung Quốc cũng cam kết mua dầu của Iran, hành động làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ.

132 2 My Tu Cuong Dieu Suc Manh

Tổng thống Nga V. Putin điềm đạm chúc sức khoẻ ông Biden

Cũng trong vấn đề Iran, tờ Quan điểm Á-Âu cho rằng Mỹ đã “phung phí cơ hội và đánh mất khả năng gây ảnh hưởng”. Bằng chứng là châu Âu đã gây sức ép để buộc Mỹ quay lại bàn đàm phán về thoả thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA).

Trên phạm vi toàn thế giới, bài viết cũng chỉ ra rằng các hành động can thiệp của Mỹ đang bắt đầu thu được "kết quả". Việc một đồng minh châu Âu của Mỹ là Đức tiếp tục dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) với Nga đã khiến tuyên bố Nga là mối đe dọa đối với châu Âu trở thành “lời nói dối”.

Ai đang ảo tưởng?

Bài viết khẳng định, Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất về mặt quân sự và có thể gây ra thiệt hại lớn cho các nước khác nếu họ muốn. Mỹ có thể trừng phạt các quốc gia yếu hơn, nhưng điều đó đã khiến các quốc gia này xích lại gần nhau hơn. Ví dụ là việc Trung Quốc và Nga cung cấp cho Venezuela các thiết bị y tế vốn không thể mua vì các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trung Quốc cũng mua dầu của Venezuela và cùng với Nga cung cấp cho Venezuela vaccine ngừa COVID-19.

Tờ Quan điểm Á-Âu tin rằng ông Biden đang phải giải quyết những hậu quả của nhiều thập kỷ Mỹ hành xử như thể khoảng thời gian của thế giới đơn cực ngắn ngủi sẽ kéo dài mãi mãi. Mỹ tin vào sự cường điệu của chính mình và cho rằng thời kỳ thống trị tương đối ngắn ngủi của nước Mỹ sẽ kéo dài mãi mãi.

132 3 My Tu Cuong Dieu Suc Manh
Mỹ đánh giá sai về vị thế thống trị của mình?

Theo bài viết, chỉ những người Mỹ nghe theo các luận điệu tuyên truyền và không có hiểu biết mới tin rằng Nga đã can thiệp hai cuộc bầu cử của Mỹ. Ngoại trưởng Nga từng đánh giá quan hệ với Mỹ đã "chạm đáy" và Nga không có kế hoạch cử đại sứ trở lại Washington.

Ngay cả quan điểm cho rằng Tổng thống Mỹ là “người đàn ông quyền lực nhất trên thế giới” cũng bị đánh giá là “điều huyễn hoặc”. Theo bài viết, điều này được chấp nhận chỉ do chiến dịch tuyên truyền không ngừng nghỉ của chính quyền.

Tờ Quan điểm Á-Âu kết luận rằng không thể gọi các tổng thống khác là "kẻ giết người" rồi lại kỳ vọng về một mối quan hệ tốt đẹp. Bài viết mỉa mai: “Tất nhiên, định nghĩa của ông về mối quan hệ tốt đẹp có nghĩa là các quốc gia khác tuân theo các mệnh lệnh của Mỹ”.

Theo bài viết, đây không phải là cách thế giới hoạt động nên nhà lãnh đạo Mỹ cùng đội ngũ của mình phải nhanh chóng tự “tỉnh ngộ”, từ bỏ ý tưởng cho rằng Mỹ có thể tiếp tục xoay xở và thoát ra khỏi những thất bại do chính họ gây ra. Bài báo viết: “Những ‘người lớn’ trong chính quyền Mỹ tốt hơn là nên sớm trưởng thành”.

132 4 My Tu Cuong Dieu Suc Manh

Mỹ được khuyên "trưởng thành" giữa lúc Nga-Trung xích lại gần nhau

Nhưng kỳ vọng và lời kêu gọi “trưởng thành” rõ ràng không thể có tác dụng đối với Mỹ. Trong động thái mới nhất, ngày 9/4, trong yêu cầu ngân sách ban đầu về việc chi tiêu linh hoạt, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã đề nghị Quốc hội cấp cho Lầu Năm Góc khoản ngân sách 715 tỷ USD để "răn đe" Nga và Trung Quốc.

Văn bản đề xuất có đoạn: “Yêu cầu linh hoạt của Tổng thống cho năm 2022 bao gồm 715 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng Mỹ... Yêu cầu linh hoạt này đặt ưu tiên đáp ứng nhu cầu chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc với tư cách là thách thức hàng đầu của bộ. Bộ cũng sẽ tìm cách ngăn chặn các hành vi gây bất ổn của Nga. Tận dụng Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương và phối hợp cùng với các đồng minh và đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và NATO, Bộ Quốc phòng đảm bảo rằng Mỹ sẽ xây dựng các ý tưởng, khả năng và trạng thái cần thiết để đáp ứng những thách thức này”.

Thái Minh

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga