Washington muốn các đối tác Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nhưng các nhà lãnh đạo EU dường như không muốn điều này, tờ Financial Times đưa tin.

426 Content Eu Dang Tu Vo Tran Truoc Nga

Theo tờ Financial Times, Mỹ đang cố gắng thúc đẩy các nước đồng minh Châu Âu tăng cường những biện pháp trừng phạt Nga – một tiến trình mà Nhà Trắng nói là để “ngăn chặn các động thái của Moscow nhằm phá hoại nền dân chủ của phương Tây thông qua chiến dịch tuyên truyền sai và tấn công mạng.”

Những bước đi của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là để thể hiện ông này có lập trường cứng rắn với Nga trong bối cảnh có nhiều lời cáo buộc về mối quan hệ ngầm giữa ông Trump và nước Nga. Hôm 03/04, Tổng thống Trump từng nói: “Chúng tôi rất cứng rắn với Nga…. Không ai cứng rắn với Nga hơn tôi”.

Theo tờ Financial Times, ông Trump gây áp lực đối với EU trong vấn đề trừng phạt Nga là để thể hiện với công chúng Mỹ là ông này đang đối đầu với Nga. Tuy nhiên, cách thức của Tổng thống Mỹ không có hiệu quả với EU bởi sự hoài nghi của EU với lập trường thực sự của ông Trump với Nga cũng như vì bản thân nội bộ EU cũng mâu thuẫn với nhau trong chính sách trừng phạt Nga.

Các động thái của ông Trump đang phát đi những tín hiệu đối ngược nhau, khiến người ta khó có thể dự đoán ông này sẽ làm gì tiếp theo. Một quan chức Mỹ đã chỉ rằng, ông Trump đã thể hiện sự “không thống nhất trong hành động khi đề nghị tiến hành gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong khi đồng thời tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga”.

Ngoài ra, đang có sự chia rẽ ngày càng sâu giữa Mỹ và EU và chính sách trừng phạt Nga là một trong những vấn đề gây chia rẽ. Bản thân trong nội bộ EU cũng đang mâu thuẫn nhau về vấn đề Nga bởi nhiều quốc gia và các công ty ở những nước này đang mong muốn được làm ăn với Nga. Những nước lớn như Pháp, Đức và Italia đã từ chối thực hiện cái gọi là “Dự luật Magnitsky Toàn cầu” của Mỹ – một dự luật được đưa ra năm 2016 cho phép chính phủ Mỹ trừng phạt các quan chức nước ngoài có liên quan đến các cáo buộc vi phạm nhân quyền trên thế giới.

Các nước Châu Âu cũng không hài lòng trước việc Mỹ chuyển Đại sứ quán ở Israel khỏi Tel Aviv, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Bằng cách thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, Mỹ có thể đang muốn phô trương sức ảnh hưởng và đưa các đồng minh quay trở về quỹ đạo. Mỹ đang tìm cách để EU “phải tình nguyện khuất phục”, một nhà ngoại giao khác của Mỹ bình luận.

Theo nhà ngoại giao trên, đặc điểm trong phương pháp tiếp cận của Mỹ là: “Các bạn cuối cùng cũng sẽ phải theo bước chúng tôi. Các bạn có thể có thể một tiến trình khác vào giai đoạn này. Nhưng các nguồn lực của chúng tôi và quyết tâm của chúng tôi sẽ khiến các bạn phải thay đổi”.

Mỹ và EU đổ lỗi cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Ngoài Mỹ, EU, một loạt nước khác gồm Australia, Canada, Na-uy, Ukraine… đều tham gia vào chính sách trừng phạt Nga.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Lệnh trừng phạt của Nga là lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga.

Kểt quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên. Một số nước thành viên EU gần đây liên tục lên tiếng kêu gọi liên minh này từ bỏ chính sách trừng phạt Nga, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.

Nguồn: vnmedia.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga