Hàng loạt thượng nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích ông Trump vì cựu tổng thống kêu gọi "để Mỹ vỡ nợ", cho rằng kịch bản này quá rủi ro.

"Tôi không nghĩ 'chúng ta phải vỡ nợ' là chính sách khôn ngoan cho đất nước", thượng nghị sĩ Cộng hòa Lisa Murkowski, bang Alaska, nói ngày 11/5. "Lúc này, các cuộc thương lượng đang diễn ra, giữa các nghị sĩ hàng đầu và Nhà Trắng. Điều chúng tôi muốn làm là khuyến khích từng bước tiến một".

Bà Murkowski bình luận sau khi cựu tổng thống Donald Trump ngày 10/5 kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa từ chối nâng trần nợ công để chính phủ Mỹ vỡ nợ, nếu phe Dân chủ không nhượng bộ. Theo ông Trump, phe Dân chủ cuối cùng sẽ phải thay đổi thái độ bởi họ không muốn kịch bản đó xảy ra.

Bà Murkowski cho rằng thúc đẩy Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cùng phối hợp để đạt thỏa thuận sẽ hiệu quả hơn nhiều so với coi vỡ nợ là một lựa chọn khả thi.

Ông McCarthy cũng tỏ ý giữ khoảng cách với ông Trump. "Phe Cộng hòa không coi vỡ nợ là một lựa chọn. Chúng tôi từng tăng trần nợ", ông McCarthy nói, nhắc đến dự luật được phe Cộng hòa tại Hạ viện thông qua tháng 4 để nâng trần nợ thêm 1.500 tỷ USD, cắt giảm chi tiêu 4.800 tỷ USD.

1 Loat Nghi Si Cong Hoa Chi Trich Ong Trump Vi De Xuat De My Vo No

Ngồi ghế từ trái sang lần lượt là lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer trong cuộc họp về trần nợ ở Nhà Trắng ngày 9/5. Anh: AFP

Thượng nghị sĩ John Thune, bang South Dakota, nói "hầu hết mọi người đều cho rằng chúng ta cần đạt thỏa thuận". Ông nhận định những bình luận từ ông Trump sẽ không tác động nhiều đến các nghị sĩ đảng Cộng hòa.

"Không ai coi vỡ nợ là một ý tưởng hay. Không ai cả", thượng nghị sĩ John Cornyn, bang Texas, cố vấn ban lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện, bình luận.

Mỹ hồi tháng 1 chạm trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD do quốc hội thiết lập, buộc Bộ Tài chính phải triển khai các biện pháp đặc biệt để duy trì chính phủ hoạt động. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gần đây cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu quốc hội không giải quyết được bài toán nâng trần nợ công.

2 Loat Nghi Si Cong Hoa Chi Trich Ong Trump Vi De Xuat De My Vo No

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc phỏng vấn với CNN ở thành phố Manchester, bang New Hampshire ngày 10/5. Ảnh: CNN

Nâng trần nợ, hay giới hạn vay nợ của chính phủ để thanh toán chi phí phát sinh, thường xuyên diễn ra. Phe Cộng hòa, đã giành quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, tuyên bố chỉ chấp thuận nâng trần nợ nếu đi kèm các điều khoản cắt giảm chi tiêu lớn của chính phủ.

Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo vỡ nợ sẽ tạo ra nhiều hệ quả nghiêm trọng đến kinh tế cũng như an sinh xã hội Mỹ. Chính phủ Mỹ không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ, thị trường tài chính bị ảnh hưởng, Bộ Tài chính có thể phải hoãn chi trả cho khoảng 66 triệu người thuộc diện nhận trợ cấp hàng tháng.

"Cả thế giới gặp rắc rối nếu Mỹ vỡ nợ", Tổng thống Biden nói ngày 10/5, thêm rằng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, khoảng 8 triệu người mất việc làm, hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Cuộc họp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell cùng một số thành viên lưỡng đảng tại Nhà Trắng ngày 9/5 đã không đạt được đột phá. Các bên vốn có kế hoạch họp vào ngày 12/5, nhưng Nhà Trắng đã thông báo lùi sang đầu tuần sau để trợ lý hai bên tiếp tục các trao đổi được mô tả là "hiệu quả".

Như Tâm (Theo The Hill, Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga