Kế hoạch hòa bình mơ hồ cùng những tuyên bố phản đối viện trợ của ông Trump liên quan chiến sự Ukraine đang khiến Kiev trả giá trong xung đột.

Dù Donald Trump chưa trở lại Nhà Trắng, quan điểm của cựu tổng thống về xung đột Ukraine vẫn tác động đáng kể đến chính sách của Mỹ với cuộc chiến. Các đồng minh của ông Trump tại quốc hội đã chặn dự luật viện trợ cho Ukraine suốt nhiều tháng, khiến Kiev thiếu hụt nguồn lực trên chiến trường.

Sự bế tắc có thể sớm kết thúc khi Hạ viện Mỹ đang xem xét thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine, nhưng những gì xảy ra tiếp theo với Kiev nếu ông Trump tái đắc cử vẫn là biến số khó lường, khi ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa chỉ đưa ra những thông tin mơ hồ về cách giải quyết chiến sự Ukraine.

Một trong những phát biểu gây chú ý nhất của ông Trump liên quan đến chiến sự Ukraine là ông sẽ "giải quyết cuộc chiến trong vòng 24 giờ" nếu tái đắc cử bằng cách thúc đẩy Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán để tuyên bố đạt thỏa thuận hòa bình.

Nhưng ông không nêu ra bất cứ quan điểm rõ ràng nào về những câu hỏi then chốt, như Nga có tiếp tục kiểm soát các khu vực mà lực lượng này đang chiếm giữ ở Ukraine hay không. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky năm ngoái kêu gọi ông Trump công bố cụ thể kế hoạch của mình và "đừng lãng phí thời gian".

"Không, không. Tôi sẽ kiến tạo một thỏa thuận công bằng cho tất cả", ông Trump trả lời hồi tháng 9/2023, khi phóng viên chương trình Meet the Press của đài NBC hỏi dồn ông về kế hoạch hòa bình. Nhưng ông không nói rõ điều khoản "công bằng" đó là gì, trong khi Ukraine cho rằng Trump sẽ ép họ phải nhượng bộ lãnh thổ trước Nga để đổi lấy lệnh ngừng bắn.

Không chỉ Ukraine, Nga cũng hoài nghi kế hoạch hòa bình của ông Trump. "Chúng tôi không hiểu điều đó sẽ trở thành hiện thực bằng cách nào. Hai bên không có bất kỳ liên lạc nào về vấn đề này", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov bình luận hồi tháng 1.

Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, cũng cho rằng "không có công thức kỳ diệu nào có thể giải quyết được chiến sự Ukraine trong 24 giờ". Ông Borrell ủng hộ Tổng thống Zelensky mời ông Trump đến Kiev để tìm giải pháp.

1 Ke Hoach Hoa Binh Mo Ho Cua Trump Khien Ukraine Tra Gia

Cựu tổng thống Donald Trump tại sự kiện vận động ở Manchester, bang New Hampshire ngày 20/1. Ảnh: AP

Trong khi không nêu lên bất cứ giải pháp cụ thể nào để hai bên có thể đạt được hiệp ước hòa bình, ông Trump lại bày tỏ thái độ quyết liệt với nguồn viện trợ của Mỹ cho Ukraine, vốn đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực kháng cự của Kiev.

Mỹ là bên viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine với hơn 44 tỷ USD trong hai năm qua. Tuy nhiên, ông Trump chỉ trích đây là "dòng chảy vô tận tài sản Mỹ" và cho rằng viện trợ của Mỹ ra nước ngoài nên ở hình thức khoản vay.

"Mỹ có thể cho vay với điều khoản cực kỳ tốt, như không lãi suất, không giới hạn thời gian. Nhưng đó vẫn là một khoản vay", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 10/2, thêm rằng quốc gia nhận viện trợ phải trả lại khi họ trở nên giàu có trong tương lai.

Giới chuyên gia chỉ trích góc nhìn thuần kinh tế này của ông Trump, cho rằng ông không tính tới các lợi ích về địa chính trị và chiến lược mà Mỹ nhận được từ các khoản hỗ trợ Ukraine. Dù vậy, ý tưởng của ông Trump đã được sự ủng hộ từ một số nghị sĩ Cộng hòa theo khuynh hướng truyền thống như thượng nghị sĩ Lindsey Graham. Ông Graham đã gặp Tổng thống Zelensky tại Kiev ngày 18/3.

"Tôi đã nói với ông ấy rằng do cuộc khủng hoảng ở biên giới phía nam và tình trạng nợ công quá nhiều của Mỹ, ý tưởng của ông Trump về việc biến các khoản viện trợ thành cho vay có ân hạn, không lãi suất là hướng đi khả dĩ nhất", ông Graham thông báo tối cùng ngày.

Nhưng Thủ tướng Hungary Viktor Orban sau cuộc gặp với ông Trump tại dinh thự Mar-a-Lago, bang Florida ngày 8/3 lại hé lộ một góc nhìn hoàn toàn khác của cựu tổng thống Mỹ về viện trợ cho Ukraine.

"Ông ấy sẽ không bỏ thêm một xu nào vào xung đột Nga - Ukraine, do đó, chiến sự sẽ chấm dứt", ông Orban trả lời truyền thông Hungary sau cuộc gặp. "Châu Âu không thể tự tài trợ cho cuộc chiến này".

Những quan điểm như vậy của Trump dường như đã có tác động lớn tới các thành viên Cộng hòa tại Hạ viện. Trong nhiều tháng qua, họ kiên quyết từ chối thông qua dự luật chi tiêu khẩn cấp hơn 95 tỷ USD, trong đó có 60 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, dù nó đã được Thượng viện nhất trí.

Các kết quả thăm dò cho thấy đa số công chúng Mỹ và lượng lớn cử tri Cộng hòa ủng hộ viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã trì hoãn bỏ phiếu dự luật vì lo ngại Trump có thể thúc đẩy những nghị sĩ cực hữu ủng hộ ông tiến hành nỗ lực lật đổ nhắm vào mình.

"Giống hầu hết các lãnh đạo, ông Trump coi trọng sự trung thành trên tất cả", Martin Wolf, cây viết của Financial Times, bình luận.

Tuy nhiên, phe Dân chủ ở Hạ viện đã kích hoạt quy trình "kiến nghị vượt quyền", động thái có thể khiến dự luật được đưa ra bỏ phiếu mà không cần Chủ tịch Hạ viện cho phép. Sức ép này khiến ông Johnson ngày 14/3 dường như đảo ngược quan điểm, gợi ý có thể sẽ tổ chức bỏ phiếu về dự luật viện trợ Ukraine.

2 Ke Hoach Hoa Binh Mo Ho Cua Trump Khien Ukraine Tra Gia

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo 155 mm tại tiền tuyến ở vùng Zaporizhzhia ngày 14/1. ảnh: Reuters

Thế bế tắc ở Washington đã ảnh hưởng đến chiến trường Ukraine suốt nhiều tháng. Tháng 12/2023, giới chức Ukraine cho hay tình trạng thiếu đạn pháo nghiêm trọng do gián đoạn nguồn viện trợ từ phương Tây đã khiến họ phải hủy bỏ các đợt tấn công ở tiền tuyến.

"Pháo thủ của chúng tôi bị giới hạn lượng đạn cho mỗi mục tiêu", binh sĩ thuộc Lữ đoàn Xung kích miền núi số 128, đang giao tranh với lực lượng Nga ở Zaporizhzhia, đông nam Ukraine, nói.

Tháng 2, Ukraine để mất thành phố miền đông Avdeevka, dẫn đến cảnh tượng rút lui trong hỗn loạn, khiến nhiều binh sĩ của Kiev mất tích hoặc bị bắt. Lực lượng Ukraine, ước tính bị áp đảo quân số với tỷ lệ 7-1, còn thiếu năng lực phòng không để ứng phó với các loại bom dẫn đường của Nga.

Một số quốc gia châu Âu đang tìm cách lấp khoảng trống Mỹ để lại, nhưng không bên nào có khả năng tiệm cận những gì Washington có thể cung cấp cho Kiev, theo Adam Taylor, cây viết của Washington Post.

Một phân tích gần đây của chính phủ Estonia cho thấy toàn châu Âu có thể sản xuất khoảng 50.000 đạn pháo một tháng, và không phải toàn bộ con số này đều chuyển sang Ukraine. Trong khi đó, giới chức Ukraine nói họ cần 200.000 viên đạn pháo mỗi tháng.

Giới chức Mỹ cảnh báo Ukraine có nguy cơ sụp đổ nếu phải tiếp tục chiến sự mà không có gói viện trợ bổ sung. Ngay cả khi Ukraine trụ được, tổn thất về người là "không đếm xuể". Và dù viện trợ sắp được khôi phục, những thiệt hại đã xảy ra đều không thể khắc phục.

"Các hành động và lập trường chính trị của ông Johnson đang gây tổn thất sinh mạng", Miroslava Luzina, nhà phiên dịch kiêm tư vấn chính trị độc lập, nói, đề cập đến Chủ tịch Hạ viện Mỹ. "Ông ấy là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người thiệt mạng ở tiền tuyến, hậu tuyến cũng như vùng bị Nga kiểm soát".

Kế hoạch hòa bình của ông Trump cũng có nguy cơ khiến có thêm máu đổ. Cựu tổng thống tin rằng lời kêu gọi đàm phán và cảnh báo chấm dứt viện trợ của ông sẽ giúp chấm dứt giao tranh. Tuy nhiên, các tín hiệu từ cả hai phía đều cho thấy họ đều sẵn sàng kéo dài cuộc chiến.

"Chúng tôi cảm thấy lố bịch nếu đàm phán với Ukraine chỉ vì họ đang cạn đạn dược", Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời truyền thông nước này tuần trước. "Đàm phán có thể diễn ra, nhưng không phải dừng giao tranh để tái vũ trang cho Ukraine, mà phải là trao đổi nghiêm túc với các đảm bảo an ninh cho Moskva".

Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cùng các trợ lý cũng nhiều lần tuyên bố Ukraine tìm kiếm hòa bình, nhưng sẽ không chấp nhận những điều khoản khiến đất nước bị chia cắt.

Ukraine đang thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng để đáp ứng nhu cầu khí tài của quân đội. Và dù gặp khó khăn trong nỗ lực bù đắp khoảng trống từ Mỹ, những bình luận từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây cho thấy châu Âu có thể sẵn sàng đối đầu với Nga ở Ukraine theo cách khác.

"Nếu những điều này đều nằm trong kế hoạch thì đó không phải một kế hoạch hòa bình. Cuộc chiến của Ukraine không yên bình hơn, mà sẽ tuyệt vọng hơn, ngay cả khi ông Trump mới chỉ là ứng viên tổng thống", bình luận viên Taylor nhận định.

Như Tâm (Theo Washington Post, Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga