Các nhà phân tích cho rằng, tên lửa Hwasong 17 của Triều Tiên là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) di động, sử dụng nhiên liệu lỏng lớn nhất trên thế giới và có thể mang nhiều đầu đạn.  

1 Hwasong 17   Ten Lua Quai Vat Cua Trieu Tien Khung Co Nao

 Hwasong-17. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên thông báo bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên từ 5 năm trước. Hwasong-17 là ICBM lớn nhất từng được phát triển và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ đâu trên lục địa Mỹ. Một số nhà phân tích đã gọi nó là "tên lửa quái vật".

Thông số kỹ thuật

Hãng thông tấn nhà nước của Triều Tiên KCNA cho biết, Hwasong-17 đã bay 1.090 km ở độ cao tối đa 6.248,5 km và bắn trúng mục tiêu ở Biển Nhật Bản trong cuộc thử nghiệm đầu tiên hồi tháng 3 năm nay. Tên lửa đã ở trên không trung 67,5 phút.

Các con số này tương đồng với dữ liệu được Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận.

Tên lửa tiền nhiệm của nó là Hwasong-15, được thử nghiệm vào tháng 11/2017, đạt độ cao khoảng 4.475 km và bay được 950 km trong 53 phút.

Không giống như các cuộc thử nghiệm ICBM trước đây của Triều Tiên, các bức ảnh của KCNA cho thấy Hwasong-17 được phóng trực tiếp từ một bệ phóng TEL với 11 trục.

Các nhà phân tích cho rằng, điều này khiến Hwasong-17 trở thành ICBM dùng nhiên liệu lỏng và di động lớn nhất thế giới.

Đường kính của Hwasong-17 được ước tính là từ 2,4 đến 2,5 m, và tổng khối lượng của nó khi được nạp đầy nhiên liệu có thể khoảng 80.000 đến 110.000 kg, theo trang 38 North chuyên theo dõi Triều Tiên.

Tên lửa Hwasong-17 lần đầu tiên được nhìn thấy tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 10/2020. Khi đó, các nhà phân tích nhận thấy nó trông “lớn hơn đáng kể” so với Hwasong-15.

Tên lửa được trưng bày lần thứ hai tại một cuộc triển lãm quốc phòng ở Bình Nhưỡng vào tháng 10 năm sau. Sau khi xem xét các bức ảnh của triển lãm, các nhà phân tích kết luận tên gọi chính thức của ICBM này rất có thể là Hwasong-17.

Kích thước của Hwasong-17 khiến giới phân tích suy đoán rằng, nó sẽ được thiết kế để mang nhiều đầu đạn và mồi nhử nhằm xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa tốt hơn.

Một số nhà quan sát cho rằng, công nghệ vệ tinh mà Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm trong các vụ phóng ngày 27/2 và ngày 5/3 cũng có thể được sử dụng cho hệ thống đầu đạn đa đầu hướng (MIRV) - cho phép một tên lửa bắn đầu đạn hạt nhân vào nhiều mục tiêu khác nhau.

Hà Thu (Theo Theo Al Jazeera)

Nguồn: tienphong.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga